Theo thông báo của SCB, nội dung chính của của cuộc họp là về chủ trương tăng vốn điều lệ 15.000 tỷ đồng và lộ trình niêm yết cổ phiếu SCB trên Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE).
Đồng thời, Ngân hàng cũng sẽ trình cổ đông phê duyệt chủ trương đối với giao dịch nhận tài sản để thay thế/ cấn trừ nghĩa vụ tả nợ có giá trị lớn hơn 20% vốn điều lệ.
Cụ thể, ngân hàng dự kiến tăng vốn điều lệ 15.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2020-2023, trong đó riêng năm 2020-2021 tăng 5.000 tỷ đồng.
HĐQT đề xuất phương án cụ thể trong từng thời kỳ, đảm bảo phù hợp với tình hình thị trường và hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Hiện vốn điều lệ của ngân hàng ở mức 15.231 tỷ đồng.
Ngân hàng sẽ tăng vốn thêm 5.000 tỷ đồng thông qua việc chào bán 500 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tức tỷ lệ thực hiện 32,9%. Giá chào bán là 10.000 đồng/cổ phiếu.
Với số vốn tăng thêm, ngân hàng sẽ dùng 4.000 tỷ để bổ sung nguồn vốn kinh doanh, dành 500 tỷ để đầu tư vào tài sản cố định và hiện đại hóa công nghệ thông tin; 500 tỷ đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp trụ sở hoạt động và hệ thống nhận diện thương hiệu SCB.
Còn đối với lộ trình niêm yết cổ phiếu SCB trên HOSE, SCB đạt mục tiêu chậm nhất năm 2025 sẽ chính thức niêm yết cổ phiếu. Hội đồng quản trị (HĐQT) xây dựng lộ trình cụ thể từng năm và thực hiện các công việc thủ tục cần thiết theo quy định của pháp luật.
Tính đến 30/9/2020, tổng tài sản của ngân hàng đạt 611.694 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cuối năm 2019. Huy động vốn từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 553.832 tỷ đồng, tăng 13,3% so với đầu năm. Dư nợ tín dụng đạt 351.990 tỷ đồng, tăng 5,4% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu và nợ quá hạn lần lượt là 1,23% và 0,74%.
So với cùng kỳ năm trước, thu nhập lãi thuần của SCB tăng 1.307 tỷ đồng, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 200 tỷ đồng, hoạt động kinh doanh ngoại hối và mua bán chứng khoán giảm nhẹ 9 tỷ đồng, thu nhập thuần từ hoạt động khác giảm 3.069 tỷ đồng.
9 tháng đầu năm 2020, SCB có lãi 35,5 tỷ đồng. Ngân hàng trích lập được 1.963 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, nâng tổng quỹ dự phòng rủi ro lên hơn 13.000 tỷ đồng - là khoản đệm dự phòng tài chính giúp cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng ổn định trong thời gian tới.