Ngân hàng
SCB đặt mục tiêu lợi nhuận 2018 tăng 30%
Thùy Vinh - 28/03/2018 11:15
Sáng 28/3, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) tiến hành đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2018 để trình cổ đông thông qua mục tiêu kinh doanh năm 2018 cũng như triển khai các kế hoạch hành động khác của Ngân hàng trong năm.

Tính đến cuối năm qua 2017, tổng tài sản SCB đạt hơn 444 tỷ đồng; hoạt động tín dụng đến cuối năm 2017 đạt trên 264 tỷ đồng, tăng gần 20% so đầu năm 2017; huy động thị trường một tăng hơn 17% so đầu năm; nợ xấu được kiểm soát ở mức 0,45%.

Điều đáng nói là nguồn thu đóng góp vào lợi nhuận ngân hàng nằm đều ở các mảng cả tín dụng và dịch vụ. Trong đó, nguồn thu ngoài lãi có mức tăng trưởng 76% so với năm 2016, đạt 1.516 tỷ đồng. Cụ thể, lợi nhuận từ hoạt động mua bán chứng khoán của SCB tăng gấp 2,5 lần so với năm 2016, đạt 626 tỷ đồng; thu phí dịch vụ tăng 54% đạt 871 tỷ đồng; doanh số giao dịch ngoại tệ của SCB đạt trên 50 tỷ USD, tăng 60% so với năm trước; hoạt động thanh toán quốc tế của Ngân hàng cũng tăng trưởng vượt bậc trong năm 2017 với doanh số đạt khoảng 2,8 tỷ USD và phí dịch vụ đạt khoảng 153 tỷ đồng, tăng 2,55 lần so với năm 2016.

.

Tất cả những kết quả đạt được đã minh chứng cho sự tăng trưởng bền vững của nguồn thu phi tín dụng của SCB qua các năm và cho thấy chất lượng nguồn thu của SCB ngày càng được cải thiện. Nguồn thu ngoài lãi tốt đã đóng góp tích cực vào lợi nhuận, giúp Ngân hàng có cơ hội xử lý nợ xấu, miễn và giảm lãi cho khách hàng. Do SCB đã chủ động giảm lãi cho khách hàng và thực hiện trích dự phòng nên lợi nhuận bị tác động.

Thực tế, lợi nhuận của SCB trước khi giảm lãi cho khách hàng và trích dự phòng trong năm 2017 đạt 4.000 tỷ đồng. Cụ thể, trong năm qua, Ngân hàng đã giảm lãi cho khách hàng với con số trên 3.000 tỷ đồng. Trong đó, có cả lãi dự thu, lãi đến hạn và giảm lãi trực tiếp cho khách hàng vay vốn theo chủ trương của Chính phủ, NHNN về việc giảm lãi vay cho doanh nghiệp, nhằm giảm bớt gánh nặng cho khách hàng trong bối cảnh khó khăn. Tùy tình hình, trong năm nay SCB cũng sẽ xem xét để chia sẽ nhận được mức lợi tức phù hợp.

Trong năm nay, SCB sẽ tăng vốn điều lệ theo phương án đã trình NHNN về kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ thêm 1.705 tỷ đồng. Đồng thời, Ngân hàng cũng dự kiến tăng vốn từ quỹ dự trữ và lợi nhuận giữ lại khoảng 600 tỷ đồng thông qua phát hành thêm khoảng 60 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Như vậy, tổng mức vốn điều lệ SCB dự kiến tăng thêm trong năm 2018 là 2.305 tỷ đồng, nâng mức vốn điều lệ cuối năm 2018 lên gần 16.600 tỷ đồng. 

Theo ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB, việc tăng vốn của SCB là nhằm bổ sung nguồn vốn cho quá trình tái cấu trúc, tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cũng như mở rộng mạng lưới, tiếp cận nhiều hơn với các khách hàng tiềm năng. Năm 2017, SCB đã được NHNN cấp giấy phép cho mở mới 11 điểm giao dịch, trong đó có hai chi nhánh tại Thanh Hóa và Thái Bình. Đầu năm 2018, SCB đã khai trương cả hai chi nhánh này và sắp tới sẽ hoàn thành việc khai trương các điểm giao dịch mới, mở rộng mạng lưới hoạt động của SCB lên 239 điểm cả nước.

Mục tiêu lợi nhuận SCB đặt ra cho năm 2018 tăng trưởng khoảng 30% so với năm rồi, bởi theo lãnh đạo SCB, do Ngân hàng đang giai đoạn tái cơ cấu nên lợi nhuận thu về, SCB cũng dành phần lớn để trích lập dự phòng rủi ro. Đến thời điểm này, Quỹ dự phòng rủi ro của SCB đã đạt con số đến 6.375 tỷ đồng và SCB cho biết, sẽ tiếp tục gia tăng trích dự phòng rủi ro cho trái phiếu nhận lại từ các khoản nợ mà Ngân hàng đã bán cho VAMC ở những năm trước (chưa xử lý hết). Với khoản dự phòng đã trích nói trên, theo ông Văn, Ngân hàng xem đây là của để dành lớn cho SCB, tích tụ tài chính tốt cho SCB sau giai đoạn tái cơ cấu. Theo đề án tái cơ cấu, đến hết năm 2019, SCB sẽ kết thúc quá trình tái cấu trúc sau khi hợp nhất.

Tin liên quan
Tin khác