Ông Kan Trakulhoon, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn SCG cho biết, M&A sẽ là một phần quan trọng trong chiến lược mở rộng kinh doanh của SCG tại Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
| ||
Chiến lược M&A giúp SCG thích nghi được với các điều kiện thị trường mà SCG đang hoạt động |
“Hiện chúng tôi có sẵn số vốn khoảng 1,3 tỷ USD, nên sẽ tiếp tục các hoạt động M&A tại Việt Nam và toàn bộ khu vực. Ở Việt Nam, thị trường xi măng cung đã vượt cầu nên có thể chúng tôi chưa đầu tư thêm vào xi măng vào thời điểm này, nhưng không loại trừ 1 kế hoạch trong tương lai. Hiện tại, mục tiêu M&A của chúng tôi nhắm vào các ngành khác”, ông Trakulhoon nói.
SCG hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực xi măng – vật liệu xây dựng, giấy, hoá dầu – một ngành công nghiệp mà SCG đã đầu tư một lượng vốn lớn vào việc mua cổ phần của các công ty Việt Nam.
Đặc biệt, có thể kể tới thương vụ SCG đã bỏ ra 240 triệu USD để mua 85% cổ phần của Tập đoàn Prime – nhà sản xuất gạch lát lớn của Việt Nam vào vào tháng 12/2012. Hiện nay, Prime sản xuất 75 triệu m2 gạch lát, chiếm 20% thị phần gạch lát trong nước.
“Việc mua lại Tập đoàn Prime không chỉ giúp cho SCG khuyếch đại sự hiện diện của mình trong thị trường vật liệu xây dựng của Việt Nam, mà còn cho phép chúng tôi trở thành nhà sản xuất gạch lớn nhất thế giới với công suất 225 triệu m2, tăng cường năng lực cạnh tranh, đồng thời hướng đến tầm nhìn trở thành tập đoàn hàng đầu trong khu vực”, ông Trakulhoon nhấn mạnh.
Đây được coi là một động thái chiến lược của SCG nhằm củng cố lợi thế cạnh tranh của Tập đoàn này ở Đông Nam Á. Trước đó, SCG đã mua 20% cổ phần của Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh và 23% cổ phần của Công ty cổ phần Nhựa Tiền Phong. Vào đầu năm nay, SCG đã thành công trong việc sáp nhập Công ty Alcamax Packaging – nhà sản xuất và phân phối thùng giấy gợn sóng tại Việt Nam.
Công ty SCG Cement (nay là SCG Cement-Building Materials), một trong ba đơn vị kinh doanh chính của SCG, đã chính thức đưa Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Bửu Long vào hoạt động trong năm ngoái.
Trước đó, SCG Cement - Building Materials đã mua lại 99% tài sản của Công ty Bửu Long vào quý IV/2011 với một hợp đồng trị giá 5,5 triệu USD, bao gồm cả giá trị tài sản và các chi phí cải tổ lại Công ty Bửu Long.
Ông Trakulhoon khẳng định, Tập đoàn SCG đang nỗ lực duy trì một cách bền vững các công ty đã được mua lại và cam kết trở thành “doanh nghiệp công dân” tốt.
Bên cạnh đẩy mạnh M&A tại Việt Nam, SCG đang nỗ lực trở thành tập đoàn công nghiệp hàng đầu ASEAN trong phát triển bền vững vào năm 2015, khi Cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập. SCG đã theo đuổi mục tiêu này từ năm 2006 thông qua hàng loạt các thương vụ M&A, tập trung vào các ngành kinh doanh chủ lực của Tập đoàn.
“Chúng tôi đã dành riêng một khoản vốn khoảng 7 tỷ USD cho các hoạt động đầu tư M&A cho thời kỳ 2012 -2016. Nợ ròng trên vốn chủ sở hữu của chúng tôi không thấp hơn 2 lần và mức trần của chúng tôi là 3 lần. Do vậy, ngân sách cho M&A không phải là vấn đề quan ngại”, ông Trakulhoon nói.
Ông Trakulhoon cho biết thêm, thành công và tăng trưởng trong các hoạt động M&A của SCG thể hiện hướng đi và mục đích mới của SCG tại các thị trường trong khu vực ASEAN.
“Các kế hoạch mở rộng kinh doanh thông qua M&A sẽ được tiếp tục như một cách tiếp cận mới đối với đầu tư trong tương lai của SCG”, ông Trakulhoon nhấn mạnh thêm.
Đối với SCG, chiến lược này sẽ nâng cao thêm trình độ chuyên môn, giúp Tập đoàn thích nghi được với các điều kiện của thị trường mà SCG đang hoạt động.
Theo quan điểm của ông Trakulhoon, việc mở rộng M&A đã đem lại nhiều kết quả khả quan, đó là sự đa dạng của các nhân viên đến từ nhiều địa điểm và các nền văn hóa khác nhau. Sự đa dạng này được tụ hội dưới mái nhà của SCG, với văn hóa làm việc của Tập đoàn. Sự khác biệt trong mỗi nhân viên là một lợi thế trong kinh doanh của SCG.
“Lực lượng lao động đa dạng có thể tạo ra nhiều ý tưởng sáng tạo có lợi cho Tập đoàn. Chính điều này giúp SCG rộng hợp tác và kinh doanh trong toàn bộ khu vực Đông Nam Á”, ông này nói.
Thanh Tùng