Tài chính - Chứng khoán
SCIC chật vật thoái vốn khỏi A Chau Food Tech
Kỳ Thành - 29/10/2022 08:18
Đã nhiều lần rao bán khoản vốn góp vào Công ty cổ phần Kỹ nghệ Thực phẩm Á Châu, nhưng Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) chưa thể thoái vốn.

Lãi từ tiền gửi có kỳ hạn đóng vai trò quan trọng

SCIC vừa thông báo đấu giá công khai cả lô cổ phần đang nắm giữ tại Công ty cổ phần Kỹ nghệ Thực phẩm Á Châu (A Chau Food Tech). Lô cổ phần này tương ứng 79,2% vốn tại A Chau Food Tech (1,34 triệu cổ phần) có giá khởi điểm 27,7 tỷ đồng (tương đương 20.579 đồng/cổ phần).

Buổi đấu giá sẽ diễn ra vào lúc 14h ngày 1/11/2022, tại Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam Chi nhánh Đà Nẵng (VietinBank Securities Đà Nẵng). Đây không phải là lần đầu tiên SCIC chào bán lô cổ phần này. Theo VietinBank Securities Đà Nẵng, phiên đấu giá gần nhất đã không được tổ chức do không có nhà đầu tư nào đăng ký tham gia.

Theo bản công bố thông tin, A Chau Food Tech hoạt động chính trong các mảng chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa; sản xuất đồ uống không cồn; sản xuất nắp chai, phụ kiện đóng chai các loại… Công ty tiền thân là Nhà máy Bia Huế - một doanh nghiệp nhà nước được thành lập vào năm 1990, sau đó chuyển thành doanh nghiệp cổ phần từ năm 2009. Năm 2011, Công ty được cấp phép kinh doanh và chính thức kế thừa các hoạt động sản xuất - kinh doanh từ Nhà máy Bia Huế, có vốn điều lệ 17 tỷ đồng và chưa thay đổi từ đó đến nay.

Về hoạt động kinh doanh, dù doanh thu, lợi nhuận của A Chau Food Tech duy trì khá ổn định trong giai đoạn 2019-2021, nhưng không có nhiều đột phá. Năm 2021, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Công ty đạt hơn 31 tỷ đồng, giảm khoảng 2% so với năm trước đó. Hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất nắp chai và kem, sữa chua, nên doanh thu bán hàng mảng này của Công ty chiếm lần lượt 28% và 70% tổng doanh thu.

Đáng chú ý, tiền gửi có kỳ hạn luôn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị tài sản của A Chau Food Tech. Tại thời điểm cuối năm 2021, tiền gửi có kỳ hạn của Công ty là 5,5 tỷ đồng, chiếm 24% tổng tài sản. Cùng kỳ năm trước, tiền gửi có kỳ hạn của Công ty là 6 tỷ đồng và lãi từ các khoản tiền gửi này đóng góp khoảng 50-60% lợi nhuận trước thuế của Công ty.

Thêm khó khăn vì bị thu hồi mặt bằng

Mặc dù các sản phẩm kem của A Chau Food Tech chiếm khoảng 30-35% thị phần đối với dòng kem bình dân trong khu vực thị trường từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi, nhưng phía đơn vị tư vấn cho đợt thoái vốn này đánh giá, thị trường kem và sữa chua hiện gặp phải nhiều sự cạnh tranh từ các công ty tên tuổi như Unilever, hay các thương hiệu đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản. Bên cạnh đó còn là sự cạnh tranh từ các sản phẩm nước giải khát thay thế khác như trà sữa, trà thảo mộc…

Một thách thức khác cũng phải nhắc đến là nhu cầu sử dụng nắp chai trong những năm gần đây từ các nhà máy bia là đối tác khách hàng của A Chau Food Tech ngày càng giảm do xu hướng chuyển từ bia chai sang bia lon của người tiêu dùng. Từ năm 2019, Công ty không còn thực hiện hợp đồng bán nắp chai cho Công ty TNHH Bia Carsberg Việt Nam. Bên cạnh đó, giá hầu hết nguyên liệu đầu vào đồng loạt tăng từ đầu năm 2022 gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Công ty.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong hoạt động kinh doanh của A Chau Food Tech đến từ vấn đề mặt bằng sản xuất. Công ty đang thuê đất tại số 71 - Nguyễn Khoa Chiêm, phường An Tây, TP. Huế để làm cơ sở sản xuất - kinh doanh với diện tích 13.300 m2, thuê đất trả tiền hàng năm từ ngày 1/1/2022. Tháng 8/2022, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có quyết định thu hồi diện tích đất này do Công ty đã hết thời hạn thuê đất, nhưng không được gia hạn.

Phía A Chau Food Tech cho biết, Công ty phải tháo dỡ, di dời tài sản và bàn giao đất trước ngày 31/12/2022. Công ty đã có tờ trình gửi tới các cơ quan liên quan xin gia hạn thời gian bàn giao mặt bằng đến ngày 31/12/2023 và xin hỗ trợ bố trí địa điểm mới phù hợp với quy hoạch của tỉnh để thuê làm cơ sở sản xuất mới.

Với quá khứ đã nhiều lần rao bán lô cổ phần tại A Chau Food Tech, cùng với những khó khăn, thách thức trong hoạt động kinh doanh của công ty này chưa thể tháo gỡ, kế hoạch thoái vốn của SCIC càng trở nên chật vật.

Tin liên quan
Tin khác