SCIC đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại hơn 1.000 doanh nghiệp |
Đó là thông tin trên được Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư và đại diện Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đưa ra tại Hội thảo Chuyển giao doanh nghiệp Nhà nước về SCIC diễn ra sáng nay (21/2).
Theo SCIC, lũy kế đến nay, SCIC đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại hơn 1.000 doanh nghiệp với tổng giá trị vốn nhà nước tiếp nhận hơn 9.900 tỷ đồng (theo giá thị trường là 15.000 tỷ đồng), mới bằng khoảng gần 1% tổng số vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong đó hơn 80% là doanh nghiệp nhỏ hoạt động kém hiệu quả, số doanh nghiệp thuộc diện kiểm soát đặc biệt, thua lỗ chiếm gần 7%. Số doanh nghiệp tiếp nhận giảm dần qua các năm nhất là từ năm 2009 đến nay.
Theo ông Nguyễn Hồng Hiền, Phó tổng giám đốc SCIC, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã có nhiều văn bản chỉ đạo và SCIC đã nỗ lực chủ động phối hợp với các Bộ, UBND tỉnh, thành phố triển khai việc chuyển giao doanh nghiệp, nhưng kết quả còn rất thấp.
Theo rà soát sơ bộ của CIEM, hiện vẫn còn tới 173 doanh nghiệp thuộc diện chuyển giao nhưng SCIC và các Bộ, UBND tỉnh chưa thống nhất.
Cụ thể, các bộ còn 32 doanh nghiệp, trong đó nhiều nhất là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (10 doanh nghiệp), Bộ Công Thương (8 doanh nghiệp), Bộ Giao thông Vận tải (5 doanh nghiệp)… Đối với các địa phương, nếu không tính Hà Nội thì hiện có tới 141 doanh nghiệp.
Tổng vốn điều lệ của 173 doanh nghiệp này là trên 82.000 tỷ đồng (vốn nhà nước khoảng 70.000 tỷ đồng), trong đó công ty TNHH một thành viên chiếm 74% về vốn, 68% về số lượng doanh nghiệp, còn lại là công ty cổ phần.
Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM, nhiều địa phương, Bộ ngành có doanh nghiệp trực thuộc hiện không muốn chuyển giao vốn cho SCIC, nhiều nơi vẫn muốn giữ doanh nghiệp để quản lý hoặc chỉ chuyển giao những doanh nghiệp yếu kém cho SCIC.
Ông Nguyễn Hồng Hiền lý giải, nguyên nhân là do nhiều Bộ, UBND tỉnh, thành phố chưa quan tâm đúng mức và chỉ đạo sát sao việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp về SCIC. Một số Bộ, địa phương trì hoãn việc chuyển giao hoặc chỉ chuyển giao một số ít doanh nghiệp trên tổng số doanh nghiệp thuộc đối tượng chuyển giao.
Các Bộ, UBND tỉnh, thành phố chậm phê duyệt quyết toán vốn nhà nước tại thời điểm doanh nghiệp chính thức chuyển thành công ty cổ phần (quyết toán vốn Nhà nước lần 2); chậm xử lý các tồn tại về tài chính trước cổ phần hóa nên chưa đủ điều kiện chuyển giao vốn theo quy định.
Một số Bộ, UBND tỉnh, thành phố không thực hiện chuyển giao, thay vào đó đề nghị được giữ lại doanh nghiệp để quản lý, hoặc để Bộ, UBND tỉnh, thành phố tiến hành bán phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Thậm chí, mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo các Tập đoàn, Tổng công ty không được bán bớt phần vốn nhà nước tại các công ty con, công ty liên kết trước khi bàn giao về SCIC nhưng một số Tập đoàn, Tổng công ty vẫn tiến hành bán vốn, ông Hiền cho hay.