Thời sự
Sẽ chấm dứt việc công bố số liệu GRDP “trên trời”
Mạnh Bôn - 18/07/2016 08:14
Từ năm 2017 trở đi, Tổng cục Thống kê sẽ biên soạn và công bố tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cấp tỉnh. Điều này, theo ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê), sẽ chấm dứt tình trạng các địa phương xây dựng và công bố số liệu GRDP “trên trời”.
TIN LIÊN QUAN

Quốc hội và các chuyên gia kinh tế nhiều lần lên tiếng về độ vênh nhau giữa GDP và GRDP của từng tỉnh. Vì sao lại có độ vênh này, thưa ông?

Kể từ khi giao các địa phương tính toán và công bố GRDP (năm 1992) đến nay, năm nào GRDP của các địa phương cũng cao hơn rất nhiều so với GDP cả nước.

.

Cụ thể, trong Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015, mục tiêu tăng GDP chỉ là 7 - 7,5%, nhưng nếu tổng hợp mục tiêu kế hoạch tăng GRDP của các địa phương, thì tốc độ tăng GDP lên tới 2 con số. Đơn cử, năm 2011, GDP chỉ tăng 6,24%, nhưng nếu tính theo số liệu GRDP do địa phương tính toán và công bố thì con số này phải là 10,81%.

Tôi cũng muốn nói thêm rằng, giai đoạn 2011 - 2012, kinh tế trong nước và thế giới gặp rất nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng GDP trong nước chậm lại, nhưng hầu hết các địa phương đều công bố số liệu GRDP của mình tăng trên 10%.

Số liệu GRDP của hầu hết các địa phương chưa phản ánh sát thực trạng kinh tế - xã hội trên địa bàn đã ảnh hưởng đến chất lượng của nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội khác như năng suất lao động, GDP bình quân đầu người, cân đối thu - chi ngân sách…, nên việc Quốc hội, các chuyên gia kinh tế và người sử dụng thông tin bức xúc, giảm niềm tin vào các số liệu thống kê được công bố cũng là điều dễ hiểu.

Địa phương tính toán GRDP, nhưng vẫn do ngành thống kê thực hiện, vì khác với các ngành khác, ngành thống kê tổ chức theo ngành dọc, các cục thống kê là đơn vị trực thuộc Tổng cục Thống kê?

Do bệnh thành tích và mong muốn nhanh chóng phát triển, nên địa phương nào cũng xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế cao hơn nhiều so với nguồn lực, năng lực thực tế.

Trong khi đó, cơ quan thống kê địa phương đúng là chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng cục Thống kê theo hệ thống ngành dọc, nhưng rất khó thuyết phục được cấp ủy và chính quyền địa phương hạ chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế.

Đó cũng chỉ là một nguyên nhân, bởi còn có nguyên nhân nữa là cách tính trùng lắp. Cụ thể, doanh nghiệp ngày càng mở rộng hoạt động, ngoài trụ sở chính còn có nhiều chi nhánh, công ty phụ thuộc ở các địa phương khác, trong khi cơ quan thống kê nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính đã thống kê toàn bộ số lượng, giá trị hàng hóa mà doanh nghiệp sản xuất ra, thì các địa phương có chi nhánh, công ty phụ thuộc cũng tính số lượng, giá trị hàng hóa mà chi nhánh, công ty phụ thuộc sản xuất ra, nên dẫn tới tính trùng.

Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đổi mới quy trình biên soạn số liệu GRDP trên địa bàn cấp tỉnh từ năm 2017 trở đi.

Cụ thể là đổi mới những gì, thưa ông?

Từ năm 2017 trở đi, Tổng cục Thống kê biên soạn và công bố GRDP, các cục thống kê địa phương chịu trách nhiệm thu thập thông tin đầu vào trên địa bàn báo cáo Tổng cục Thống kê.

Áp dụng quy trình biên soạn số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn cấp tỉnh theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế và phù hợp với thực tiễn nước ta nhằm nâng cao chất lượng số liệu GRDP, đáp ứng nhu cầu thông tin của các cơ quan Đảng, Nhà nước ở Trung ương và địa phương trong việc đánh giá và dự báo tình hình kinh tế - xã hội; phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn cấp tỉnh và trên phạm vi cả nước; đồng thời đáp ứng nhu cầu thông tin của các tổ chức, cá nhân khác.

Biên soạn GRDP tập trung sẽ khắc phục được tình trạng chênh lệch số liệu GDP và GRDP vì chấm dứt được bệnh thành tích và tính trùng lặp hiện nay do các tỉnh không có quyền “vẽ” ra số liệu.

Cách biên soạn GRDP mà Tổng cục Thống kê sẽ triển khai kể từ năm 2017 có phù hợp với thông lệ quốc tế không?

Chúng tôi đã nghiên cứu cách biên soạn GRDP tại 12 quốc gia thì thấy có 10 nước, cơ quan thống kê trung ương tính cả GDP lẫn GRDP cho từng bang, tỉnh, thành phố, gồm Mỹ, Thái Lan, Philippines, Canada, Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc, Ba Lan, Hungary và Séc. Trong khi đó, tại Indonesia, cơ quan thống kê trung ương và địa phương cùng tính GRDP. Hiện chỉ có Việt Nam và Trung Quốc giao địa phương tính GRDP, còn cơ quan thống kê trung ương tính GDP.

Thực hiện biên soạn GRDP mới, Tổng cục Thống kê có bị áp lực gì không, thưa ông?

Chúng tôi không chịu bất cứ áp lực gì vì số liệu thống kê phải bảo đảm tính khách quan, trung thực, chính xác.

Tuy nhiên, chúng tôi gặp khó khăn về vấn đề nhân lực. Thực tế, ở các quốc gia mà cơ quan thống kê trung ương biên soạn GRDP thường có số nhân sự 70 - 100 người, trong khi đó, cả Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (đơn vị chủ trì tính GRDP) hiện tại chỉ có 17 nhân sự. Một vấn đề nữa là, ngày 30/5 hàng năm, chúng tôi phải công bố GRDP 6 tháng và ngày 30/11 phải công bố GRDP cả năm cho các địa phương để phục vụ kỳ họp HĐND cấp tỉnh hàng năm. Do không cập nhật kịp thời số liệu của 6 tháng và 12 tháng, nên phải ước tính tốc độ tăng trưởng GRDP cho 6 tháng và cả năm, do đó, độ chính xác chắc chắn không cao.

Tin liên quan
Tin khác