“Chi tiết phương án sáp nhập vào Kido, chúng tôi sẽ tổ chức Đại hội bất thường vào tháng 7 hoặc tháng 8 tới để trình và xin ý kiến cổ đông”, ông Trần Lệ Nguyên, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Kido (mã: KDC) lý giải về chủ trương sáp nhập Tường An vào Kido được đưa ra cuối tháng 05/2020.
Kido hiện nắm 75,44% vốn Tường An. Ông Lệ Nguyên cho biết, Tường An sẽ được sáp nhập vào Kido nhưng cổ đông lớn đang nắm 26,5% vốn Tường An là Tổng công ty công nghiệp dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex, mã: VOC) còn vốn Nhà nước.
Do đó, Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 của Tường An được tổ chức sáng nay tại TP.HCM chỉ thông qua tờ trình về chủ trương sáp nhập. Và chi tiết phương án sẽ được đưa ra tại đại hội bất thường sắp tới.
Dây chuyền sản xuất dầu ăn Tường An (ảnh minh họa: Tường An). |
Đại hội Tường An sáng nay đã thông qua tờ trình chia cổ tức đặc biệt 75%, tương ứng 7.500 đồng/cp, nguồn lấy từ lợi nhuận còn lại sau chia cổ tức hơn 54 tỷ đồng, lợi nhuận chưa phân phối, các quỹ còn lại 201 tỷ đồng.
Tổng nguồn chi cổ tức hơn 254 tỷ đồng và lợi nhuận còn lại sau khi chia cổ tức chỉ còn hơn 700 triệu đồng.
Kế hoạch doanh thu năm 2020 của Tường An là 4.558 tỷ đồng, lợi nhuận 193 tỷ đồng cùng cổ tức bằng tiền mặt, dự kiến 20%.
Bà Nguyễn Thị Hạnh, Chủ tịch HDQT TAC cho biết, chiến lược sản phẩm của Tường An tiếp tục tập trung phân khúc cao cấp và chuyên biệt, ít bị ảnh hưởng bởi diễn biến phức tạp của giá dầu nguyên liệu, biên lợi nhuận cao hơn.
Năm 2019, tăng trưởng nhóm này tăng 20% so với năm 2018.
Tường An hiện chưa chủ động được nguồn nguyên liệu cũng như chịu tác động liên tục khi giá nguyên liệu biến động.
Ban lãnh đạo Tường An lý giải, toàn bộ dầu thực vật không thể tự sản xuất ở Việt Nam.
Doanh nghiệp này đã đặt vấn đề về nguồn cung cấp nguyên liệu với dự tính ban đầu là hình thành vùng trồng ở các nước có thổ nhưỡng phù hợp.
Ngoài ra, việc sáp nhập Tường An vào công ty mẹ là Kido được kỳ vọng sẽ cải thiện tính thanh khoản còn thấp của Tường An trong thời gian qua.