Siêu tàu Ever Given thoát khỏi vị trí mắc kẹt trên kênh đào Suez vào ngày 29/3. Ảnh: AFP |
Các đoàn tàu cỡ lớn lần lượt xếp hàng lưu thông qua kênh đào Suez sau khi siêu tàu dài 400m Ever Given được giải cứu khỏi vị trí chắn nganh kênh đào - tuyến đường vận chuyển ngắn nhất giữa châu Âu và châu Á.
Siêu tàu Ever Given mắc cạn qua ở đoạn phía Nam của kênh đào Suez từ đầu tuần trước, khiến mọi hoạt động giao thông thủy qua khu vực này bị tê liệt và có đến 422 tàu hàng phải lênh đênh chờ lưu thông ở hai đầu kênh và dọc tuyến vận tải này.
Ông Osama Rabie, Chủ tịch Cơ quan quản lý kênh đào Suez cho biết 95 tàu sẽ lưu thông qua kênh Suez vào lúc 19:00 giờ địa phương (17:00 giờ GMT) trong hôm nay 30/3 và thêm 45 tàu nữa đi qua lúc nửa đêm.
Người đứng đầu Cơ quan quản lý kênh đào Suez hy vọng tình trạng dồn ứ tàu quanh tuyến vận tải này sẽ được giải quyết trong 3 - 4 ngày tới.
Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi cho rằng sự cố của siêu tàu Ever Given đã cho thấy tầm quan trọng của tuyến giao thông đường thủy qua kênh đào Suez đối với thương mại toàn cầu.
Evergreen Line, công ty đang cho thuê tàu Ever Given, khẳng định siêu tàu này sẽ được đưa đến ở Hồ Great Bitter - nơi ngăn cách hai đoạn của kênh - để kiểm tra khả năng vận hành trên biển.
Rạng sáng 29/3, các nhân viên cứu hộ từ Cơ quan quản lý kênh đào Suez cùng một nhóm chuyên gia từ Công ty Smit Salvage của Hà Lan đã cho nổi một phần của siêu tàu Ever Given và sau đó nắn thẳng tàu theo chiều kênh.
Ông Peter Berdowski, CEO của Công ty Smit Salvage đánh giá: "Áp lực thời gian phải hoàn thành công việc trên là điều rất rõ và nó lớn chưa từng có". Công ty này ước tính đã có khoảng 30.000 m3 cát được nạo vét để kích nổi siêu tàu Ever Given 224.000 tấn và tổng cộng 11 đầu kéo và 2 tàu kéo chuyên dụng trên biển đã được điều đến để đưa siêu tàu ra khỏi vị trí mắc kẹt.
Bernhard Schulte Shipmanagement (BSM), đơn vị quản lý kỹ thuật của siêu tàu Ever Given cho biết không có báo cáo nào ghi nhận vấn đề ô nhiễm hay hư hỏng hàng hóa.
Ước tính khoảng 15% lưu lượng vận tải biển toàn cầu đi qua kênh đào Suez. Kênh đào này cũng là "dòng chảy ngoại tệ" quan trọng vào Ai Cập. Việc giao thông qua kênh đào Suez bị tê liệt trong tuần qua khiến nước này tổn thất tới 15 triệu USD/ngày.