Theo dự thảo, đối tượng tham gia đấu giá là các thương nhân trực tiếp sử dụng đường làm nguyên liệu sản xuất và thương nhân dùng đường thô sản xuất đường tinh luyện và đã được phân giao hạn ngạch trong các năm qua. . bộ hạn ngạch đường năm 2016 với 85.000 tấn, chủng loại bao gồm cả đường thô và đường tinh luyện theo mã HS 1701. Một thương nhân có quyền tham gia đấu giá tối thiểu là 1.000 tấn, tối đa là 10.000 tấn. Mỗi thương nhân có quyền tham gia 3 đơn đấu giá khác nhau nhưng phải đảm bảo số lượng tối thiểu và tối đa theo quy định. Số lượng đường nhập khẩu theo hạn ngạch chỉ được dùng làm nguyên liệu sản xuất, không được mua bán, chuyển nhượng. Trước khi đấu giá 30 ngày sẽ có thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Hội đồng đấu giá sẽ bao gồm đại diện Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và do Bộ Công thương là Chủ tịch Hội đồng. Như vậy là Hiệp hội Mía đường Việt Nam chưa được là thành viên của Hội đồng đấu giá.
Trước đó vào tháng 7/2015, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đồng ý thực hiện thí điểm cơ chế đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường như đề nghị của Bộ Công Thương vào năm 2016.
Phó thủ tướngcũng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hiệp hội Mía đường Việt Nam chuẩn bị các điều kiện cần thiết, nghiên cứu ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể, bảo đảm công khai, minh bạch và phù hợp với các cam kết quốc tế để thực hiện thí điểm cơ chế đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường.
Căn cứ kết quả thực hiện thí điểm trong năm 2016, Bộ Công Thương tổng kết, đánh giá hiệu quả của phương thức đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường; tác động của phương thức này đến các doanh nghiệp chế biến thực phẩm, người tiêu dùng, các nhà máy đường, người nông dân trồng mía, cung cầu thị trường đường trong nước và phản ứng từ các thành viên WTO. Trên cơ sở đó, đề xuất Thủ tướng Chính phủ phương thức điều hành phù hợp trong giai đoạn tiếp theo.