Với sự ra đời Chỉ thị 47/CT-TTg của Thủ tướng về chấn chỉnh công tác đấu thầu và các Thông tư hướng dẫn về đấu thầu qua mạng, các Chủ đầu tư, Bên mời thầu sẽ phải nghiêm túc thực hiện việc tự đăng tải thông tin đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng theo lộ trình quy định trong năm 2018. |
Đây là thông tin được Cục Quản lý đấu thầu đưa ra tại Hội nghị phổ biến Thông tư 04/2017/TT-BKHĐT ngày 15/11/2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định về lựa chọn nhà thầu qua Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia được tổ chức sáng nay tại Hà Nội với sự tham gia của các đại diện phụ trách về công tác đấu thầu của các Bộ, Ban, ngành; các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương; các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; các đối tác phát triển.
Trong số 10 giải pháp để gia tăng số lượng gói thầu đấu thầu qua mạng dự báo sẽ tăng cao trong năm 2018, đáng chú là việc Cục Quản lý đấu thầu sẽ áp dụng đấu thầu qua mạng các gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp sử dụng nguồn vốn của ADB/WB; triển khai tiện ích cung cấp thông tin đấu thầu trên thiết bị di động, đồng thời ựa chọn nhà đầu tư triển khai xây dựng Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia tổng thể theo mô hình đối tác công tư (PPP).
Theo bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, đấu thầu qua mạng đã chứng minh là công cụ hữu hiệu nhất để đảm bảo các mục tiêu của công tác đấu thầu là cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế, góp phần cải cách thủ tục hành chính trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu.
“Không chỉ rút ngắn thời gian, giảm bớt chi phí cho bên mời thầu và nhà thầu, đấu thầu qua mạng còn góp phần dứt hẳn vấn nạn quân xanh, quân đỏ; cài cắm các điều khoản hạn chế sự tham gia của các ứng thầu”, bà Hằng cho biết.
Thống kê của Cục Quản lý đấu thầu cho thấy, tính đến 31/12/2017, số lượng Bên mời thầu đăng ký tham gia Hệ thống là 17.637, số lượng Nhà thầu là 62.018. Số lượng Kế hoạch lựa chọn nhà thầu và Thông báo mời thầu đăng tải trong năm 2017 lần lượt là 68.973 và 93.000 thông báo. Tỷ lệ Chủ đầu tư, bên mời thầu tự dùng chứng thư số để đăng tải thông tin đấu thầu trên Hệ thống theo quy định là 51%, còn lại vẫn gửi phiếu đăng tải thông tin qua Báo Đấu thầu chiếm 49%.
Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia, số lượng gói thầu áp dụng đấu thầu qua mạng trong năm 2017 là 8.200 gói, tăng hơn gấp đôi so với năm 2016. Tuy nhiên, tỷ lệ đấu thầu qua mạng trong năm 2017 vẫn chỉ chiếm khoảng 12% các gói thầu thuộc phạm vi áp dụng theo lộ trình tối thiểu 30% các gói chào hàng cạnh tranh và 15% số lượng các gói thầu quy mô nhỏ đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế.
Tổng giá trị gói thầu điện tử là 9.000 tỷ đồng. Tỷ lệ tiết kiệm đấu thầu qua mạng đạt 9%, cao hơn so với đấu thầu trực tiếp là 7%. Số lượng trung bình nhà thầu tham gia một gói thầu điện tử là 2,67 nhà thầu.
“Đấu thầu qua mạng cho kết quả thực chất, khách quan. Do danh tính nhà thầu tham dự được bảo mật nên đã loại trừ sự bắt tay thông thầu của các bên dự thầu”, ông Nguyễn Thy Hùng, Giám đốc Trung tâm Đấu thầu quốc gia khẳng định.
Liên quan đến Thông tư số 04, ông Hùng cho biết, đây là lần đầu tiên việc đấu thầu qua mạng được điều chỉnh bằng một văn bản quy phạm pháp luật với những tiện ích được cập nhật, bổ sung nhằm tạo thuận lợi cho việc đấu thầu các gói thầu mua sắm hàng hóa, gói thầu phi tư vấn và xây lắp quy mô nhỏ.
Cụ thể, Thông tư 04 được xây dựng theo hướng giảm tối đa thủ tục hành chính, văn bản giấy; tự động hóa các thao tác đăng tải thông tin đấu thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu, giúp bên mời thầu đăng tải thông tin đấu thầu thuận tiện hơn, nhà thầu tham dự thầu dễ dàng hơn, loại bỏ lỗi số học và sai lệch trong quá trình đấu thầu; tự động kiểm tra sự phù hợp của hồ sơ dự thầu ngay khi nộp; số hóa tất cả các biểu mẫu trong đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia…
Cần phải nói thêm rằng nếu như trước đây, nhà thầu tham gia đấu thầu qua mạng chỉ được nộp hồ sơ dự thầu một lần và không được áp dụng thư giảm giá. Nhà thầu muốn rút hồ sơ dự thầu điện tử phải gửi văn bản xin rút đến bên mời thầu trước thời điểm đóng thầu.
Với quy định mới tại Thông tư 04, nhà thầu có thể rút hồ sơ dự thầu trực tuyến và nộp lại trước thời điểm đóng thầu. Bên cạnh đó, nhà thầu hoàn toàn có thể đưa ra tỷ lệ giảm giá vào đơn dự thầu trước khi nộp. Một điểm nổi bật khác của Thông tư 04 là quy định hai quy trình đánh giá hồ sơ dự thầu.
“Nếu trường hợp không có ưu đãi, bên mời thầu có thể chọn nhà thầu có giá thấp để đánh giá tính hợp lệ, năng lực kinh nghiệm, đề xuất kỹ thuật và mời vào thương thảo hợp đồng nếu phù hợp, góp phần rút ngắn thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu”, ông Hùng khẳng định.
Được biết, Thông tư số 04 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2018. Thông tư 04 quy định chi tiết về lựa chọn nhà thầu qua Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, mua sắm hàng hoá, xây lắp thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh trong nước theo phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ, một giai đoạn hai túi hồ sơ. Thông tư không áp dụng đối với gói thầu chia thành nhiều phần.
Trường hợp cần áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng đối với gói thầu chia thành nhiều phần, thì phải tách các phần thành gói thầu riêng biệt để lựa chọn nhà thầu. Cụ thể, Thông tư 04 có 7 mẫu hồ sơ được ban hành kèm theo. Trong đó, có 3 mẫu áp dụng cho gói thầu được tổ chức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh qua mạng theo phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ (Mẫu số 01, 02, 03); 3 mẫu áp dụng cho gói thầu được tổ chức đấu thầu rộng rãi qua mạng theo phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ (Mẫu số 04, 05, 06); Mẫu số 07 áp dụng đối với gói thầu được tổ chức chào hàng cạnh tranh theo quy trình rút gọn.