42 địa phương thành lập Quỹ Đầu tư phát triển nhưng tổng nguồn vốn hoạt động chỉ có 28.040 tỷ đồng, chủ yếu trông chờ vào nguồn vốn Chính phủ vay về cho vay lại. |
Phải mất gần 4 năm xây dựng, hoàn thiện, cuối cùng Bộ Tài chính mới trình được Thủ tướng Chính phủ ký thông qua Nghị định 147/2020/NĐ-CP quy định về tổ chức và hoạt động của Quỹ Đầu tư phát triển địa phương - PTĐP - (thay thế Nghị định 138/2007/NĐ-CP và Nghị định 37/2013/NĐ-CP).
Nhiều địa phương thành lập quỹ
Hiện cả nước có 42 địa phương thành lập Quỹ Đầu tư phát triển địa phương với mục tiêu huy động nguồn vốn trung và dài hạn để thực hiện cho vay, đầu tư trực tiếp các dự án trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội tại địa bàn.
Mặc dù có tới 42 Quỹ Đầu tư PTĐP nhưng chỉ có tổng nguồn vốn hoạt động chỉ có 28.040 tỷ đồng, trong đó, vốn chủ sở hữu chiếm 75% và vốn huy động chiếm 35%. Nguồn vốn hoạt động của các quỹ chủ yếu trông chờ vào nguồn vốn Chính phủ vay về cho vay lại (vốn ODA), chiếm tới 65% trong tổng vốn huy động; còn lại chủ yếu là tiền bảo hành công trình, ký quỹ của chủ đầu tư, tiền gửi của các quỹ tài chính địa phương… (chỉ có 19 quỹ có hoạt huy động vốn, trong đó có một số quỹ chỉ huy động nguồn vốn ký quỹ, ký cược từ các công trình sử dụng ngân sách với lãi suất 0%/năm).
Theo số liệu của Bộ Tài chính, sau hơn 20 năm hoạt động, tổng số vốn vốn các quỹ xuất ra để cho vay, đầu tư trực tiếp, góp vốn thành lập doanh nghiệp chỉ vào khoảng 14.964 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là tập trung cho vay, chiếm đến 81%. Như vậy, hoạt động của 41 Quỹ Đầu tư PTĐP (ngoại trừ Quỹ Đầu tư phát triển đô thị TP.HCM nay là Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM - HFIC - hoạt động như doanh nghiệp) không khác gì quỹ đầu tư ủy thác. Thay vì thực hiện chức năng huy động vốn trung, dài hạn thực hiện đầu tư vào dự án; thành lập tổ chức kinh tế; góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế thuộc danh mục lĩnh vực đầu tư; và thực hiện nghiệp vụ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương thì các quỹ chủ yếu tập trung vào hoạt động cho vay.
Bộ Tài chính cho rằng, hệ thống Quỹ Đầu tư PTĐP vẫn chưa đạt được sự phát triển như định hướng hoạt động, nguồn vốn của các quỹ rất hạn hẹp so với nhu cầu đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội tại địa phương. Thậm chí, sau nhiều năm hoạt động vẫn có 3 quỹ chưa đủ vốn điều lệ tối thiểu 100 tỷ đồng; 18 quỹ có quy mô vốn từ 100 đến dưới 200 tỷ đồng, 12 quỹ có vốn điều lệ trên 200 tỷ đến 500 tỷ đồng và chỉ có 8 Quỹ có quy mô vốn lớn hơn 500 tỷ đồng.
“Việc huy động vốn của các quỹ gặp nhiều khó khăn do không cạnh tranh được với ngân hàng thương mại. Hoạt động sử dụng vốn còn nhiều bất cập như tỷ lệ nợ xấu ở một số quỹ khá cao, lãi suất cho vay chưa phản ánh được đầy đủ chi phí. Một số địa phương không tách bạch giữa hoạt động của Quỹ Đầu tư phát triển với các quỹ tài chính địa phương khác, gây rủi ro cho hoạt động của quỹ”, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính - Ngân hàng (Bộ Tài chính) cho biết.
Chỉ có 10 quỹ đầu tư địa phương hoạt động hiệu quả
Để xử lý triệt để những bất cập này, Nghị định 147/2020/NĐ-CP (có hiệu lực kể từ ngày 5/2/2021) đã đặt ra hàng loạt điều kiện nhằm thắt chặt hoạt động của Quỹ Đầu tư PTĐP. Giải pháp đầu tiên là nâng vốn điều lệ tối thiểu khi thành lập từ 100 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng; bổ sung điều kiện trong Đề án thành lập là bắt buộc phải có phương án huy động, sử dụng vốn, bao gồm danh mục các dự án dự kiến cho vay, đầu tư trong thời gian 3 năm từ thời điểm dự kiến thành lập.
Việc nâng vốn điều lệ tối thiểu gấp 3 lần, theo Bộ Tài chính, mức vốn tối thiểu như hiện nay là nhỏ so với việc cho vay, đầu tư dự án cơ sở hạ tầng đòi hỏi quy mô vốn lớn, thời gian thu hồi vốn dài; không bảo đảm cho quỹ có thể quay vòng và thực hiện được nhiều dự án. Thực tế cho thấy, các quỹ có mức vốn điều lệ dưới 300 tỷ đồng đều hoạt động khó khăn, không đảm bảo an toàn và bù đắp rủi ro có thể xảy ra.
Có tới 42 địa phương thành lập Quỹ Đầu tư phát triển, nhưng chỉ có 10 quỹ được đánh giá là hoạt động hiệu quả, vì vậy, việc thắt chặt điều kiện thành lập, theo Bộ Tài chính là chỉ khuyến khích địa phương có nhu cầu cụ thể về đầu tư cơ sở hạ tầng và phương án huy động vốn khả thi mới được thành lập quỹ. Và quan trọng hơn, vốn của quỹ chỉ đóng vài trò là “vốn mồi” thu hút các nguồn lực của xã hội để phát triển cơ sở hạ tầng của địa phương, đặc biệt là đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) vào lĩnh vực giáo dục, y tế, công nghiệp, môi trường, năng lượng, nhà ở, giao thông... và các lĩnh vực khuyến khích xã hội hóa.
Nhằm loại bỏ các quỹ hoạt động không hiệu quả hoặc không đáp ứng điều kiện, Nghị định 147/2020/NĐ-CP quy định, sau 3 năm kể từ ngày 5/2/2021, tất cả những quỹ có vốn điều lệ dưới 300 tỷ đồng; quỹ bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ và có tỷ lệ dư nợ cho vay và đầu tư dưới 20% vốn chủ sở hữu trong 5 năm liên tiếp bắt buộc phải giải thể. Thậm chí tất cả các quỹ không cần thiết phải duy trì cũng sẽ buộc phải giải thể.
“Trong hệ thống Quỹ Đầu tư PTĐP hiện nay vẫn đang tồn tại nhiều quỹ hoạt động không hiệu quả, không đúng mục tiêu và yêu cầu nhiệm vụ khi thành lập là huy động vốn để cho vay, đầu tư nhằm phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng địa phương của địa phương, gây lãng phí cho nguồn vốn ngân sách nhà nước để duy trì bộ máy hoạt động của quỹ vì vậy cần phải giải tán theo đúng tinh thần Chỉ thị 22/CT-TTg về việc tăng cường công tác quản lý đối với các quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước”, ông Nguyễn Hoàng Dương nhấn mạnh.