Một trong những nhiệm vụ được Bộ Tài chính đặt ra trong thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp là trình Quốc hội thông qua Nghị quyết tháo gỡ khó khăn về thuế?
Thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP, Bộ Tài chính sẽ xây dựng, sửa đổi, bổ sung, ban hành hàng loạt chính sách, trong đó có việc báo cáo Chính phủ trình Quốc hội tháo gỡ khó khăn về thuế. Hiện tại, các cơ quan của Bộ Tài chính đang nghiên cứu, tìm hiểu cụ thể xem hiện doanh nghiệp đang gặp những khó khăn gì, khó ở đâu, mới có thể kiến nghị các giải pháp khả thi, hỗ trợ đúng đối tượng, đúng liều lượng.
. |
Không chỉ đề xuất, kiến nghị các giải pháp, chính sách có tính cấp bách, xử lý tình thế, chúng tôi còn phải rà soát lại cả hệ thống văn văn pháp luật, đánh giá tác động của các văn bản quy phạm pháp luật tới hoạt động sản xuất, kinh doanh để sửa đổi, bổ sung, bởi Nghị quyết 35/NQ-CP không chỉ thực hiện trong 1-2 năm, mà thực hiện trong nhiều năm, vì đây là nghị quyết hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, chứ không phải chỉ tháo gỡ khó khăn mang tính tình thế như các nghị quyết trước đây.
Hiện tại, Bộ Tài chính đang nghiên cứu, khảo sát để đưa ra các giải pháp hỗ trợ về thuế cho doanh nghiệp nên chưa có nội dung cụ thể, tuy nhiên hướng của Bộ Tài chính là kiến nghị xử lý nợ chậm nộp cho doanh nghiệp gặp khó khăn khách quan; nghiên cứu, đề xuất thực hiện bù trừ hai chiều giữa thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản với thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh…
Doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian, công sức và cả tiền bạc để tiếp cận đất đai. Bộ Tài chính sẽ làm gì để giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp trong các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, thưa ông?
Trước mắt, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện các quy định hành chính về đất đai, sau đó mới xử lý được vướng mắc trong vấn đề tài chính. Trong vài ngày tới, hai bộ sẽ ban hành thông tư liên tịch quy định về quy trình luân chuyển hồ sơ giữa cơ quan tài nguyên - môi trường, thuế và tài chính trong xác định nghĩa vụ tài chính cho người sử dụng đất trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình luân chuyển hồ sơ giữa văn phòng đăng ký đất đai và cơ quan thuế, nhằm rút ngắn thời gian, bảo đảm sự minh bạch trong xác định nghĩa vụ tài chính, cũng như trách nhiệm của từng đối tượng có liên quan.
Sau đó, Bộ Tài chính cùng với các bộ, ngành hữu quan nghiên cứu, trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung hàng loạt nghị định liên quan đến đất đai, nhằm đơn giản hóa thủ tục, loại bớt những thủ tục không cần thiết để giảm thiểu chi phí về thời gian, công sức và tiền bạc cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp khi tiếp cận với đất đai, mặt bằng sản xuất, kinh doanh. Đây là một trong những chính sách, giải pháp giảm đáng kể chi phí cho doanh nghiệp khi tiếp cận với đất đai.
Thế còn giải pháp giảm tiền thuê đất, cho phép áp dụng thời gian thanh toán tiền thuê đất linh hoạt thì sao?
Bộ Tài chính nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định 45/2014/NĐ-CP về thu tiền sử dụng đất; Nghị định 46/2014/NĐ-CP về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước để đưa ra mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuê mặt nước phù hợp. Việc giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất không phải bây giờ mới được đặt ra, mà trong những năm vừa qua, đã nhiều lần Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố giảm tiền thuê đất, sử dụng đất cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
Hiện tại, doanh nghiệp phải nộp tiền sử dụng đất một lần trong vòng 30 ngày (kể từ ngày đấu giá thành công, nhận chuyền nhượng, chuyển đổi…), khiến doanh nghiệp sử dụng nhiều đất đai, đất đai có giá trị cao bị áp lực rất lớn trong việc chuẩn bị nguồn tài chính. Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính sẽ kiến nghị Chính phủ kéo dài thời gian nộp tiền sử dụng đất lên 90 ngày.
Các giải pháp kể trên tác động ngay tới số thu ngân sách nhà nước. Bộ Tài chính đã tính đến việc này chưa, thưa ông?
Bất cứ cơ chế, chính sách, giải pháp nào tác động đến số thu ngân sách nhà nước cũng phải được tính toán hết sức cẩn trọng, vì nếu hụt thu sẽ tác động, ảnh hưởng tới việc ổn định kinh tế, bảo đảm các cân kinh tế vĩ mô.
Thực tế những lần thực hiện miễn, giảm, gia hạn, giãn, hoãn các loại thuế, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất cho thấy, trong thời gian đầu, ngân sách thường gặp khó khăn, Bộ Tài chính tìm cách khai thác nguồn khác như chống thất thu, chống nợ đọng, chống gian lận thuế, chống chuyển giá để bù đắp. Sau một thời gian, khi các chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát huy tác dụng, tăng trưởng kinh tế phục hồi, hoạt động sản xuất, kinh doanh khởi sắc, ngân sách nhà nước đều tăng thu trở lại.