Trả lời Reuters, đại diện SHB cho biết đang tích cực tìm kiếm cơ hội với các đối tác, không chỉ đối tác châu Á, với mục tiêu mang lại lợi ích cao nhất cho ngân hàng và cổ đông. Thỏa thuận này dự kiến hoàn tất trong năm nay hoặc đầu năm 2024 nếu được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước.
Theo một nguồn tin của Reuters, các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc và Nhật Bản đã quan tâm đến thương vụ này. SHB đang trao đổi với một cố vấn tài chính để tiến hành các cuộc thảo luận nhằm tìm kiếm đối tác chiến lược. Quá trình này đang diễn ra và chưa có quyết định nào được đưa ra.
Hiện, SHB có giá trị vốn hóa thị trường là 1,7 tỷ USD với cổ đông lớn nhất là Tập đoàn T&T. Thỏa thuận tiềm năng có thể định giá ngân hàng có thể ở mức 2-2,2 tỷ USD. Nếu thương vụ này thành công và mức định giá này được các bên thông qua, SHB sẽ thu về khoảng 400-440 triệu USD cho thương vụ bán 20% cổ phần, tương đương với việc thu về trên dưới 10.000 tỷ đồng.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, Chủ tịch SHB Đỗ Quang Hiển cho biết, trước đây, SHB chủ trương tìm các đối tác dài hạn, có năng lực tài chính tốt, đầu tư lâu dài, không chỉ đầu tư vốn mà còn tham gia quản trị, điều hành cùng SHB. Tuy nhiên, qua thực tế tiếp xúc với khách hàng, hầu hết khách hàng đều muốn đầu tư trung hạn 3 - 5 năm, do đó, SHB đang thay đổi chiến lược tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài.
“Thực tế, SHB đã tìm hiểu, tiếp xúc với nhiều đối tác trên thế giới, song họ chỉ dừng lại ở việc đầu tư ngắn và trung hạn, chủ yếu là đầu tư tài chính. Thời gian gần đây, một số định chế tài chính lớn có ý định mua cổ phần SHB với thời gian đầu tư trong vòng 3 - 5 năm. Dự kiến, cuối năm nay hoặc đầu năm sau, chúng ta sẽ có những "chàng rể" về trung hạn”, ông Đỗ Quang Hiển cho biết tại thời điểm đó.
Trước đó, cuối tháng 5/2023, SHB thông báo vừa hoàn tất việc chuyển nhượng 50% vốn cổ phần tại Công ty Tài chính SHBFinance cho đối tác Krungsri. Hai bên cũng cho biết sẽ tiếp tục chuyển nhượng 50% vốn điều lệ còn lại sau 3 năm theo thỏa thuận đã ký. Giá trị thương vụ không được SHB công bố, song thông tin với báo chí trước đây, đại diện của Krungsri cho biết ngân hàng này chi gần 156 triệu USD cho thương vụ, tương đương khoảng hơn 3.600 tỷ đồng. Như vậy, SHB đã chính thức nhận về khoảng 1.800 tỷ đồng.
Mới đây, SHB cũng đã nhận được văn bản của Ngân hàng Nhà nước về việc chấp thuận tăng vốn điều lệ tối đa thêm 5.971,6 tỷ đồng theo hai phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông SHB thông qua. Sau khi thực hiện 2 phương án trên, vốn điều lệ của SHB sẽ tăng từ 30.674 tỷ đồng lên mức 36.645 tỷ đồng.
Năm 2023, SHB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế trên 10.600 tỷ đồng, tăng 9,67%; tổng tài sản tăng trưởng 10,09%; huy động vốn thị trường 1 tăng 14,78%; dư nợ cấp tín dụng tăng 14%. Tỷ lệ cổ tức dự kiến 15% và qua đó dự kiến vốn điều lệ đạt trên 40.000 tỷ đồng.