Công ty Siba Group sẽ thực hiện lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản, thời gian lấy ý kiến đến 16h ngày 1/2/2024. Trong đó, Công trình cổ đông nhiều nội dung đáng chú ý bao gồm:
Thứ nhất, Công ty dự kiến phát hành cổ phiếu trả cổ tức với tỷ lệ 22%, cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 22 cổ phiếu mới, tương ứng Công ty dự kiến phát hành thêm 5,5 triệu cổ phiếu và dự kiến triển khai trong quý I đến quý II/2024.
Thứ hai, Công ty trình cổ đông thưởng cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 32%, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận 32 cổ phiếu mới.
Như vậy, ước tính Công ty sẽ phát hành thêm 8 triệu cổ phiếu để thưởng và triển khai trong quý I đến quý II/2024.
Và cuối cùng, quan trọng nhất, Công ty trình cổ đông kế hoạch chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 100:46, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được quyền mua thêm 46 cổ phiếu mới với giá 10.000 đồng/cổ phiếu và dự kiến triển khai trong năm 2024, sau khi hoàn thành thủ tục xin phép chào bán cổ phiếu.
Với 25 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính Công ty Siba Group sẽ phát hành thêm 11,5 triệu cổ phiếu để huy động 115 tỷ đồng.
Điểm đáng lưu ý, toàn bộ 115 tỷ đồng huy động được từ cổ đông, Công ty dự kiến dùng để thanh toán công nợ mua hàng hoá đến hạn.
Như vậy, nếu hoàn tất 3 đợt phát hành cổ phiếu nói trên, số lượng cổ phiếu của Công ty Siba Group sẽ tăng từ 25 triệu cổ phiếu, lên 50 triệu cổ phiếu, tương ứng vốn điều lệ là 500 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu, ngày 1/12/2023, 25 triệu cổ phiếu SBG đã niêm yết trên sàn HoSE với giá tham chiếu 15.000 đồng/cổ phiếu.
Mặc dù mới niêm yết nhưng Công ty Siba Group lại biến động lãnh đạo cấp cao. Trong đó, Công ty Siba Group vừa thông qua miễn nhiệm chức vụ Kế toán trưởng đối với bà Hà Thị Ngọc Sơn kể từ ngày 21/12/2023 và đồng thời bổ nhiệm bà Trần Thị Thu Thảo thay thế.
Được biết, bà Hà Thị Ngọc Sơn sinh năm 1984; trình độ cử nhân kinh tế chuyên ngành Kế toán; và bà Sơn được bổ nhiệm vào vị trí Kế toán trưởng Công ty Siba Group từ ngày 18/7/2022.
Như vậy, chỉ sau một thời gian ngắn niêm yết trên sàn HoSE, Công ty Siba Group đã thay đổi Kế toán trưởng, đồng thời muốn chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để lấy tiền trả công nợ đến hạn.
Siba Group có nhiều mối liên hệ đối với Tập đoàn Tân Long
Theo tìm hiểu, Công ty Siba Group được thành lập năm 2015, tiền thân là CTCP Cơ khí môi trường Việt Nam, hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, môi trường, y tế… Đến năm 2022, Công ty đổi tên thành CTCP Tập đoàn Cơ khí Công nghệ cao Siba, đồng thời chào bán cổ phiếu lần đầu tiên ra công chúng. Hiện nay, Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực mảng cơ khí chế tạo – xây dựng; mảng thương mại và cung cấp dịch vụ; và mảng năng lượng.
Về cơ cấu cổ đông, tại thời điểm 30/9/2023, Công ty Siba Group có 2 cổ đông lớn gồm CTCP Siba Holdings sở hữu 55,6% vốn điều lệ; ông Nguyễn Văn Đức sở hữu 6,06% vốn điều lệ; còn lại 38,34% vốn điều lệ thuộc về nhóm cổ đông sở hữu dưới 5%.
Theo dữ liệu từ phóng viên Báo Đầu tư, trước thời điểm niêm yết cổ phiếu, Siba Group đã đẩy mạnh tăng vốn, từ mức vốn chỉ 90 tỷ đồng cuối năm 2019 lên tới 250 tỷ đồng vào cuối quý III/2023, tương ứng tăng gấp 1,78 lần.
Cụ thể, năm 2021, Công ty đã tăng vốn điều lệ từ 90 tỷ đồng lên 150 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho cổ đông mới (do cổ đông hiện hữu không mua), tương ứng phát hành thêm 6 triệu và ghi nhận thặng dự là 30 tỷ đồng, ước tính giá phát hành khoảng 15.000 đồng/cổ phiếu. Năm 2022, Công ty tiếp tục tăng vốn điều lệ từ 150 tỷ đồng lên 250 tỷ đồng bằng hình thức chào bán cổ phiếu ra công chúng, tương ứng phát hành thêm 10 triệu cổ phiếu với giá 14.982 đồng/cổ phiếu.
Về cơ cấu cổ đông của Siba Group, cổ đông lớn nhất của Công ty là CTCP Siba Holdings. Trong đó, ông Trương Sỹ Bá đang là Chủ tịch HĐQT tại CTCP Siba Holdings, đồng thời là Chủ tịch HĐQT tại CTCP Tập đoàn Tân Long, Chủ tịch HĐQT CTCP Nông nghiệp BaF Việt Nam (mã BAF – sàn HoSE).
Giảm quy mô tài sản hơn 1.150,6 tỷ đồng trước thềm niêm yết sàn HoSE
Mặc dù được giới thiệu là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực cơ khí chế tạo – xây lắp nhưng lĩnh vực này đóng góp rất ít doanh thu trong những năm trở lại. Trong đó, năm 2021, doanh thu cơ khí chế tạo – xây lắp ghi nhận 114,2 tỷ đồng, chiếm 1,95% tổng doanh thu, doanh thu bán hàng hoá ghi nhận 5.750 tỷ đồng, chiếm 98% tổng doanh thu; năm 2022, doanh thu cơ khí chế tạo – xây lắp ghi nhận 401,5 tỷ đồng, chiếm 10% tổng doanh thu, doanh thu bán hàng hoá ghi nhận 3.607,8 tỷ đồng, chiếm 89,95% tổng doanh thu; và trong 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu cơ khí chế tạo – xây lắp ghi nhận 478,5 tỷ đồng, chiếm 15,5% tổng doanh thu, doanh thu bán hàng hoá ghi nhận 2.613 tỷ đồng, chiếm 84,5% tổng doanh thu …
Thêm nữa, mặc dù lĩnh vực cốt lõi là cơ khí chế tạo – xây lắp đóng góp doanh thu ít nhưng đang đóng góp lợi nhuận gộp cao. Trong đó, năm 2021 ghi nhận 22,46 tỷ đồng, chiếm 72,04% tổng lợi nhuận gộp; năm 2022 ghi nhận 76,28 tỷ đồng, chiếm 93,48% tổng lợi nhuận gộp và 9 tháng đầu năm 2023 ghi nhận 64,92 tỷ đồng, chiếm 86,7% tổng lợi nhuận gộp.
Có thể thấy, buôn bán nông sản đang là hoạt động chiếm trọng số trong cơ cấu doanh thu của Siba Group, đơn vị này đang dịch chuyển giảm tỷ trọng doanh thu từ bán nông sản, tăng doanh thu từ lĩnh vực được xem là cốt lõi từ lĩnh vực cơ khí chế tạo – xây lắp, đồng thời lĩnh vực cơ khí chế tạo – xây lắp cũng là lĩnh vực có đóng lợi nhuận gộp cao trước thềm chào sàn.
Về hoạt động kinh doanh của Công ty Siba Group trước thời điểm chào bán, Công ty có dấu hiệu cải thiện về biên lợi nhuận gộp và lợi nhuận ròng. Trong đó, nếu năm 2019, biên lợi nhuận gộp chỉ 0,11% và biên lợi nhuận ròng chỉ 0,04% thì tới 9 tháng đầu năm 2023, biên lợi nhuận gộp đã lên tới 2,42% và biên lợi nhuận ròng lên tới 1,02%.
Riêng trong 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu tăng 7,4%, lên 3.092,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng 14,5%, lên 31,41 tỷ đồng. Trong đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 2,25%, lên 2,42%.
Trong đó, điểm đáng lưu ý, tại thời điểm ngày 30/9/2023, các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận lên tới 719,46 tỷ đồng, chiếm 61,1% tổng tài sản (tổng tài sản là 1.177,6 tỷ đồng). Công ty thuyết minh các khoản phải thu ngắn hạn chủ yếu ghi nhận 635,5 tỷ đồng là phải thu của khách hàng.
Nếu nhìn rộng ra, quy mô tài sản của Công ty Siba Group có dấu hiệu suy giảm mạnh so trước thềm niêm yết. Trong đó, đỉnh điểm năm 2020 với quy mô tài sản lên tới 2.328,2 tỷ đồng, nhưng tới ngày 30/9/2023, tổng tài sản chỉ còn 1.177,6 tỷ đồng, giảm 1.150,6 tỷ đồng.
Như vậy, việc quy mô tài sản suy giảm, nhưng các khoản phải thu ngắn hạn vẫn chiếm trọng số, chủ yếu là phải thu của khách hàng vẫn là khoản mục chiếm trọng số trong cơ cấu phải thu ngắn hạn.