Thời sự
Siết bản quyền: Kẻ khóc, người cười
Anh Hoa - 23/10/2015 10:30
Theo số liệu của Liên minh phần mềm doanh nghiệp (Business Software Alliance - BSA), tính đến hết năm 2013, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm 20 nước có vi phạm bản quyền phần mềm cao nhất thế giới, với mức độ vi phạm lên tới 81%.

 Việt Nam ở đâu trên “bản đồ” vi phạm bản quyền?

“Vì sao ăn cắp chiếc xe đạp, với giá trị chỉ vài trăm ngàn đồng đã bị tù. Còn ăn cắp bản quyền của người khác, có giá trị đôi khi lên tới hàng chục tỉ đồng lại chỉ bị phạt hành chính?”, bà Phan Mộng Thúy Giám đốc hãng phim Phương Nam bức xúc về vấn nạn “copy” phim vô tội vạ trong nước.

Chỉ riêng trong lĩnh vực điện ảnh, thống kê từ Cục Điện ảnh cho hay, không riêng hayhaytv mà hơn 400 website tiếng Việt đang hoạt động với cách thức tương tự, tức công khai chiếu hàng chục ngàn bộ phim (cả trong nước lẫn quốc tế) trên internet. Hầu hết các phim này đều không mua bản quyền.

Tình trạng vi phạm bản quyền phim ảnh tràn lan đến mức, Liên minh Sở hữu Trí tuệ Quốc tế (IIPA) đã đưa Việt Nam vào danh mục các nước cần bận tâm. Những trang web nổi đình nổi đám trong làng phim lậu Việt Nam đều được tổ chức này “chỉ mặt đặt tên”. Trong đó hayhaytv “vinh dự” góp mặt 2 năm liên tiếp 2014-2015.

Mặc dù đã được cảnh báo nhưng Zing.vn của VNG vẫn cho phép người dùng dễ dàng tải nhạc lậu

Ngay cả những ông lớn trong ngành công nghệ Việt Nam cũng không thoát khỏi tầm ngắm quốc tế. Báo cáo công bố tháng 3/2015 của Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) bày tỏ quan ngại về việc Zing.vn của VNG vẫn cho phép người dùng dễ dàng tải nhạc lậu. Hay dịch vụ chia sẻ file Fshare của FPT cũng thường xuyên bị nhắc tên trên các báo cáo hàng năm của IIPA.

Việc sử dụng phần mềm, các sản phẩm không bản quyền giúp doanh nghiệp Việt đỡ tốn kém, cạnh tranh có lợi thế hơn dù là không hợp pháp. Mặt khác các doanh nghiệp này còn thu được nhiều lợi nhuận từ việc phát tán hoặc bán ra thị trường. Tuy nhiên đây cũng chính là “cái hố” khiến doanh nghiệp rơi vào phá sản nếu Việt Nam chính thức gia nhập TPP trong thời gian tới.

Do đó, doanh nghiệp sẽ đối mặt với khoản chi phí bản quyền lớn cho các ứng dụng, các sản phẩm sở hữu trí tuệ để phục vụ việc sản xuất kinh doanh. Nghiêm trọng hơn là các án phạt, dân sự, hình sự liên quan đến phạt tiền, phạt tù và cấm vận khi doanh nghiệp “vô tình” hay cố tình vi phạm.

Nói như ông Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, khi tham gia TPP, Việt Nam không thể trốn tránh và buộc phải xem xét sửa đổi Bộ luật Hình sự với các quy định về những tội danh liên quan đến sở hữu trí tuệ và khung hình phạt cho tội danh này.

Khi đó, nhiều mô hình kinh doanh đang rất thịnh hiện nay sẽ bị khai tử, đồng thời rất nhiều cơ hội lớn sẽ mở ra cho những tay chơi biết tuân thủ luật.

Năm 2014, thị trường giải trí và đặc biệt là Hollywood tiếp tục khốn đốn vì vấn đề bản quyền trên Internet. Trong đó, phim “Sói già Phố Wall” bị tải lậu nhiều nhất năm 2014 trong danh sách của Excipio, công ty chuyên theo dõi các vụ vi phạm bản quyền.

 

Cơ hội cho những tay chơi lớn

Tại Mỹ những năm 2004-2008 hệ thống chia sẻ file BitTorrent từng là nơi truyền tải phim và nhạc lậu, chiếm tới hơn 1/3 lưu lượng tải xuống. Nhưng giờ đây, với sự trỗi dậy của các dịch vụ phim trực tuyến có bản quyền như Netflix, BitTorrent đã hoàn toàn bị soán ngôi và chỉ còn chiếm chưa tới 5% trong năm 2015. Trong khi đó,Netflix đã vươn lên chiếm tới 34% thị phần.

Doanh thu 1,64 tỷ USD và 42 triệu người dùng chỉ trong quý II vừa qua, Netflix là một minh chứng hùng hồn cho thấy các dịch vụ xem phim có bản quyền qua Internet có thể đánh bật phim lậu. Netflix thành công vang dội đến mức, tháng 6 vừa qua, CEO của Netflix, ông Reed Hastings còn gửi lời cám ơn các trang phim lậu vì đã giúp cho hàng triệu người dùng làm quen với việc xem phim qua Internet vào bất cứ lúc nào họ muốn, thay vì bị trói buộc vào giờ giấc của truyền hình và rạp phim.

Một thông tin đáng chú ý khác là đối tượng xem phim, nhạc lậu không hề thiếu tiền. Kết luận này dựa trên nghiên cứu ở Ba Lan vào năm 2012. Theo đó, những người thường xuyên tải phim và nhạc lậu cũng là người hay xem phim rạp và tham dự các buổi hòa nhạc nhất. Khảo sát ở Úc vào cuối năm ngoái cũng cho thấy, những người xem phim lậu online là người thường xuyên đi xem phim rạp và có tài khoản Quickflix (tương tự như Netflix của Mỹ).

Băng đĩa lậu bày bán tràn lan trên thị trường. Các nhà làm phim ở Việt Nam kỳ vọng việc siết chặt bản quyền để họ có có nhiều động lực để đầu tư cho nội dung, sản xuất các chương trình hay

Bà Phan Mộng Thúy  tin tưởng kinh doanh sẽ thuận lợi hơn, có thể trở lại thời kỳ thịnh vượng trước đây, thời mà băng đĩa không thể sao chép và Phương Nam Phim có nhiều động lực để đầu tư cho nội dung, sản xuất các chương trình hay. Ông Nguyễn Văn Phước cũng tự tin về một First News có thể đạt tới tốc độ tăng trưởng vượt bậc, gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi hiện tại nếu nạn in lậu, vi phạm tác quyền được dẹp yên.

Thực tế, tiềm năng thị trường sản phẩm văn hóa ở Việt Nam là rất lớn. Chỉ tính riêng doanh thu phát hành phim điện ảnh (không tính phim truyền hình) dự kiến sẽ vượt 100 triệu USD năm 2015. Tính ra, tăng trưởng trung bình của ngành điện ảnh Việt Nam đã đạt 30-40%/năm giai đoạn 2010-2014. Đáng chú ý, trong 220 phim đã phát hành năm nay, theo Galaxy, 60%  là phim của các nước TPP (đặc biệt là Mỹ). Ngoài hệ thống rạp chiếu, Galaxy bắt đầu cung cấp dịch vụ chiếu phim tại nhà (Fim Plus) thông qua các set-top box. Trong tương lai, Galaxy  sẽ xây dựng và cung cấp dịch vụ xem phim online qua internet, giúp khán giả có nhiều lựa chọn.

Tin liên quan
Tin khác