Các mặt hàng nông sản xuất khẩu phải lưu ý tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh |
Cảnh báo từ nhà nhập khẩu
Mới đây, Liên minh châu Âu (EU) thông báo đưa 5 mặt hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam gồm ớt, mỳ ăn liền, sầu riêng, đậu bắp và thanh long vào diện kiểm soát khi xuất khẩu vào thị trường này.
Mặc dù đây là những quy định được EU rà soát và cập nhật thường xuyên 6 tháng 1 lần, nhưng cũng là hồi chuông cảnh báo các doanh nghiệp phải tăng cường kiểm soát nông sản để đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của thị trường nhập khẩu.
Đáng nói, đây cũng là lần đầu tiên sầu riêng Việt Nam nằm trong danh sách các mặt hàng bị giám sát tại cửa khẩu của EU với tần suất 10%. Do 6 tháng cuối năm ngoái, đã có 3 lô hàng sầu riêng của Việt Nam bị cảnh báo dư thừa chất bảo vệ thực vật.
Với quy định này của EU, cứ 1 container có 100 thùng hàng, phía EU sẽ lấy mẫu ngẫu nhiên 10 thùng để kiểm tra các mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Lý do EU đưa ra là dữ liệu từ hệ thống báo cáo các vấn đề an toàn thực phẩm trong EU (RASFF) và thông tin về các biện pháp kiểm soát chính thức do các quốc gia thành viên thực hiện cho thấy sự xuất hiện của những rủi ro mới đối với sức khỏe con người liên quan đến các lô hàng sầu riêng từ Việt Nam do có thể bị ô nhiễm bởi dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Ông Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam) cho hay, việc EU tăng hay giảm tần suất kiểm tra biên giới đối với mặt hàng nông sản thực phẩm, thức ăn chăn nuôi của các nước thứ ba là hoạt động thường xuyên theo quy định của EU.
Theo ông Nam, so với thông báo 6 tháng cuối năm 2023, thì ngoài 4 mặt hàng vẫn giữ nguyên tần suất kiểm tra (ớt, mỳ ăn liền, đậu bắp, thanh long) thì EU vừa bổ sung sầu riêng.
Năm 2023, Việt Nam có 67 cảnh báo. Về sầu riêng, 6 tháng cuối năm 2023, Việt Nam có 3 lô hàng sầu riêng hơn 1 tấn vi phạm quy định của EU, nên đây là lý do sầu riêng bị EU đưa vào diện kiểm soát.
"Trong quá trình tổ chức sản xuất, canh tác, phải nắm chắc được những hoạt chất trong danh sách cấm của EU. Với những hoạt chất cho phép, tuyệt đối tuân thủ quy tắc "4 đúng", phải đảm bảo thời gian cách ly đến lúc thu hoạch là không còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật", ông Nam lưu ý.
Ông Trần Văn Công, Tham tán nông nghiệp Việt Nam tại EU cho biết: "Nếu những lô hàng còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép, EU có thể sẽ tăng mức kiểm soát lên 20 - 50%, hoặc yêu cầu kèm theo bắt buộc các giấy chứng nhận về an toàn thực phẩm".
“Kiểm soát hàng nông sản là hoạt động thường lệ của các nước nhập khẩu, nhưng bị đưa thêm mặt hàng vào danh sách kiểm soát cũng là cảnh báo để nông dân và doanh nghiệp phải làm tốt hơn, chặt chẽ hơn trong đáp ứng tiêu chuẩn an toàn nông sản”, ông Trần Văn Công cho hay.
Chất lượng quyết định tăng trưởng
Dữ liệu của Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt 27,14 tỷ USD, tăng 18,8%, riêng rau quả đạt 5,6 tỷ USD (rau quả chế biến hơn 1 tỷ USD).
Trong đó, xuất khẩu sang EU 5,34 tỷ USD, Trung Quốc 12,2 tỷ USD, Mỹ 11 tỷ USD, Hàn Quốc 2,13 tỷ USD…
Năm 2023, chịu ảnh hưởng từ lạm phát và kinh tế tăng trưởng chậm, xuất khẩu nông, thủy sản sang EU giảm 12,2%, với 5,34 tỷ USD. Hiện, giá trị và kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang EU vẫn ở mức thấp so với tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam, cũng như nhu cầu nhập khẩu của EU. EU là thị trường có nhu cầu lớn về nông sản, nhưng đi kèm theo đó là tiêu chuẩn kỹ thuật với hàng nhập khẩu ngày càng cao.
Nông sản Việt Nam vào EU thời gian qua vẫn chưa đạt mức tăng trưởng như mong đợi, dù "cao tốc" EVFTA đã có hiệu lực từ tháng 8/2020, nguyên nhân một phần là do các biện pháp phi thuế quan như biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS) hay các rào cản kỹ thuật với thương mại (TBT) vẫn là thách thức đối với nông sản Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường này.
Cùng với đó, năng lực sản xuất chế biến nông sản vẫn đang được bổ sung nhờ hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp, đồng nghĩa cơ hội tăng xuất khẩu lớn hơn.
Nhưng để xuất khẩu bền vững, chắc chân tại các thị trường lớn, yêu cầu bắt buộc là nông sản phải đạt chuẩn. Dù EU công bố thêm mặt hàng sầu riêng vào danh mục kiểm soát với tần suất 10% có thể không ảnh hưởng nhiều đến ngành hàng, nhưng rõ ràng, với các doanh nghiệp, việc tăng kiểm soát sẽ làm tăng thời gian thông quan xuất khẩu, đi kèm chi phí tăng lên rất nhiều.
Việt Nam xuất khẩu nông sản đi nhiều nước, không riêng EU, mà hầu hết thị trường đều yêu cầu gắt gao về tiêu chuẩn nông sản nhập khẩu. Nếu một doanh nghiệp vi phạm, bị cảnh báo thì sẽ ảnh hưởng đến cả ngành hàng nông sản.
Theo Văn phòng SPS Việt Nam, nếu kiểm soát không tốt thì có thể 6 tháng tiếp theo, phía EU sẽ xem xét đưa sầu riêng vào danh sách Phụ lục 2 - tức là ngoài việc chịu tần suất kiểm tra biên giới 10%, thì sầu riêng Việt Nam còn bị yêu cầu cấp thêm giấy chứng nhận về lấy mẫu và phân tích lấy mẫu sầu riêng gửi kèm theo lô hàng khi xuất khẩu vào thị trường này. Việc này sẽ gây tốn kém cho doanh nghiệp.