Tiêu dùng
Siết nhập khẩu gạo, tránh trà trộn xuất xứ
Thế Hoàng - 27/11/2022 08:04
Việc tăng cường quản lý nhập khẩu gạo không chỉ giúp chủ động, kịp thời điều tiết, điều hành, mà còn là giải pháp nhằm hạn chế tình trạng trà trộn xuất xứ gạo Việt để xuất đi, gây mất uy tín cho lúa gạo trong nước.
Ảnh minh họa.

Đề xuất bổ sung quy định về quản lý nhập khẩu gạo

Cho rằng, việc tăng nhập khẩu gạo có thể làm tăng  cạnh tranh giữa gạo nhập khẩu với sản phẩm trong nước, tác  động đến đời sống người sản xuất, gián tiếp ảnh hưởng đến an ninh lương thực, trong Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi Nghị định số 107/2018/NĐ-CP, ngày 15/8/2018 về kinh doanh xuất khẩu gạo (Nghị định số 07), Bộ Công thương đã đề xuất siết quản lý nhập khẩu mặt hàng này.

Hàng năm, Việt Nam dành khoảng 6 - 6,5 triệu tấn gạo cho xuất khẩu, việc kinh doanh xuất khẩu gạo được quy định tại Nghị định số 07, còn hoạt động nhập khẩu gạo thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của nghị định này.

Do vậy, cần có quy định về quản lý nhập khẩu gạo để giúp cơ quan quản lý nhà nước chủ động, kịp thời điều tiết, điều hành hoạt động nhập khẩu gạo phù hợp với mục tiêu quản lý trong từng thời kỳ.

Thời gian qua, trước tác động của các yếu tố khách quan và chủ quan, Việt Nam đã nhập khẩu một số loại gạo để phục vụ nhu cầu sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất bia, rượu... và dành lượng gạo chất lượng cao hơn cho xuất khẩu. Năm 2021, nước ta xuất khẩu gần 6,3 triệu tấn gạo các loại, trị giá hơn 3,29 tỷ USD.

Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 từng tạm giữ hàng chục container gạo nhập từ Ấn Độ nghi vấn gian lận xuất xứ Việt Nam.

Theo khai báo trên tờ khai hải quan, lô hàng gạo này có xuất xứ Ấn Độ, nhưng qua kiểm tra thực tế, Hải quan phát hiện, toàn bộ số gạo nhập khẩu được đóng gói 50 kg/bao, trên bao bì, nhãn mác thể hiện xuất xứ hàng hóa tại Việt Nam. Cơ quan này đã tạm giữ toàn bộ lô hàng để điều tra, xác minh làm rõ.

Ở chiều nhập khẩu, theo Tổng cục Hải quan, tổng lượng gạo nhập khẩu năm 2021 là 999.750 tấn. Trong đó, nhập từ Ấn Độ 719.970 tấn (chiếm tới 72,02% tổng lượng nhập khẩu gạo của cả nước). Chủng loại gạo nhập khẩu chủ yếu là gạo tấm, gạo trắng khác.

“Do nhập khẩu gạo quá nhiều, nhưng không được quản lý, thống kê đầy đủ, kịp thời sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất trong nước, tác động đến sản xuất lúa gạo của Việt Nam, đời sống của người nông dân và gián tiếp ảnh hưởng đến an ninh lương thực”, Bộ Công thương bày tỏ lo ngại.

Đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) nhấn mạnh, cần phải có quy định về quản lý nhập khẩu gạo theo các tiêu chí: số lượng, trị giá, chủng loại, thị trường khách hàng xuất khẩu, thương nhân nhập khẩu; cửa khẩu nhập khẩu để giúp cơ quan quản lý nhà nước chủ động, kịp thời điều tiết, điều hành hoạt động nhập khẩu gạo phù hợp với mục tiêu quản lý trong từng thời kỳ.

Theo đó, tại Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 107, Bộ Công thương đã bổ sung quy định về quản lý nhập khẩu gạo.

Cụ thể, khi xuất hiện lượng gạo nhập khẩu tăng có nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất trong nước, Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ áp dụng biện pháp quản lý nhập khẩu.

Đồng thời, Tổng cục Hải quan có trách nhiệm thống kê, cập nhật gửi về Bộ Công thương theo định kỳ tháng, quý, năm hoặc đột xuất theo yêu cầu về xuất khẩu và nhập khẩu gạo. Trong trường hợp lượng gạo nhập khẩu tăng cao ảnh hưởng đến sản xuất trong nước, Tổng cục Hải quan có trách nhiệm báo cáo chi tiết Bộ Công thương về số lượng gạo nhập khẩu theo các tiêu chí: số lượng, trị giá, chủng loại, thị trường, khách hàng xuất khẩu, thương nhân nhập khẩu; cửa khẩu nhập khẩu và đề xuất biện pháp quản lý phù hợp...

Nhập nhiều gạo có bất thường?

Các doanh nghiệp sản xuất lúa gạo trong nước cho rằng, hằng năm, Việt Nam xuất khẩu một lượng lớn gạo, thì việc nhập khoảng 1 triệu tấn gạo phục vụ các ngành sản xuất thực phẩm, thức ăn chăn nuôi là bình thường. Việt Nam đã mở cửa, nên bên cạnh xuất khẩu sẽ có nhập khẩu, điều quan trọng là hoạt động nhập khẩu cần phải minh bạch để có thể quản lý được số lượng, nguồn gốc nhập và giá nhập khẩu.

Việt Nam đang hướng đến sản xuất các loại gạo thơm, chất lượng cao, dẫn đến có thể sẽ thiếu hụt các loại gạo phục vụ chế biến. Trong khi đó, gạo Ấn Độ giá rẻ hơn, nên các doanh nghiệp sẽ tăng nhập khẩu để chế biến sản phẩm từ gạo và phục vụ nhu cầu chăn nuôi.

Theo ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), chủng loại gạo nhập khẩu chủ yếu là gạo 100% tấm cấp thấp, có mức giá rẻ hơn, dùng cho chăn nuôi; còn gạo 100% tấm của Việt Nam có giá cao hơn, chất lượng tốt hơn.

“Gạo tấm Việt Nam có giá bình quân 400 USD/tấn, nên không thể dùng cho chăn nuôi được, trong khi gạo 100% tấm từ Ấn Độ có giá chỉ 300 - 320 USD/tấn, doanh nghiệp chăn nuôi trong nước có thể mua để sản xuất”, ông Bình lý giải.

Điều khiến doanh nghiệp lo ngại nhất là việc quản lý gạo nhập khẩu không chặt, dẫn đến một bộ phận doanh nghiệp nhập gạo về, trà trộn xuất xứ gạo Việt Nam để xuất đi.

Vì vậy, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời nhấn mạnh, doanh nghiệp được tự do nhập khẩu gạo, nhưng vẫn cần quản lý, để tránh tình trạng đánh tráo nguồn gốc sản phẩm, gây nhiễu thị trường và gây mất uy tín cho lúa gạo trong nước với các thị trường xuất khẩu quan trọng. Theo đó, việc đưa thêm nội dung quản lý nhập khẩu gạo vào Nghị định sửa đổi Nghị định 107 là cần thiết trong quản lý, góp phần giữ uy tín, thương hiệu gạo Việt.

Tin liên quan
Tin khác