Đầu tư
Siêu đô thị TP.HCM cần phải có cơ chế đặc thù
Mạnh Bôn - 13/11/2017 07:57
“Với quy mô dân số ước hơn 8,2 triệu người, TP.HCM đã trở thành siêu đô thị (mega city), vì vậy, cần phải có cơ chế đặc biệt để quản lý, phát triển”, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, TS. Trần Anh Tuấn chia sẻ trước khi Quốc hội thảo luận Dự thảo Nghị quyết của về cơ chế, chính sách phát triển TP.HCM vào ngày mai, 14/11/2017.

TP.HCM đã có Nghị định 48/2017/NĐ-CP quy định một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù. Vì vậy, thưa ông, có nhất thiết Quốc hội phải ban hành thêm một nghị quyết nữa không?

Thực ra, Nghị định 48/2017/NĐ-CP chỉ quy định chi tiết thi hành Luật Ngân sách nhà nước 2015 về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP.HCM. Không chỉ có TP.HCM, mà các thành phố trực thuộc Trung ương cũng có nghị định quy định một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù.

Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, TS. Trần Anh Tuấn

Khác với Đà Nẵng, Hải Phòng và Cần Thơ, Hà Nội và TP.HCM là đô thị đặc biệt. TP.HCM hiện đóng góp 30% vào GDP, 40% tổng thu ngân sách nhà nước và 50% kim ngạch xuất khẩu, nếu vẫn chỉ thực hiện các cơ chế theo Nghị định 48/2017/NĐ-CP thì khó có thể phát triển mạnh mẽ, khó có thể đảm đương vai trò đầu tàu của nền kinh tế.

Trong hơn 40 năm qua, TP.HCM có tốc độ tăng trưởng kinh tế gấp 1,5 lần cả nước, nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, sự vượt trội của TP.HCM so với cả nước ở một số mặt đã chậm lại, thậm chí tụt hậu bởi cơ chế, chính sách phát triển của TP.HCM không khác gì so với các địa phương khác, vì vậy, cần phải có một cơ chế đặc thù hơn nữa.

Về cơ chế tài chính, ngân sách, theo ông, những quy định tại Nghị định 48/2017/NĐ-CP đã đủ thoáng cho TP.HCM chưa?

Các cơ chế ưu đãi về tài chính, ngân sách cho TP.HCM không khác gì nhiều so với cơ chế ưu đãi cho Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng và sắp tới là Cần Thơ. Thậm chí, so với trước đây, trong giai đoạn 2017-2020, nguồn thu của TP.HCM còn bị giảm.

Cụ thể, theo Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, ngân sách trung ương và ngân sách TP.HCM phân chia khoản thu từ thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường (trừ hoạt động liên quan đến xuất - nhập khẩu và khai thác dầu khí) và thuế thu nhập cá nhân. Trước đây, tỷ lệ phân chia là 77/23, tức là TP.HCM được giữ lại 23% số thu từ các khoản phân chia giữ trung ương và địa phương, nhưng trong giai đoạn 2017 - 2020 tỷ lệ này là 82/18.

“Miếng bánh” chia cho TP.HCM giảm, cho dù chiếc bánh mỗi năm một phình to, thì cũng không đủ để TP.HCM đầu tư cho hạ tầng kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển và phục vụ nhu cầu của người dân. Hiện tại, TP.HCM có quy mô dân số 8.297.500 người, nhưng trên thực tế, nếu tính cả người dân khắp cả nước đang sống, làm việc và học tập trên địa bàn, thì dân số của TP.HCM ngang ngửa các siêu đô thị (maga city) trên thế giới. Hệ quả của việc thiếu vốn đầu tư là ngập lụt, kẹt xe, ô nhiễm môi trường; thiếu không gian sống, không gian sinh hoạt công cộng; thiếu cơ sở giáo dục cả hệ mầm non lẫn phổ thông…

Cụ thể, TP.HCM cần thêm cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách gì?

Cần cho phép TP.HCM được thu vượt khung các loại phí, lệ phí theo Luật Phí, lệ phí; cho phép thu các khoản phí, lệ phí đặc thù như phí phương tiện giao thông đi vào nội đô chẳng hạn không quy định trong Luật phí, lệ phí; được xử phạt vi phạm hành chính vượt khung đối với một số lĩnh vực như đất đai, xây dựng, giao thông… Ngoài ra, cần cho phép TP.HCM được giữ lại tiền cổ phần hóa, bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp do địa phương quản lý.

Quy mô dân số, đóng góp vào GDP, ngân sách nhà nước, xuất - nhập khẩu, số lượng doanh nghiệp, đầu tư nước ngoài… của TP.HCM bằng nhiều tỉnh cộng lại. Nhưng số lượng công chức, viên chức không cao hơn nhiều so với bình quân chung của cả nước, nên áp lực làm việc, khối lượng công việc, năng suất lao động của công chức, viên chức trên địa bàn gấp nhiều lần bình quân cả nước.

Vì vậy, cần phải cho TP.HCM chi trả thu nhập vượt thang bảng lương cho công chức, viên chức tùy thuộc vào hiệu quả công việc và khối lượng công việc, bởi nếu không khó có thể thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc tại các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp.

TP.HCM là một “mega city”, nên ngoài cơ chế tài chính, ngân sách đặc thù cần phải có thêm một số cơ chế, chính sách đặc thù nữa.

Vấn đề là phí, lệ phí; xử phạt vi phạm hành chính; thu tiền bán vốn, cổ phần hóa; thang bảng lương đã được luật định mà theo quy định, thì Nghị quyết của Quốc hội không thể vượt qua khuôn khổ của luật?

Nghị quyết của Quốc hội là thí điểm cơ chế, chính sách phát triển TP.HCM theo tinh thần Nghị quyết 16-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020. Mục tiêu đặt ra là khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế, phát triển kinh tế nhanh, bền vững, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GRDP) bình quân thời kỳ 2011 - 2020 cao hơn 1,5 lần bình quân cả nước; thúc đẩy phát triển các nhóm ngành dịch vụ đạt chất lượng, hiệu quả; tập trung phát triển 4 ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học - công nghệ và giá trị gia tăng cao; tập trung xây dựng, tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị…

Hơn nữa, đây là cơ chế, chính sách thí điểm, mà đã là thí điểm thì có thể có những quy định ngoài các quy định của pháp luật.

Tin liên quan
Tin khác