Một thông điệp cứng rắn cũng đồng thời được gửi đi. Đó là, những kế hoạch tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, với trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tiếp tục được thực hiện đúng như công bố.
Trong đó, một trong những việc đầu tiên phải làm là chuyển giao 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Bản thân SCIC cũng tiếp tục nhận chuyển giao các doanh nghiệp còn lại.
. |
Nhưng đây không phải là những phần việc dễ hoàn thành nếu không có quyết tâm chính trị và kỷ luật hành chính nghiêm khắc. Sự chậm trễ trong chuyển giao các doanh nghiệp nhà nước về SCIC là một bài học kinh nghiệm.
Theo báo cáo của SCIC, trong nửa đầu năm 2018, chỉ có 5/45 doanh nghiệp được thực hiện chuyển giao theo kế hoạch tiếp nhận năm 2018. Như vậy, tính từ khi ban hành Quyết định 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 đến hết tháng 6/2018, SCIC mới tiếp nhận 25/62 doanh nghiệp theo danh sách chuyển giao với tổng vốn nhà nước là 862,48 tỷ đồng, trên tổng vốn điều lệ là 2.068 tỷ đồng. Còn 37 doanh nghiệp chưa chuyển giao, với tổng vốn nhà nước là 10.113 tỷ đồng trên tổng vốn điều lệ là 14.721 tỷ đồng tại 5 bộ và 8 UBND. Trong số rất nhiều nguyên nhân được nhắc đến có sự không sẵn sàng từ phía các cơ quan đang nắm quyền đại diện chủ sở hữu.
Trong khi đó, giá trị sổ sách của 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong danh sách chuyển giao về Ủy ban, không tính SCIC, là trên 820.000 tỷ đồng, tổng giá trị tài sản gần 1,5 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 50% giá trị vốn nhà nước và tài sản của khu vực doanh nghiệp nhà nước. Nếu không có sự sẵn sàng từ phía các đại diện chủ sở hữu nhà nước hiện tại, thì công việc chuyển giao có thể sẽ mất nhiều thời gian.
Có lẽ, cần phải nhắc lại đề xuất lui kế hoạch thoái vốn mà Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đưa ra vào tuần trước, trong buổi làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ. Khi đó, lãnh đạo Petrolimex đã xin chuyển sang giai đoạn 2019 - 2020, thay vì năm 2018 như kế hoạch. Câu trả lời từ Tổ công tác là nghiêm túc thực hiện theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, vào tháng 7/2018, trong cuộc họp Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, Bộ Xây dựng cũng đã có đề nghị tương tự với hai doanh nghiệp thuộc quyền đại diện chủ sở hữu của mình, nhưng không được chấp nhận.
Cũng phải nhắc tới số lượng doanh nghiệp lớn đã cổ phần hóa, nhưng chưa thực hiện yêu cầu niêm yết.
Tất nhiên, các kế hoạch thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước sẽ không được thực hiện bằng mọi giá, mà có thể có những điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế, nhưng kỷ luật hành chính là điều không thể xem nhẹ, nhất là khi kết quả kế hoạch tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đang chi phối rất lớn các bước cải thiện trong nỗ lực chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia… của Chính phủ.
Tới đây, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ đảm nhận toàn bộ trách nhiệm này thay cho các bộ, ngành, địa phương, thực hiện mục tiêu tách chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước với chức năng quản lý nhà nước ra khỏi các cơ quan quản lý hành chính nhà nước, nâng cao hiệu quả và trách nhiệm quản lý vốn nhà nước, cải thiện chất lượng quản trị doanh nghiệp nhà nước.
Nhưng mọi việc chỉ có thể thực hiện đúng kế hoạch khi công việc chuyển giao được thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm.