Mức tăng trưởng 7,6% trong năm 2021 cho thấy khả năng phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Singapore, bất chấp những rủi ro liên quan đến Covid-19. Ảnh: AFP |
Triển vọng năm 2022 đầy rủi ro
Ông Gabriel Lim, Thứ trưởng Bộ Công thương Singapore lý giải: "Tăng trưởng GDP năm 2021 chủ yếu được thúc đẩy bởi các lĩnh vực: sản xuất chế tạo, tài chính - bảo hiểm, và thương mại bán buôn".
Hơn nữa, kết quả tăng trưởng năm 2021 vượt dự báo là nhờ tăng trưởng quý IV được điều chỉnh từ mức 5,9% lên 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Các nhà phân tích đánh giá, số dữ liệu kinh tế mới công bố đã cho thấy khả năng phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Singapore, bất chấp những rủi ro liên quan đến Covid-19.
Đối với năm 2022, Bộ Công thương Singapore dự báo nền kinh tế này sẽ đạt tăng trưởng thấp hơn, trong khoảng từ 3 - 5% và triển vọng tăng trưởng của các lĩnh vực khác nhau vẫn không đồng đều. Cơ quan này đánh giá, triển vọng tăng trưởng đối với các lĩnh vực hướng ngoại, chẳng hạn như sản xuất chế tạo và thương mại bán buôn, sẽ vẫn tích cực trong năm 2022 do kinh tế toàn cầu tiếp tục phục hồi.
"Đặc biệt, lĩnh vực sản xuất chế tạo dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng, mặc dù với tốc độ vừa phải hơn sau bước chuyển mình mạnh mẽ vào năm ngoái, do nhu cầu toàn cầu về chất bán dẫn và thiết bị bán dẫn liên tục tăng", Bộ Công thương Singapore nhận định.
Trong khi đó, các lĩnh vực hướng tới người tiêu dùng trong nước, chẳng hạn như thương mại bán lẻ và dịch vụ ăn uống, được dự báo sẽ phục hồi dần trong cả năm khi các hạn chế phòng dịch dần được nới lỏng và tâm lý người tiêu dùng được cải thiện theo tình hình thị trường lao động.
Tuy nhiên, đến cuối năm 2022, giá trị gia tăng thực của lĩnh vực dịch vụ ăn uống và một số phân khúc phụ thuộc vào du lịch của ngành bán lẻ Singapore được dự đoán vẫn không thể hồi phục về mức trước đại dịch Covid-19, một phần do lượng khách du lịch đến Singapore phục hồi chậm. Còn các hoạt động xây dựng, kỹ thuật hàng hải và ngoài khơi sẽ tiếp tục phục hồi nhờ việc nới lỏng dần các hạn chế nhập cảnh đối với lao động nhập cư từ Nam Á.
Tuy nhiên, vì Singapore sẽ cần thời gian để giải quyết triệt tình trạng thiếu lao động để đáp ứng nhu cầu trong nước, nên tình trạng thiếu lao động ở quốc gia này có thể sẽ kéo dài và đè nặng lên sự phục hồi của các ngành.
Ông Gabriel Lim, Thứ trưởng Bộ Công thương Singapore cho biết, trong vài tháng qua triển vọng nhu cầu từ bên ngoài đã diễn biến xấu đi do làn sóng nhiễm biến thể Omicron của Covid-19, dẫn đến việc thắt chặt các biện pháp phòng dịch ở nhiều nền kinh tế.
"Trong khi đó, tình trạng tắc nghẽn nguồn cung toàn cầu vẫn tiếp diễn và dự kiến sẽ kéo dài trong suốt nửa đầu năm 2022, do đó cản trở sản xuất công nghiệp và tăng trưởng GDP trong thời gian tới". Những tắc nghẽn về nguồn cung đó, cùng với giá năng lượng tăng cao do căng thẳng địa chính trị, cũng làm gia tăng thêm áp lực lạm phát toàn cầu.
Bà Selena Ling, Trưởng bộ phận nghiên cứu và chiến lược ngân quỹ tại Ngân hàng OCBC cho rằng những rủi ro được nêu trong Báo cáo khảo sát kinh tế của Bộ Công thương Singapore là không hề xa lạ.
"Nhưng các yếu tố xoa dịu như tỷ lệ tiêm chủng ở mức cao và việc triển khai các mũi tiêm nhắc lại một cách suôn sẻ, sẽ mở đường cho việc nới lỏng hơn nữa các hạn chế trong nước và nhập cảnh, do đó sẽ hỗ trợ sự phục hồi của các ngành tiếp xúc trực tiếp với người tiêu dùng và làm dịu bớt tình trạng thiếu nhân lực nước ngoài", bà Selena Ling nhận định.
Tiếp tục các gói hỗ trợ
Trong đề xuất chi tiêu ngân sách mới đây của mình, ông Lawrence Wong, Bộ trưởng Tài chính Singapore đã lưu ý gói hỗ trợ việc làm và doanh nghiệp trị giá 500 triệu đô la Singapore (tương đương 372 triệu USD), đồng thời khẳng định chính phủ Singapore sẽ tăng thêm khoản hỗ trợ riêng đối với lĩnh vực hàng không đang gặp khó khăn.
Trong 2 năm qua, chính phủ Singapore đã cam kết hỗ trợ gần 100 tỷ đô la Singapore nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế trước tác động của đại dịch Covid-19.
Ngoài ra, chính phủ Singapore sẽ dành gói hỗ trợ 560 triệu đô la Singapore để giúp người dân đương đầu với tình trạng chi phí sinh hoạt ngày càng tăng.
Bộ trưởng Tài chính Singapore cho biết chính phủ nước này đang theo dõi chặt chẽ nguy cơ lạm phát và chi phí sinh hoạt tăng cao do nhu cầu toàn cầu phục hồi trong bối cảnh chuỗi cung ứng vẫn bị gián đoạn và đặc biệt là giá năng lượng tăng.
Tháng trước, Ngân hàng Trung ương Singapore (MAS) đã thắt chặt các thiết lập chính sách của mình và đây là động thái không theo chu kỳ đầu tiên của cơ quan này trong 7 năm qua. Nhiều chuyên gia dự đoán cơ quan này sẽ thắt chặt chính sách thêm 1 lần nữa tại cuộc họp tháng 4 tới.
Lạm phát lõi năm 2022 của Singapore được dự báo ở mức 2-3%, còn lạm phát toàn phần sẽ đạt khoảng 2,5-3,5%.