Việt Nam và Singapore lập Quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2013. Cho đến nay, mối quan hệ này đã được triển khai thế nào trên phương diện thương mại và đầu tư?
Mối quan hệ đối tác chiến lược được thiết lập tháng 9/2013 trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Lee Hsien Loong (Lý Hiển Long) là một dấu mốc quan trọng đánh dấu kỷ niệm 40 năm quan hệ hai nước và góp phần đẩy mạnh cam kết đưa quan hệ hai nước lên những tầm cao mới.
Kể từ đó đến nay, Việt Nam và Singapore đã phối hợp chặt chẽ với nhau để củng cố mối quan hệ hợp tác. Về kinh tế, Singapore là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ ba của Việt Nam, với tổng đầu tư lũy kế đến nay khoảng 33 tỷ USD. Quan hệ thương mại hai nước cũng đạt 15 tỷ USD vào năm ngoái. Năm 2013, Singapore là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Việt Nam. Trao đổi du lịch giữa hai nước cũng ngày càng gia tăng, cho thấy mối giao lưu nhân dân hai nước ngày càng được thắt chặt.
Các doanh nghiệp của Singapore cũng sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam, với nhiều dự án mới. Đơn cử, Công ty TNHH Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) sẽ mở thêm 2 khu công nghiệp tại hai tỉnh Hải Dương và Nghệ An. Việt Nam có tốc độ đô thị hóa nhanh và đang tập trung mạnh vào phát triển các ngành công nghiệp. Điều này sẽ đem đến nhiều cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp Singapore. Những ngành mà doanh nghiệp Singapore muốn đầu tư tại Việt Nam bao gồm ngân hàng, giải pháp đô thị, du lịch, chế tạo, nông nghiệp và hàng tiêu dùng.
Ngài Ng Teck Hean, Đại sứ Singapore tại Việt Nam |
Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) dự kiến sẽ được thành lập vào cuối năm nay, tạo ra một thị trường chung cho tất cả các doanh nghiệp ASEAN. Trong khi đó, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng đang được đàm phán và sẽ được ký kết trong thời gian tới. AEC và TPP sẽ tác động tích cực như thế nào đối với quan hệ đầu tư và thương mại hai nước?
Việc thành lập AEC sẽ tạo ra một thị trường chung cho tất cả các doanh nghiệp ASEAN và dỡ bỏ các rào cản thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động có tay nghề.
Các doanh nghiệp đã bắt đầu có thể tiết kiệm chi phí từ các sáng kiến đã được thực hiện của AEC, như Thỏa thuận Thương mại hàng hóa ASEAN - cho phép tất cả các loại hàng hóa dịch chuyển trong khu vực mà không phải chịu thuế.
Việc dỡ bỏ các rào cản thương mại và giảm lũy tiến các rào cản dịch vụ sẽ có lợi cho các doanh nghiệp của Singapore và Việt Nam, dẫn đến gia tăng thương mại và đầu tư giữa hai nước.
Đối với TPP, hiệp định này có mục tiêu đưa hội nhập trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương hướng tới một khu vực mậu dịch tự do chung, hứa hẹn đem lại nhiều lợi ích cho hai nước chúng ta và toàn bộ các nền kinh tế thành viên của TPP. Ngoài việc đảm bảo việc tiếp cận thị trường cho các loại hàng hóa, TPP cũng bao gồm các lĩnh vực như tự do hóa dịch vụ, bảo vệ đầu tư và cải thiện chính sách trong các rào cản kỹ thuật đối với thương mại.
Các nền kinh tế thành viên sẽ hội nhập tốt hơn vào các chuỗi giá trị khu vực và đón nhận những dòng đầu tư và thương mại toàn cầu tốt hơn. Lý do là, các doanh nghiệp Singapore và Việt Nam đang gia tăng vị thế trong các chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực, nên sẽ được hưởng lợi từ TPP. Các doanh nghiệp sẽ hoạt động hiệu quả hơn và nâng cao khả năng cạnh tranh trong khu vực, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của cả khu vực. Khi Việt Nam chuyển dịch lên chuỗi giá trị mới, việc kết nối châu Á và Thái Bình Dương thông qua TPP sẽ tạo ra thêm nhiều cơ hội hợp tác mới.
Cả AEC và TPP sẽ mở ra kỷ nguyên hội nhập mới của khu vực ASEAN và tạo ra các mối liên kết chặt chẽ hơn giữa châu Á và Thái Bình Dương. Các sáng kiến này sẽ đưa đến nhiều cơ hội hợp tác tốt, tác động tích cực đến quan hệ thương mại và đầu tư của Singapore và Việt Nam, thúc đẩy mối quan hệ kinh tế của hai nước.
Trong Hiệp định Khung về Kết nối Việt Nam-Singapore, Việt Nam đã cam kết phối hợp chặt chẽ với Singapore để thực hiện một số sáng kiến trong hiệp định và khuyến khích doanh nghiệp Singapore đầu tư vào Việt Nam. Việt Nam có thể cải thiện môi trường đầu tư như thế nào để thu hút thêm đầu tư từ Singapore?
Khi quyết định đầu tư ra nước ngoài, các doanh nghiệp Singapore không coi các khó khăn trước mắt và các chính sách ưu đãi trong ngắn hạn là những vấn đề, mà tập trung đánh giá tiềm năng của thị trường về dài hạn. Họ đánh giá cao tiềm năng kinh tế của Việt Nam, với dân số đông và trẻ, lực lượng lao động dồi dào và rất nhiều tài nguyên thiên nhiên. Họ cũng rất muốn tham gia quá trình cổ phần hóa của một số doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam và muốn thấy quá trình này được thực hiện một cách minh bạch, với các thông tin được cung cấp kịp thời.
Trong khi các ưu đãi đầu tư có thể tạo lợi ích ngắn hạn ở Việt Nam, thì yếu tố chính vẫn là khả năng thuyết phục các nhà đầu tư của Việt Nam và tiếp tục đảm bảo một môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi và ổn định. Điều này bao gồm việc tạo ra sân chơi bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp, tôn trọng luật pháp và đảm bảo thực thi đúng các hợp đồng đầu tư và thương mại.
Việc xử lý hiệu quả tình trạng tham nhũng cũng rất quan trọng, bởi càng ít tham nhũng thì càng thu hút được nhiều đầu tư nước ngoài.