Doanh nghiệp
Sinkin Central Bank bắt tay BIDV hậu thuẫn DN Nhật
Bá Kiên - 03/12/2013 08:36
Hội thảo “Ngân hàng và DN hợp tác thúc đẩy đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam” diễn ra hôm nay (3/12) do BIDV và SCB đồng tổ chức thể hiện quyết tâm thực hiện cam kết của BIDV với các ngân hàng đối tác Nhật Bản trong hỗ trợ DN Nhật đã và đang xúc tiến đầu tư vào Việt Nam. Đầu tư từ Nhật Bản: Khẩu vị đã khác Vốn FDI vào Việt Nam chính thức vượt 20 tỷ USD BIDV lập Japan Desk chuyên hỗ trợ doanh nghiệp Nhật

Ngân hàng Shinkin Central (SCB) hoạt động giống như mô hình một ngân hàng trung ương của các ngân hàng Shinkin, phục vụ các ngân hàng thương mại địa phương của Nhật Bản, được gọi chung là các ngân hàng Shinkin.

Hiện có 268 ngân hàng Shinkin ở Nhật Bản, hoạt động chủ yếu là tài trợ vốn cho các doanh nghiệp (DN)?vừa và nhỏ (SMEs). Các ngân hàng này hoạt động trong khu vực địa lý được phân giao, thông thường phạm vi hoạt động ở một hoặc 2 thành phố ở Nhật.

Việc ký kết hợp tác giữa BIDV và JBIC là một trong những nỗ lực nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam

SCB được thành lập năm 1950 trên nguyên tắc sở hữu bởi các ngân hàng Shinkin. SCB là một ngân hàng thương mại độc lập, với tổng tài sản khoảng 30.800 tỷ yên (tương đương 327 tỷ USD) tính đến tháng 3/2013. Về quy mô, SCB đứng thứ 8 trong số các ngân hàng Nhật Bản và là một trong các định chế tài chính hàng đầu Nhật Bản.

Với vị thế là ngân hàng trung ương của các ngân hàng Shinkin, SCB cung cấp đa dạng hình thức hỗ trợ thương mại tới các ngân hàng Shinkin và khách hàng của họ. Hỗ trợ khách hàng của các ngân hàng Shinkin có hoạt động kinh doanh ở nước ngoài là chức năng quan trọng của SCB.

Cùng với tiến trình toàn cầu hóa mạnh mẽ, số lượng khách hàng hoạt động kinh doanh ngoài nước của các ngân hàng Shinkin cũng tăng trưởng nhanh chóng. Hiện đã có khoảng 2.500 khách hàng của các ngân hàng Shinkin có hoạt động kinh doanh ngoài thị trường Nhật Bản, trong đó có khoảng 200 khách hàng tại Việt Nam. Ngày càng nhiều DN Nhật mở rộng kinh doanh tại ASEAN, do sự hấp dẫn của khu vực năng động này và một số nguyên nhân khác.

Để tăng hỗ trợ khách hàng có hoạt động kinh doanh ngoài Nhật Bản, SCB đã thiết lập mạng lưới văn phòng đại diện ở khu vực châu Á, bao gồm Thượng Hải, Hồng Kông và Bangkok. Cùng với đó, SCB cũng phát triển quan hệ hợp tác với 6 ngân hàng thương mại hàng đầu ở một số quốc gia và vùng lãnh thổ, gồm Trung Quốc, Hồng Kông, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam.

Tại Việt Nam, SCB thiết lập quan hệ hợp tác kinh doanh với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Hai bên hợp tác cùng hỗ trợ DN Nhật Bản trong cung cấp thông tin về môi trường đầu tư, kinh doanh, hành lang pháp lý…

SCB cũng sẽ giới thiệu khách hàng của mình tới BIDV, đáp ứng nhu cầu tài chính của khách hàng, như dịch vụ quản lý tài khoản, tiền vay và các dịch vụ tài chính phái sinh khác.

SCB tin tưởng rằng, một trong các điểm chính yếu nhằm giúp Việt Nam duy trì được đà tăng trưởng kinh tế ổn định là việc Việt Nam hỗ trợ và thúc hoạt động đầu tư từ SMEs Nhật Bản ở Việt Nam.

Lấy một ví dụ về ngành công nghiệp ô tô. Đây là ngành công nghiệp với nhiều SMEs của Nhật Bản tham gia cung cấp phụ tùng cho các nhà sản xuất lớn, như Toyota.

BIDV và Sinkin Central Bank hỗ trợ khách hàng Nhật Bản mở rộng
hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư vào Việt Nam (ảnh: Chí Cường)

Tồn tại lớn nhất của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam là việc dỡ bỏ hàng rào thuế quan trong khu vực các nước ASEAN được kỳ vọng vào năm 2018. Các DN ngành ô tô ở Nhật Bản gần đây nhập khẩu phần lớn phụ tùng xe hơi từ các quốc gia láng giềng của ASEAN, lắp đặt và sau đó xuất nguyên chiếc sang thị trường Việt Nam. Cách làm này chỉ hiệu quả khi thuế nhập khẩu đánh vào phụ tùng thấp hơn thuế đánh vào xe nguyên chiếc.

Vì vậy, sau khi hàng rào thuế được dỡ bỏ giữa các nước ASEAN, việc nhập khẩu xe hơi nguyên chiếc từ các nước có ngành công nghiệp phát triển hơn như Thái Lan sẽ có lợi thế hơn việc nhập phụ tùng, lắp ráp, rồi mới xuất sang Việt Nam.

Để tránh điều này, nhiều nhà sản xuất phụ tùng sẽ cần triển khai sản xuất ở Việt Nam, vì vậy, các nhà máy lắp đặt cũng sẽ tìm kiếm phụ tùng ở thị trường trong nước thay vì nhập khẩu như hiện nay.

Các vấn đề tương tự cũng đang tồn tại ở các ngành sản xuất khác ở Việt Nam. Trong bối cảnh đó, yêu cầu đặt ra đối với việc tạo điều kiện thuận lợi cho các DN sản xuất phụ tùng vừa và nhỏ Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam là hết sức quan trọng.

SCB cam kết hỗ trợ và đóng góp công sức vào sự phát triển của Việt Nam bằng việc chung tay cùng đối tác chiến lược (BIDV) hỗ trợ khách hàng mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư vào Việt Nam.

Chính phủ Nhật Bản đang có chủ trương, thông qua Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC), tạo cơ chế hợp tác giữa các ngân hàng tại Nhật Bản và các ngân hàng lớn tại Việt Nam để hỗ trợ thúc đẩy, tạo điều kiện phát triển thuận lợi nhất cho DN Nhật Bản tại Việt Nam. Trong khu vực, JBIC đã có kinh nghiệm kết nối Hiệp hội Các ngân hàng vùng của Nhật Bản và Hiệp hội SMEs Nhật Bản để tăng cường hợp tác với các định chế tài chính nước ngoài, nhằm hỗ trợ SMEs tại nước ngoài.

Nhật Bản có hơn 2.000 DN đang hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, phần lớn là SMEs. Trước đây, khi các ngân hàng Việt Nam và ngân hàng Nhật Bản chưa, hoặc ít hợp tác với nhau, DN Nhật Bản thường gặp khó khăn trong giao dịch với các đối tác Việt Nam, do số chi nhánh ngân hàng Nhật Bản ở Việt Nam ít, dịch vụ ngân hàng chưa phong phú. Tuy nhiên, nếu các ngân hàng Việt Nam, đặc biệt là các ngân hàng lớn như BIDV bắt tay với các ngân hàng Nhật Bản, các DN Nhật Bản sẽ thuận lợi hơn rất nhiều trong việc tiếp cận các dịch vụ ngân hàng.

Trong bối cảnh đó, Hội thảo “Ngân hàng và DN hợp tác thúc đẩy đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam” diễn ra hôm nay (3/12) do BIDV và SCB đồng tổ chức thể hiện quyết tâm thực hiện cam kết của BIDV với các ngân hàng đối tác Nhật Bản trong hỗ trợ DN Nhật đã và đang xúc tiến đầu tư vào Việt Nam.

Tin liên quan
Tin khác