Năm 2017, tình hình phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2017 đạt 47.137 tỷ đồng, tăng 19,21% so với năm 2016, vượt 18,2% kế hoạch đề ra, xuất khẩu đạt 1.400 triệu USD, tăng 7,44% so với năm 2016.
Về thu hút đầu tư, có 111 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư mới hoặc điều chỉnh chủ trương đầu tư, tổng vốn đầu tư đăng ký gần 8.130 tỷ đồng, tăng 44% về số dự án và tăng 34,7% về vốn đầu tư đăng ký so với năm trước; có 34 dự án hoàn thành đầu tư, đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh; toàn tỉnh có 543 dự án đã đi vào hoạt động với tổng vốn thực hiện hơn 29.000 tỷ đồng.
Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thái Bình Phạm Văn Ca phát biểu tại Hội nghị. |
Thực hiện có hiệu quả 27 chương trình, đề án khuyến công địa phương với kinh phí 3,1 tỷ đồng; 25 chương trình, dự án khuyến thương – xúc tiến thương mại – đưa hàng Việt Nam về với nông thôn, tổng kinh phí 1,870 tỷ đồng. Công tác quản lý thị trường tiếp tục được tăng cường, chú trọng kiểm tra, kiểm soát trên mọi lĩnh vực.
Thực hiện kiểm tra 2.834 lượt, xử lý 1.112 vụ vi phạm, tổng tiền xử phạt là 2.790 triệu đồng. Công tác cải cách hành chính được thực hiện nghiêm túc, giải quyết trên 20.000 thủ tục hành chính với thời gian giảm trên 50%, không có thủ tục bị chậm, quá hạn. UBND các huyện, thành phố phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương triển khai công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch, thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về công nghiệp, thương mại.
Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thái Bình Phạm Văn Ca trao Bằng khen và Danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc cho 9 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ năm 2017 |
Năm 2018, ngành Công Thương Thái Bình tiếp tục phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu phát triển công nghiệp, thương mại được giao, đóng góp quan trọng, quyết định vào tăng trưởng GRDP. Cụ thể, sản xuất công nghiệp dự kiến đạt 54.585 tỷ đồng, tăng 15,8% so với năm 2017, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 40.750 tỷ đồng, tăng 13,04% so với năm 2017, xuất khẩu đạt 1.555 triệu USD, tăng 11,07% so với năm 2017….
Để đạt được những mục tiêu đó, Sở Công Thương Thái Bình đã đề ra một số nhiệm vụ giải pháp chủ yếu như tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch 84/KH-UBND ngày 20/12/2016 của UBND tỉnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Khuyến khích đầu tư thiết bị công nghệ tiên tiến, tiết giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Xây dựng Quy chế phối hợp quản lý CCN trên địa bàn tỉnh. Khuyến khích và hỗ trợ hiệu quả công tác khởi sự doanh nghiệp, tăng cường gắn kết, đồng hành với doanh nghiệp. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nhiều nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hạ tầng thương mại,…
Đồng thời, tổ chức nhiều hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cơ sở sản xuất kinh doanh theo ngành hàng, lĩnh vực. Củng cố mạng lưới bán buôn, bán lẻ, đẩy mạnh phát triển thị trường nông thôn, thị trường tiêu thụ trong nước. Tổ chức hiệu quả hoạt động khuyến công, khuyến thương nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, chuyển giao công nghệ. Chú trọng khai thác thị trường xuất khẩu tiềm năng lớn. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, giải quyết nhanh, kịp thời thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực công thương. Thực hiện tốt quả lý thị trường, chú trọng kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh hàng hóa, bảo vệ quyền lợi người tiêu dung, ổn định thị trường, kiềm chế lạm phát…
Phát biểu tại Hội nghị, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thái Bình Phạm Văn Ca ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của toàn ngành Công Thương trong thời gian qua. Để đạt được mục tiêu đề ra, đồng chí yêu cầu ngành Công Thương cần quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển trên lĩnh vực công nghiệp, thu hút đầu tư. Tập trung xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm, thu hút đầu tư, trong đó ưu tiên đầu tư những ngành, lĩnh vực tạo giá trị gia tăng cao, góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa công nghiệp.
Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thái Bình cũng yêu cầu toàn ngành cần tập trung đẩy cao độ tin cậy hợp tác đối với doanh nghiệp, bám sát tình hình sản xuất, kinh doanh để kịp thời tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển. Nâng cao chất lượng hiệu quả chương trình khuyến công, khuyến thương, các chương trình hỗ trợ đào tạo lao động, phát triển nghề, du nhập nghề mới, tăng thu nhập cho lao động nghề và làng nghề. Đẩy mạnh xây dựng củng cố khối đại đoàn kết trong nội bộ cơ quan, phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng và vai trò tiên phong gương mẫu của người đứng đầu.
Tại Hội nghị, 7 doanh nghiệp và 9 tập thể, cá nhân đã được nhận Bằng khen và Danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc của UBND tỉnh; 17 tập thể, cá nhân được nhận Giấy khen của Sở Công Thương; trao Giấy chứng nhận cho 12 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2017.