Hà Nội có quy mô gần 3.000 trường học
Tại sự kiện tổ chức kỷ niệm 70 năm thành lập ngành GD&ĐT Thủ đô, 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam; vinh danh nhà giáo Nhân dân, nhà giáo Ưu tú; đồng thời đón nhân Huân chương Lao động hạng Nhất, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT đã có những phút giây trải lòng xúc động, điểm lại quá trình 70 năm thành lập và phát triển, giáo dục Hà Nội từ thuở sơ khai đến nay phát triển vững mạnh với quy mô gần 3.000 trường học các cấp, gần 2,3 triệu học sinh, và 130 nghìn giáo viên.
Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội xúc động điểm lại quá trình 70 năm hình thành và phát triển giáo dục Thủ đô. |
Luôn được đánh giá là lá cờ đầu cả nước của ngành giáo dục và đào tạo, tính đến nay Hà Nội đã có 342 nhà giáo được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo Ưu tú”.
Đây chính là nguồn lực quan trọng để Thủ đô thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo theo hướng thực chất, hiệu quả và tiệm cận với nền giáo dục tiên tiến", ông Cương nhấn mạnh.
Hà Nội cũng có gần 80% trường công lập đạt chuẩn quốc gia, 23 trường chất lượng cao. Mạng lưới trường, lớp tiếp tục được mở rộng, chuẩn hóa và hiện đại, đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân Thủ đô và yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực trong thời kỳ mới.
Về chất lượng, giáo dục Thủ đô ngày càng được nâng cao, học sinh đứng đầu cả nước trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Thống kê từ năm 2008 đến 2024, học sinh Hà Nội đạt gần 2.200 giải tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và 200 huy chương tại các kỳ thi quốc tế.
Ngành GD&ĐT Thủ đô vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. |
Bên cạnh đó, giáo dục đại trà cũng được quan tâm, chú trọng. Hà Nội luôn giữ vững và đi đầu trong việc đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
55 nhà giáo các cấp được vinh danh “Nhà giáo ưu tú” năm 2024
Đại diện các nhà giáo Thủ đô phát biểu tại lễ kỷ niệm, thầy Nguyễn Xuân Khang, Chủ tịch Hội đồng Trường Marie Curie Hà Nội hồi tưởng, ngày 10/10/1954 Bộ đội về tiếp quản Thủ đô. Lúc đó, thầy mới chỉ là đứa bé 5 tuổi ở cách Hà Nội hàng trăm cây số. Năm 1972, thầy tốt nghiệp đại học và bắt đầu nghề dạy học đến nay hơn 50 năm.
Trong quãng thời gian đó có vô vàn kỷ niệm nhưng thầy nhớ mãi câu chuyện có hai học sinh mở khoá lấy đi vài món đồ lặt vặt trong phòng thí nghiệm của trường. Khi biết chuyện, thầy không làm ầm ĩ mà gọi học sinh lên hỏi chuyện. "Thế nhưng, sự việc sau đó bị đẩy lên ở mức, học sinh có thể bị quy vào tội trộm cắp tài sản. Tôi đã bảo lãnh để các em tiếp tục học tập”, thầy Khang kể.
Đại diện cho thế hệ học sinh, em Nguyễn Hà Anh, học sinh lớp 9, Trường THCS Cầu Giấy (Hà Nội) xúc động cho biết em cảm thấy may mắn khi được học tập dưới mái trường Thủ đô, nơi có những thầy cô tâm huyết. Mong rằng sẽ trở thành những công dân toàn cầu, giỏi ngoại ngữ, mai sau có nhiều cống hiến cho đất nước.
Em Nguyễn Hà Anh xúc động và vinh dự khi được học tập dưới mái trường Thủ đô. |
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cùng Bí thư Thành uỷ Bùi Thị Minh Hoài đã chúc mừng nhà giáo Nguyễn Trọng Vĩnh, người sáng lập Trường Nguyễn Siêu được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân. Bên cạnh đó 55 nhà giáo tiêu biểu của trường học các cấp cũng được nhận danh hiệu “Nhà giáo ưu tú”.
Ghi nhận thành tích của ngành giáo dục, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu, trong thời gian tới, ngành tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học, làm tốt cả việc dạy chữ, dạy người, gắn học với hành, trau dồi đạo đức, lối sống, nhằm tạo ra những con người thật sự có đức, có tài.