Ngày 9/10, Hội nghị Bộ trưởng doanh nghiệp nhỏ và vừa APEC lần thứ 27 đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Doanh nghiệp Nhỏ của New Zealand Stuart Nash.
Với chủ đề “Giải pháp ứng phó của Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đối với đại dịch Covid-19 và cơ hội để xây dựng một tương lai bền vững”, Hội nghị được tổ chức nhằm tăng cường khả năng phục hồi của các doanh nghiệp nhỏ trên toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tập trung vào số hóa, tăng trưởng toàn diện và phúc lợi.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị.
Hội nghị Bộ trưởng doanh nghiệp nhỏ và vừa APEC lần thứ 27 (Ảnh: Đức Trung) |
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Stuart Nash đã nhắc lại vai trò quan trọng của các doanh nghiệp nhỏ đối với nền kinh tế APEC.
Thống kê cho thấy doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) chiếm hơn 97% tổng số doanh nghiệp trong khu vực APEC, sử dụng hơn 60% lực lượng lao động và đóng góp từ 40-60% tăng trưởng kinh tế ở hầu hết các nền kinh tế.
Do đó, Bộ trưởng Stuart Nash cho rằng, sự tồn tại và khả năng phục hồi của các doanh nghiệp sau đại dịch Covid-19 đóng vai trò quan trọng đối với sự phục hồi kinh tế bền vững cũng như duy trì sự gắn kết của các cộng đồng.
Ông cũng kêu gọi các nền kinh tế thành viên APEC thừa nhận vai trò thiết yếu của thương mại trong việc thúc đẩy phục hồi kinh tế mạnh mẽ cho các doanh nghiệp nhỏ của khu vực trước đại dịch toàn cầu.
Các bộ trưởng APEC thừa nhận tầm quan trọng của số hóa, coi đây như một động lực giúp phục hồi hiệu quả sau các cú sốc kinh tế, đồng thời nhất trí cho rằng việc áp dụng các giải pháp và công cụ kỹ thuật số không còn là lựa chọn mà đã trở thành sự cần thiết.
Bên cạnh đó, các bộ trưởng APEC cho rằng cần tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ tham gia các hoạt động và thực hành đổi mới, bền vững với môi trường.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông khẳng định, chuyển đổi số là xu thế tất yếu và là giải pháp quan trọng cho các DNNVV (Ảnh: Đức Trung) |
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông khẳng định, chuyển đổi số (CĐS) là một xu thế tất yếu và là giải pháp quan trọng cho các DNNVV trên toàn thế giới nhằm khôi phục, nâng cao hiệu quả kinh doanh cũng như năng lực cạnh tranh trong bối cảnh mới. Chuyển đổi số hiệu quả giúp các doanh nghiệp thu thập dữ liệu; khai thác và quản lý tài nguyên tốt hơn; cải thiện trải nghiệm khách hàng; mang tới sự linh hoạt; thích ứng và nâng cao hiệu quả, năng suất, lợi nhuận.
Chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, từ tháng 01/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng và triển khai “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025”, hướng tới mục tiêu 100% doanh nghiệp được nâng cao nhận thức về CĐS; Tối thiểu 100.000 doanh nghiệp được hỗ trợ kỹ thuật về CĐS; Tối thiểu 100 doanh nghiệp được hỗ trợ là mô hình CĐS điển hình thành công để lan tỏa và nhân rộng; Thiết lập mạng lưới chuyên gia gồm tối thiểu 100 tổ chức, cá nhân tư vấn, cung cấp giải pháp thúc đẩy CĐS cho doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển các nền tảng số.
Chương trình đã phối hợp với nhiều đối tác trong nước và quốc tế để triển khai thực hiện với hơn 10.000 doanh nghiệp tham gia, trong đó có 4.500 doanh nghiệp được nâng cao nhận thức về CĐS, 350 doanh nghiệp được đánh giá mức độ sẵn sàng và 100 doanh nghiệp đang được hỗ trợ tư vấn chuyên sâu để giải quyết các vấn đề cụ thể về CĐS.
Bên cạnh đó, một chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa kinh doanh bao trùm và bền vững tại Việt Nam đang được xây dựng và dự kiến sẽ được ban hành trong thời gian tới. Chương trình hướng tới mục tiêu thúc đẩy sự phát triển bao trùm và bền vững của các doanh nghiệp khu vực tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; đảm bảo kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa hiệu quả nền kinh tế với trách nhiệm xã hội, đồng thời bảo vệ tài nguyên và môi trường.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đang nỗ lực xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ doanh nhân nữ, tập trung vào 3 vấn đề: thúc đẩy môi trường chính sách thuận lợi; đẩy các các dịch vụ hỗ trợ cho DNNVV do phụ nữ làm chủ; tăng cường xây dựng năng lực cho các DNNVV do phụ nữ làm chủ và các bên liên quan. Một chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh của các DNNVV do phụ nữ làm chủ trong 5 năm (2021-2025) sẽ được xây dựng vào cuối năm 2021.
Việt Nam đề nghị Ban thư ký APEC khuyến khích các nền kinh tế thành viên xây dựng thêm các sáng kiến và năng lực chính sách nhằm thúc đẩy kinh doanh bao trùm và bền vững, hỗ trợ các các DNNVV do phụ nữ làm chủ thông qua việc xây dựng và chia sẻ các thông tin hữu dụng nhất về tăng trưởng bao trùm.