ExxonMobil, một trong những tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới, đang rất quan tâm các dự án điện khí tại Việt Nam. |
Điện khí LNG Hải Phòng trước nguy cơ ra khỏi Quy hoạch Điện VIII
Mới đây, ông Peter R. Lavoy, Giám đốc cấp cao Quan hệ chính phủ toàn cầu, đại diện Tập đoàn ExxonMobil đã có buổi gặp gỡ với lãnh đạo TP. Hải Phòng.
Tại cuộc gặp này, đại diện ExxonMobil cho biết, trước khi đến Hải Phòng, Tập đoàn đã khảo sát nhiều địa phương có tuyến đường ven biển, nhưng chỉ có Hải Phòng tập trung được nhiều thế mạnh về cảng biển, kết nối giao thông, hạ tầng lưới điện truyền tải... thích hợp để ExxonMobil triển khai các dự án điện khí trong tương lai.
ExxonMobil cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục được Hải Phòng quan tâm, tạo điều kiện để tìm hiểu, đầu tư vào Thành phố, nhất là khi việc xây dựng các nhà máy điện năng lượng sạch sẽ tạo đột phá cho địa phương, góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến mục tiêu chuyển dịch nền kinh tế hướng tới tăng trưởng xanh.
Chuyến thăm của đại diện ExxonMobil tới Hải Phòng diễn ra sau khi Văn phòng Chính phủ có thông báo kết luận của Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp về tình hình hoàn thiện Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2045 (Quy hoạch Điện VIII) diễn ra ngày 21/2/2022.
Theo đó, Phó thủ tướng cơ bản thống nhất với Dự thảo Quy hoạch Điện VIII do Bộ Công thương báo cáo ngày 21/2/2022, trong đó đề xuất tổng công suất nguồn đặt tới năm 2030 khoảng 146.000 MW, đến năm 2045 trên 352.000 MW.
Đáng nói là, trong Báo cáo của Bộ Công thương ngày 21/2/2022 đã nhắc tới việc tính toán hiệu chỉnh, giảm các nhà máy điện theo chỉ đạo của Chính phủ, để góp phần đáp ứng các cam kết của Việt Nam tại COP26.
Các thay đổi chủ yếu tới năm 2045 so với Phương án được trình vào tháng 12/2021 là loại bỏ các nhà máy nhiệt điện than: Bảo Đài, Phả Lại 3, Quảng Trạch 2 có tổng công suất 2.020 MW và loại bỏ các nhà máy nhiệt điện khí Hải Phòng 1, 2, Long An 2 có tổng công suất 7.500 MW. Thay thế vào đó là các nguồn điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi, điện mặt trời.
Như vậy, Hải Phòng có thể sẽ không còn nhà máy nhiệt điện khí LNG nào nằm trong Quy hoạch Điện VIII, nếu mọi chuyện vẫn diễn tiến theo hướng này.
Trước đó, Hải Phòng đã đề nghị bổ sung thêm 2 dự án điện khí LNG vào Quy hoạch Điện VIII. Cụ thể, Dự án Điện khí LNG tại KCN Tiên Lãng 1 với công suất 4.500 MW, còn Dự án điện khí LNG còn lại ở đảo Cái Tráp, Cát Hải có công suất 1.600 MW.
Tại Dự án Tổ hợp Nhà máy điện khí LNG tại KCN Tiên Lãng 1 được ExxonMobil đề xuất có tổng mức đầu tư khoảng 5,09 tỷ USD, trong đó giai đoạn 1 gồm 3x750 MW sẽ vận hành vào năm 2026 - 2027; giai đoạn II có quy mô 3x750 MW sẽ vận hành vào năm 2029 - 2030.
Công ty TNHH ExxonMobil Energy Hải Phòng, UBND TP. Hải Phòng và Công ty Điện lực JERA Nhật Bản cũng đã ký kết Bản ghi nhớ (MOU) về việc hợp tác phát triển Dự án tổ hợp điện khí LNG tiềm năng tại Hải Phòng vào tháng 10/2020.
Cơ sở để Hải Phòng đề xuất đầu tư các nhà máy điện khí LNG mới này là để góp phần đảm bảo đủ nguồn cung năng lượng cho Thành phố cũng như khu vực miền Bắc.
Chuỗi khí điện Cá Voi Xanh: Chờ khí vào bờ
Từng sôi nổi và dồn dập trong giai đoạn 2017-2019, nhưng tới nay, chuỗi dự án khí - điện Cá Voi Xanh không có nhiều thông tin mới.
Với các dự án thành phần gồm Dự án Phát triển mỏ khí Cá Voi Xanh và các dự án điện sử dụng khí từ mỏ này là Miền Trung I, II (Quảng Nam) và Dung Quất I, II và III (Quảng Ngãi), chuỗi dự án này khi đi vào vận hành thương mại được kỳ vọng cung cấp 23-25 tỷ kWh điện/năm. Tổng thu ngân sách nhà nước từ chuỗi dự án (giai đoạn 2023-2044) cũng được tính toán đạt 15-18 tỷ USD.
Tới cuối năm 2019, nhiều hạng mục công việc quan trọng của Dự án đã hoàn thành và được các bộ, ngành phê duyệt/chấp thuận như đánh giá trữ lượng mỏ khí Cá Voi Xanh với trữ lượng thu hồi 148,95 tỷ m3 khí hydrocarbon; phạm vi đầu tư Dự án Phát triển mỏ Cá Voi Xanh bao gồm: các công trình thiết bị ngoài khơi, đường ống dẫn khí về bờ, nhà máy xử lý khí (GTP) trên bờ và đường ống dẫn khí thương phẩm đến hộ tiêu thụ.
Tiến độ các hạng mục chính của Dự án Phát triển mỏ khí Cá Voi Xanh cũng đã từng được đẩy nhanh trong năm 2019.
Việt Nam và ExxonMobil có gần chục phiên đàm phán về Thỏa thuận bảo lãnh và cam kết của Chính phủ (GGU). Các bên tham gia sẽ có Quyết định đầu tư cuối cùng (FID) vào quý I/2020 trước khi tiến hành triển khai xây dựng trong khoảng 4 năm. Dẫu vậy, sau đó, nhiều việc đã không như dự tính.
Nguồn tin của Báo Đầu tư cũng cho hay, Dự án Nhà máy Điện Dung Quất I và III (2x750 MW/nhà máy) đã được Bộ Công thương thông báo kết quả thẩm định thiết kế cơ sở. Ở thời điểm hiện nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam chưa trình Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Báo cáo Nghiên cứu khả thi (FS) do chưa xác định được thời điểm mỏ khí Cá Voi Xanh cấp khí cho Dự án.
Với Dự án Nhà máy Nhiệt điện Miền Trung 1&2 (2x750 MW) do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường vào tháng 11/2021. PVN đang tiếp tục hoàn thiện FS và làm việc với tỉnh Quảng Nam để hiệu chỉnh mặt bằng nhà máy.
Việc thẩm định, phê duyệt FS và tiến độ thực hiện các dự án này cũng được cho là phụ thuộc vào tiến độ của Dự án Phát triển mỏ Cá Voi Xanh.
Trước đó, vào cuối tháng 11/2021, phía Công ty ExxonMobil có thông báo cho biết, họ đang tiếp tục công việc chuẩn bị cho dự án khí đốt mỏ Cá Voi Xanh. Tuy nhiên, quyết định đầu tư cuối cùng của ExxonMobil còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, bao gồm cả phê duyệt từ cơ quan có thẩm quyền theo quy định và hợp đồng bán khí, thỏa thuận giá bán khí đốt cho bên tiêu thụ.
“Chúng tôi đã hoàn thành thiết kế và kỹ thuật ban đầu cho Dự án (mỏ Cá Voi Xanh) vào tháng 5/2020 và đang hoàn thiện kế hoạch phát triển cuối cùng”, người phát ngôn của ExxonMobil trả lời báo chí quốc tế.