Đột phá về xã hội hóa đầu tư
Theo Báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại các kỳ họp Quốc hội khóa XIII của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), tính đến giữa tháng 5/2015, ngành này đã huy động được 198.165 tỷ đồng vốn ngoài ngân sách để đầu tư 71 dự án theo hình thức xây dựng - khai thác - chuyển giao (BOT). Trong đó, riêng năm 2014, huy động được 39.077 tỷ đồng/19 dự án; 4 tháng đầu năm 2015, huy động được gần 20.000 tỷ đồng/6 dự án.
Với nguồn vốn dồi dào, tiến độ thi công các dự án giao thông được đẩy nhanh. Ảnh: A.M |
Bước đột phá trong việc xã hội hóa đầu tư này đã giúp Tư lệnh ngành GTVT cụ thể hóa được lời hứa trước Quốc hội và cử tri cả nước về việc sớm hoàn thành việc nâng cấp, mở rộng 2 tuyến đường huyết mạch từ 2 làn xe lên 4 làn xe, đó là Quốc lộ 1 đoạn Thanh Hóa - Hà Tĩnh và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên.
Nhờ có nguồn vốn dồi dào, triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh tiến độ các công trình, nên tiến độ thi công hai đại dự án này đang trong tầm kiểm soát, trong đó, một số dự án hoàn thành đưa vào khai thác sớm trước cam kết gần 1 năm, như các dự án mở rộng đoạn từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh (ngày 31/1/2015), đoạn Phan Thiết - Đồng Nai (ngày 17/1/2015), một số đoạn qua tỉnh Ninh Thuận (ngày 27/4/2015); nhiều dự án còn lại sẽ được hoàn thành vào ngày 30/9/2015.
“Đặc biệt, toàn bộ Dự án mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên dự kiến hoàn thành trong tháng 6/2015”, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết.
Liên quan đến cam kết tạo bước chuyển về tiến độ, chất lượng các dự án trọng điểm, tránh tình trạng công trình “khởi công, nhưng không xác định thời hạn hoàn thành”, ngay từ đầu năm 2011, cùng với việc chú trọng nâng cao chất lượng công tác khảo sát, thiết kế từ khâu lập dự án, Bộ GTVT đã áp dụng quy định tăng thời hạn bảo hành công trình lên gấp hai lần so với quy định tối thiểu hiện hành. Đối với dự án BOT, chỉ cho phép thu phí khi sửa chữa, khắc phục xong các khiếm khuyết về chất lượng. Trong thời gian qua, Bộ GTVT đã xử lý chấm dứt hợp đồng, cắt chuyển khối lượng đối với 10 nhà thầu chậm tiến độ; xử lý kỷ luật nhiều lãnh đạo chủ đầu tư để xảy ra vi phạm chất lượng, tiến độ.
Hoàn thành cổ phần hóa trong năm nay
Một trong những cam kết được thực hiện triệt để nhất của ngành GTVT trước Quốc hội và cử tri là việc sắp xếp, nâng cao hiệu quả các tổng công ty, công ty trong ngành.
Hiện Bộ GTVT là bộ đi đầu trong việc tái cơ cấu, sắp xếp DNNN, với 81 doanh nghiệp được cổ phần hóa trong 2 năm qua, trong đó có 16 công ty mẹ - tổng công ty. Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, thông qua cổ phần hóa, đã huy động được nhiều nguồn lực của xã hội, nâng cao đáng kể hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Chỉ tính riêng đối với 10 công ty mẹ - tổng công ty sau cổ phần hóa, vốn chủ sở hữu tăng 17,21%, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu giảm 18,3%. Hầu hết các đơn vị được cổ phần hóa, năng suất lao động tăng nhanh, doanh thu tăng 10,27%, lợi nhuận trước thuế tăng 43,29%, thu nhập bình quân người lao động tăng 13,21%.
Tình hình sản xuất - kinh doanh tại một số doanh nghiệp trọng điểm cũng đã có những bước cải thiện đáng kể. Trong đó, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy đã cơ bản hoàn thành tái cơ cấu nợ, từng bước phục hồi sản xuất - kinh doanh, giảm lỗ; Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã có bước tăng trưởng về sản xuất - kinh doanh, chất lượng dịch vụ được nâng cao.
Nhằm thu hút nguồn lực xã hội, nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng dịch vụ của đơn vị công lập, Bộ đã báo cáo và đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều cơ chế, chính sách về cổ phần hóa, thoái vốn, như chủ trương cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập, tập trung vào các khối thuộc lĩnh vực đào tạo, y tế, đăng kiểm; cơ chế thoái vốn trọn lô, bán cho người lao động.
“Mục tiêu đến cuối năm 2015, Bộ GTVT sẽ cơ bản hoàn thành cổ phần hóa, thoái vốn toàn bộ các doanh nghiệp thuộc diện Nhà nước không cần giữ 100% vốn, tái cơ cấu doanh nghiệp trọng điểm, tăng cường giám sát và đẩy mạnh các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp”, ông Thăng cho biết.
Bên cạnh những điểm sáng nói trên thì Bộ GTVT vẫn cần thêm thời gian để cụ thể hóa các cam kết trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông và lập lại kỷ cương trong hoạt động vận tải. Mặc dù liên tục từ năm 2011 đến nay, tai nạn giao thông đã được kiềm chế và giảm cả ba tiêu chí về số vụ tai nạn, số người chết và số người bị thương, song tình hình tai nạn giao thông nói chung vẫn còn diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông tại địa bàn nông thôn có xu hướng tăng.
Trong khi đó, có một số tồn tại, hạn chế như năng lực, chất lượng, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về kinh doanh vận tải, quản lý kỹ thuật phương tiện, cũng như công tác thanh tra, tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm còn chưa đáp ứng được yêu cầu, mới chỉ tập trung tại một số địa bàn, một số nhóm đối tượng, trên các tuyến trọng điểm, trong thời gian cao điểm, chưa bảo đảm thường xuyên, liên tục trên toàn địa bàn.
“Tình trạng phương tiện chở quá tải trọng vẫn còn xảy ra; vẫn còn dư luận về một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức thực thi nhiệm vụ thanh tra, tuần tra, kiểm soát có biểu hiện thiếu trách nhiệm, dung túng vi phạm, thậm chí tiêu cực, làm trái quy định”, người đứng đầu ngành GTVT thừa nhận.