Dự án xuyên biên giới
Trong 2 năm gần đây, hoạt động nhập khẩu than đá từ Lào (tại 2 tỉnh Sekong và Salavan) về Việt Nam diễn ra sôi động và được thông quan chủ yếu qua cửa khẩu quốc tế La Lay, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị.
Mỗi ngày, cửa khẩu quốc tế La Lay tiếp nhận khoảng 4.000 tấn than đá. Riêng những ngày cao điểm, khối lượng than đá thông quan có thể lên đến 12.000 tấn với 400 - 450 xe. Con số này được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Dự án Xây dựng hệ thống băng tải vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam đoạn trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam tại xã A Ngo, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị do Công ty TNHH Nam Tiến nộp hồ sơ đề xuất ngày 26/3 vừa qua. Mục tiêu dự án nhằm giúp rút ngắn thời gian, tăng lưu lượng than được thông quan; giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường tại khu vực cửa khẩu.
Mỏ than đá Kaleum, tỉnh Sê Kong (Lào), một trong những mỏ than có trữ lượng lớn được khai thác và vận chuyển về Việt Nam qua cửa khẩu La Lay. |
Theo đề xuất, đường băng tải than của dự án sẽ cắt qua đường biên giới tại cặp cửa khẩu quốc tế La Lay (Quảng Trị) - La Lay (Salavan, Lào) dài khoảng 5,5 km; công suất dự kiến 6.000 tấn/giờ. Điểm đầu băng tải tại kho bãi ở Lào, cách cửa khẩu La Lay khoảng 200 m; điểm cuối tại kho bãi tại xã A Ngo, huyện Đakrông, cách cửa khẩu La Lay 4,4 km.
Dự án có tổng mức đầu tư đề xuất 1.489,2 tỷ đồng, với nhu cầu sử dụng đất 23,82 ha; dự kiến xây dựng giữa năm 2024 và khai thác trong năm 2025.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Lê Đức Tiến cho biết, dự án Xây dựng hệ thống băng tải vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam đoạn trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam tại xã A Ngo, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị là dự án lớn và quan trọng đối với tỉnh.
“Chủ trương đầu tư đoạn tuyến cắt qua đường biên giới giữa Lào và Việt Nam cũng đã được Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào chấp thuận từ tháng 1/2024. Dự án đã được Ban thường vụ Tỉnh uỷ, UBND tỉnh quyết liệt chỉ đạo, yêu cầu hoàn thiện công tác lập, thẩm định chấp thuận chủ trương đầu tư trong tháng 3/2024. Tuy nhiên đến nay các thủ tục liên quan vẫn chưa đạt tiến độ yêu cầu”, Phó chủ tịch Lê Đức Tiến thông tin.
Được biết, để đẩy nhanh tiến độ dự án, hiện nay UBND tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương liên quan khẩn trương nghiên cứu hồ sơ, tham gia ý kiến về dự án. Đồng thời, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thẩm định, báo cáo các vướng mắc khó khăn, tham mưu UBND tỉnh xử lý, triển khai các bước tiếp theo đảm bảo các quy định.
Băn khoăn năng lực tài chính nhà đầu tư
Mới đây, sau khi xem xét đề xuất dự án, Sở Tài chính Quảng Trị đã có ý kiến liên quan đến việc thẩm định vốn và năng lực tài chính nhà đầu tư.
Sở Tài chính Quảng Trị cho biết, đối với các dự án có quy mô sử dụng đất từ 20 ha trở lên, vốn chủ sở hữu thực hiện dự án tối thiểu 15% trên tổng mức đầu tư. Tại văn bản đề nghị thực hiện dự án ngày 9/5/2024 vừa qua, nhà đầu tư đề xuất thực hiện dự án có vốn chủ sở hữu 297,8 tỷ đồng (chiếm 20% tổng mức đầu tư), đảm bảo tỷ lệ vốn chủ sở hữu tham gia dự án.
Về năng lực tài chính, theo dữ liệu, Công ty TNHH Nam Tiến được Sở Kế hoạch và Đầu tư Thái Nguyên cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu ngày 22/3/2006; thay đổi lần thứ 10 vào ngày 23/4/2020. Doanh nghiệp có vốn điều lệ 165 tỷ đồng.
Theo Sở Tài chính Quảng Trị, hiện nay, Công ty TNHH Nam Tiến cũng đã cung cấp báo cáo tài chính năm 2022 và năm 2023, đã được kiểm toán độc lập. Theo báo cáo, một số chỉ tiêu tài chính cuối ngày 31/3/2024 được xác định như sau: Vốn chủ sở hữu doanh nghiệp là 384,3 tỷ đồng; trong đó vốn góp 268 tỷ đồng; vốn khác chủ sở hữu 70 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 46,3 tỷ đồng; vốn lưu động còn lại 227,5 tỷ đồng.
Tiền và các khoản tương đương đương tiền của doanh nghiệp 70,8 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn 1.175,9 tỷ đồng; nợ ngắn hạn phải trả 1.232,5 tỷ đồng; hàng hóa tồn kho 193,6 tỷ đồng; tỷ lệ nợ phải trả /vốn chủ sở hữu 3,27 lần (trong đó, năm 2023 là 3,99 lần và năm 2022 là 1,39 lần).
Cửa khẩu quốc tế La Lay, tỉnh Quảng Trị. |
Sở Tài chính Quảng Trị nhận định, các chỉ số tài chính cho thấy Công ty TNHH Nam Tiến phụ thuộc vào nguồn vốn vay và nợ thuê tài chính để hoạt động. Với hệ số lớn hơn 3 qua nhiều năm, không có giải pháp khắc phục có thể dẫn đến nguy cơ Công ty bị phá sản.
Cũng theo Sở Tài chính Quảng Trị, báo cáo tình hình sử dụng vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư ngày 10/4/2024 cho thấy, tổng vốn chủ sở hữu 384,3 tỷ đồng. Trong đó, kế hoạch sử dụng vốn của Công ty cho dự án Kho bãi tập kết hàng hóa thôn A Đeng xã A Ngo huyện Đakrông là 156,6 tỷ đồng; dùng cho dự án Xây dựng hệ thống băng tải vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam đoạn trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam là 223,4 tỷ đồng; các hoạt động khác 4,3 tỷ đồng.
Sở Tài chính Quảng Trị nhận xét: “Dự án có vốn chủ sở hữu đề xuất 297,8 tỷ đồng; vốn theo quy định 223,4 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu hiện có 384,3 tỷ đồng và vốn lưu động còn lại 227,5 tỷ đồng. Về mặt lý thuyết, nhà đầu tư đảm bảo vốn chủ sở hữu tham gia dự án khi Công ty có giải pháp triệt để, để thu được các khoản phải thu ngắn hạn, kết hợp biện pháp bán hàng tồn kho để thu hồi vốn và lượng tiền, các khoản tương đương tiền còn lại thì đảm bảo vốn góp theo quy định tối thiểu là 223,4 tỷ đồng”.
Bên cạnh vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư tham gia dự án đề xuất, vào ngày 16/4/2024 vừa qua, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Thái Nguyên cũng đã có văn bản cam kết thu xếp tài chính cho Công ty TNHH Nam Tiến số tiền 1.191,4 tỷ đồng để thực hiện dự án khi Công ty đáp ứng đầy đủ các điều kiện về cấp tín dụng và bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật.
Sở Tài chính Quảng Trị cho rằng, tổng vốn đã được thẩm định cho dự án là 1.414,8 tỷ đồng. Bao gồm, 223,4 tỷ đồng (theo báo cáo tình hình sử dụng vốn góp của chủ đầu tư) cộng với 1.191,4 tỷ đồng vốn vay theo cam kết của ngân hàng. So với tổng mức đầu tư dự án đề xuất 1.489,2 tỷ đồng, số vốn còn thiếu cho dự án là 74,4 tỷ đồng. Do vậy, Sở Tài chính Quảng Trị đề nghị Công ty TNHH Nam Tiến cần xây dựng phương án bố trí đủ vốn để đảm bảo theo tổng mức đầu tư đã đề xuất.