Với khoản lỗ lớn trong năm nay, lỗ luỹ kế của Hùng Vương đã tăng lên mức 892 tỷ đồng |
Cụ thể, theo công bố báo cáo tài chính hợp nhất qúy IV/2019 với doanh thu giảm gần 59%, chỉ đạt 687 tỷ đồng. Công ty cũng lâm vào cảnh kinh doanh dưới giá vốn khi lỗ gộp hơn 36 tỷ đồng.
Cùng kỳ năm trước, Hùng Vương ghi nhận doanh thu tài chính bất thường 229 tỷ đồng và khoản lợi nhuận khác 152 tỷ đồng trong khi năm nay không phát sinh.Cùng với đó, tổng các chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp trong qúy IV/2019 là gần 190 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ.
Các yếu tố này dẫn đến lợi nhuận trước thuế quý IV/2019 giảm sâu từ 416 tỷ xuống còn 237 tỷ đồng, lỗ ròng gần 242 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm tài chính 2019, Hùng Vương đạt doanh thu thuần gần 3.952 tỷ đồng, giảm hơn 51% và lỗ ròng đến 476 tỷ đồng.
Với khoản lỗ lớn trong năm nay, lỗ luỹ kế của Hùng Vương đã tăng lên mức 892 tỷ đồng. Tính đến 30/9/2019, vốn chủ sở hữu của Hùng Vương co lại còn 1.563 tỷ đồng từ mức 2.143 tỷ đồng hồi đầu năm tài chính.
Cuối năm tài chính 2019, doanh nghiệp này ghi nhận lượng nợ phải trả gần 7.214 tỷ đồng, tăng 12% (tương ứng 773 tỷ đồng) so với đầu năm. Phần tăng lên chủ yếu là tiền phải trả người bán ngắn hạn, tăng từ 2.475 tỷ đồng lên đến 3.417 tỷ đồng.
Riêng tổng lượng nợ vay của Hùng Vương vào cuối năm tài chính 2019 là 3.062 tỷ đồng, gần gấp đôi vốn chủ sở hữu. Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là chủ nợ lớn nhất của Hùng Vương, với tổng cho vay hơn 2.005 tỷ đồng, tiếp đến là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) với gần 601 tỷ đồng.
Trái ngược với kết quả kinh doanh bê bết, cổ phiếu HVG đã tăng liên tiếp 9 phiên gần nhất và thuộc nhóm cổ phiếu nông nghiệp trên sàn HOSE được cải thiện đáng kể về thanh khoản trong tuần giao dịch (từ 21 - 25/10) ghi nhận đạt mức tăng khối lượng giao dịch bình quân tới hơn 570%, đạt hơn 2 triệu đơn vị/phiên.