Không ảnh hưởng đến chiến lược dài hạn
Thông tin trên vừa được ông Đặng Triệu Hòa, Chủ tịch HĐQT Sợi Thế Kỷ chia sẻ trong buổi gặp gỡ các nhà đầu tư tại Tây Ninh. Thời gian tới, Sợi Thế Kỷ sẽ công bố chính thức nội dung này.
Tháng 10/2017, Ban lãnh đạo Sợi Thế Kỷ thông qua Nghị quyết hợp tác cùng E.DYE Việt Nam thực hiện dự án sản xuất sợi màu tại nhà máy Tây Ninh, với tổng vốn đầu tư trên 161 tỷ đồng. Theo đó, Sợi Thế Kỷ và E.DYE Việt Nam góp lần lượt 60,51% và 34,49% vốn, phần còn lại gần 72 tỷ đồng sẽ do E.DYE Việt Nam phụ trách vay.
“Bắt tay hụt” với E.DYE Việt Nam không ảnh hưởng đến kế hoạch lợi nhuận năm 2018 của Sợi Thế Kỷ vượt từ 5-10% |
Cũng với hình thức Hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC), tại Dự án sản xuất sợi màu 8,8 triệu USD tại huyện Củ Chi (TP.HCM), Sợi Thế Kỷ góp 72% vốn, E.DYE Việt Nam góp 28% vốn. Phần còn lại cũng do E.DYE phụ trách vay.
Như vậy, với cả hai dự án trên, Sợi Thế Kỷ đều chịu trách nhiệm chủ động nguồn vốn nhiều hơn. Đại diện Sợi Thế Kỷ tỏ ra tự tin với việc dù “chia tay” E.DYE Việt Nam, nhưng chắc chắn không để ảnh hưởng đến chiến lược dài hạn với sợi màu có lợi nhuận gộp ở mức 20%, gấp đôi so với các sản phẩm còn lại.
Theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của Ban Quản lý khu kinh tế Tây Ninh công bố tháng 1/2018, dự án sản xuất sợi màu tại Tây Ninh có quy mô 111,5 tấn/năm. Ngoài ra, theo tiến độ thực hiện, dự án sẽ được lắp đặt máy móc/thiết bị vào tháng 5/2018 và chính thức hoạt động từ tháng 6/2018. Như vậy, kế hoạch này đã không hoàn thành.
E.DYE Việt Nam là liên doanh giữa Sợi Thế Kỷ với E.DYE Limited (Hồng Kông) để hợp tác thực hiện 2 dự án trên. Theo đó, thế mạnh cũng như vai trò chính của E.DYE Việt Nam sẽ trong phòng thí nghiệm, nghĩa là nghiên cứu màu cho các sản phẩm sợi màu và bao tiêu một phần thành phẩm do Sợi Thế Kỷ chịu trách nhiệm sản xuất.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, bà Nguyễn Phương Chi, Giám đốc chiến lược của Sợi Thế Kỷ cho biết, đến nay, hai đơn vị chưa tìm được tiếng nói chung trong việc nghiên cứu, thương mại hóa sản phẩm. “E.DYE Việt Nam nghiên cứu và đưa ra các sản phẩm độc đáo như màu tro, màu khói, nhưng chúng tôi đánh giá quy mô thị trường của các sản phẩm này không lớn. Điều này có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của Công ty. Sợi Thế Kỷ đang cân nhắc tìm kiếm đối tác khác để thay thế vị trí của E.DYE Việt Nam”, bà Chi nói.
Cùng với đó, Sợi Thế Kỷ sẽ tự mua loại máy bơm màu (việc này trước đó do E.DYE Việt Nam chịu trách nhiệm mua) để cùng hệ thống máy móc hiện có của Công ty đảm bảo quá trình tự sản xuất sợi màu.
Tập trung vào chất
Chủ tịch Sợi Thế Kỷ, ông Đặng Triệu Hòa chia sẻ: “Dù có thể không hợp tác với E.DYE Việt Nam tại 2 dự án trên, nhưng chúng tôi vẫn là bạn bè của nhau”. Trong Đại hội cổ đông được tổ chức hồi tháng 4/2017, ông Đặng Triệu Hòa cho rằng, Công ty đang bắt đầu quá trình tập trung vào yếu tố “chất”, thay vì “lượng” để tăng thị phần. Do đó, sẽ chú trọng đầu tư vào nhóm sản phẩm sợi màu, sợi tái chế. Ngoài 2 dự án trên, Sợi Thế Kỷ sẽ đưa vào hoạt động Dự án Trảng Bảng 5 từ tháng 9/2018, khi tăng 10% công suất sợi DTY (sợi xơ dài), đạt 3.300 tấn và một dây chuyền sợi tái chế 1.500 tấn.
“Là công ty niêm yết, chúng tôi phải đảm bảo lợi ích cao nhất cho cổ đông. Không thể sản xuất sản phẩm màu có quá ít nhu cầu như màu tím, xanh đọt chuối như E.DYE Việt Nam đề xuất. Điều đó có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận toàn Công ty”, Chủ tịch Sợi Thế Kỷ chia sẻ.
Được biết, Ban lãnh đạo Sợi Thế Kỷ đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2018 lần lượt là 2.354 tỷ đồng và 125,8 tỷ đồng, không bao gồm các dự án đang triển khai đã đề cập ở trên. Nửa đầu năm 2018, hai chỉ tiêu trên đã đạt 50% và 67% kế hoạch với 994,6 tỷ đồng doanh thu cùng mức lãi 83 tỷ đồng. Sợi Thế Kỷ kỳ vọng có thể vượt 5-10% kế hoạch lợi nhuận.