Tuy nhiên, trong nửa cuối năm nay, Công ty đối mặt không ít khó khăn do giãn cách xã hội để phòng chống Covid-19.
Tăng trưởng mạnh trên nền thấp của năm 2020
Trong nửa đầu năm 2021, báo cáo tài chính của Sợi Thế Kỷ cho thấy, doanh thu thuần hợp nhất đạt 1.077 tỷ đồng, tăng 24% so với nửa đầu năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế tăng gấp 2,5 lần cùng kỳ năm 2020, đạt 140,9 tỷ đồng.
Kết quả khả quan đến từ sự tăng trưởng ở cả sản lượng và giá bán trong bối cảnh các thị trường xuất khẩu dệt may chính của Việt Nam như Mỹ, EU phục hồi. Trong đó, doanh thu bán sợi tái chế tăng cao hơn cùng kỳ cũng giúp biên lợi nhuận được cải thiện so với cùng kỳ.
Báo cáo cho biết, riêng trong quý II/2021, doanh thu từ sợi tái chế đạt 283 tỷ đồng, tăng 177% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 56% cơ cấu doanh thu.
Sự gia tăng tỷ trọng sợi tái chế (có biên lợi nhuận cao) và giảm tỷ trọng sản phẩm sợi nguyên sinh (có biên lợi nhuận thấp hơn) giúp biên lợi nhuận gộp của Công ty đạt 19,4% trong quý II/2021, tăng 11,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái.
Sự phục hồi mạnh về sản lượng tiêu thụ trong nửa đầu năm nay trên nền so sánh thấp của cùng kỳ năm 2020 cũng giúp cải thiện biên lợi nhuận.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021, Ban lãnh đạo Sợi Thế Kỷ đã trình và được cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay với 2.357,8 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 33,5% so với kết quả năm 2020; lợi nhuận sau thuế 248,2 tỷ đồng, tăng 72%.
Như vậy, kết thúc nửa đầu năm, Công ty đã hoàn thành 46% mục tiêu về doanh thu và gần 57% mục tiêu về lợi nhuận. Tuy nhiên, khả năng về đích kế hoạch kinh doanh cả năm vẫn đang chịu áp lực lớn từ đợt dịch Covid-19 lần thứ tư.
Covid-19 làm gián đoạn sản xuất và vận chuyển
Sau khởi đầu tích cực trong nửa đầu năm, bước sang nửa cuối năm 2021, tình hình kinh doanh của Sợi Thế Kỷ khó khăn hơn do ảnh hưởng của Covid-19.
Sợi Thế Kỷ có một nhà máy tại Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi (TP.HCM) và một nhà máy tại Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh). Do ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư, từ ngày 15/7/2021, Công ty đã thực hiện “3 tại chỗ” tại các nhà máy Trảng Bàng và Củ Chi.
Việc áp dụng giải pháp này làm tăng chi phí sản xuất, trong khi công suất sản xuất chỉ đạt khoảng 70%. Bên cạnh đó, hoạt động vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất trong vùng dịch cũng khó khăn và tốn kém hơn, nên ảnh hưởng đáng kể đến kết quả kinh doanh.
Về dài hạn, triển vọng kinh doanh của Công ty vẫn được đánh giá khả quan nhờ việc đi trước trong lĩnh vực cung cấp sợi tái chế vốn đang có triển vọng tăng trưởng sáng.
Cụ thể, tháng 4/2021, có tới 85 thương hiệu và nhà sản xuất hàng đầu trong lĩnh vực dệt may như Adidas, Inditex, IKEA, H&M… đã tham gia thử thách “2025 Recycled Polyester Challenge” với cam kết nâng tỷ trọng tiêu thụ sợi polyester tái chế trên toàn cầu từ 14% vào năm 2020 lên 45% vào năm 2025. Tổ chức Textile Exchange dự báo, sản lượng tiêu thụ polyester tái chế toàn cầu sẽ tăng gấp gần 4 lần trong giai đoạn 2020 - 2025.
Sự hấp dẫn của mảng kinh doanh này có thể khiến nhiều công ty mới tham gia, song việc đầu tư và xây dựng được thị phần sớm vẫn là lợi thế cạnh tranh của Sợi Thế Kỷ.
Để đón đầu triên vọng thị trường cũng như thực hiện chủ trương tăng tỷ trọng sợi tái chế, Sợi Thế Kỷ đã thông qua kế hoạch đầu tư Dự án Nhà máy sợi Unitex sản xuất sợi tái chế và các loại sợi có giá trị gia tăng cao, với công suất 60.000 tấn, vốn đầu tư khoảng 120 triệu USD. Giai đoạn I của Dự án đi vào hoạt động năm 2023 với công suất 36.000 tấn. Giai đoạn II dự kiến đi vào hoạt động năm 2025 với công suất 24.000 tấn. Khi hoàn tất, dự án này sẽ giúp nâng công suất của Sợi Thế Kỷ lên gấp đôi so với hiện nay.
Để bổ sung vốn thực hiện, Đại hội đồng cổ đông năm 2021 của Công ty cũng thông qua phương án phát hành 13,6 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, để huy động 136 tỷ đồng.
Mới đây, Sợi Thế Kỷ đã đón nhận tin tức tích cực liên quan thuế chống bán phá giá.
Thứ nhất, Bộ Công thương đã sơ bộ kết luận các sản phẩm sợi dài làm từ polyester có xuất xứ từ Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Malaysia đang bán phá giá vào Việt Nam và áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời (Quyết định 2080/QĐ-BCT ngày 31/8/2021 của Bộ Công thương). Việc này được kỳ vọng sẽ giúp giá bán và sản lượng tiêu thụ của Sợi Thế Kỷ tại thị trường nội địa được cải thiện.
Thứ hai, Bộ Thương mại Mỹ đã thông báo kết luận sơ bộ vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm sợi dún polyester (PTY) của Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Malaysia. Theo đó, Sợi Thế Kỷ chịu mức thuế chống bán phá giá 2,67% - thuộc nhóm thấp nhất được áp dụng. Điều này sẽ giúp Công ty tăng lợi thế cạnh tranh tại thị trường Mỹ.