Bấp bênh thu - chi tài chính
Quan sát diễn biến thu nhập tài chính và chi phí tài chính của Sợi Thế Kỷ trong thời gian qua, có thể thấy, đây là một trong những chỉ số tài chính trồi sụt rất khó đoán định.
Tại báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2018, chi phí tài chính của Sợi Thế Kỷ lên tới 53,4 tỷ đồng, tăng tới 79% so với chi phí tài chính năm 2017. Trong cơ cấu chi phí tài chính, một phần lý do khiến chi phí tài chính tăng cũng có sự đóng góp của chi phí lãi vay, nhưng mức độ tăng của chi phí lãi vay trong năm 2018 thực tế không lớn, chỉ tăng khoảng 5,45%. Trong khi đó, chi phí tài chính đã loại bỏ chi phí lãi vay trong năm 2018 của Sợi Thế Kỷ đã tăng tới 960,9%.
Bước sang quý I/2019, chi phí tài chính của Sợi Thế Kỷ không có biến động quá lớn so với cùng kỳ năm 2018, nhưng doanh thu hoạt động tài chính có chiều hướng tăng mạnh. Cụ thể, chi phí tài chính giảm 13,4%, còn doanh thu tài chính tăng 96,6%. Nếu quan sát kỹ cơ cấu chi phí tài chính, thì mặc dù tổng chi phí tài chính giảm không lớn, nhưng chi phí tài chính khi đã loại bỏ chi phí lãi vay lại có biến động rất mạnh, giảm tới 89,2%.
Kịch tính của “game” liên quan đến tài chính của Sợi Thế Kỷ trong năm 2019 có thể chưa xuất hiện, bởi “điểm rơi” của các biến động thu - chi hoạt động tài chính của doanh nghiệp này diễn ra không đồng đều giữa các kỳ trong năm. Nhìn lại năm 2018, chi phí tài chính của Sợi Thế Kỷ tăng mạnh nhất trong quý III/2018, lớn gấp 2,64 lần so với quý I/2018. Trong khi đó, doanh thu hoạt động tài chính năm ngoái rơi chủ yếu vào quý IV/2018, với giá trị tăng gấp 8 lần so với quý I/2018.
. |
“Game” tỷ giá
Mổ xẻ sâu hơn các biến động trong cơ cấu doanh thu và chi phí tài chính của Sợi Thế Kỷ, có thể thấy, thông số chủ yếu thường tạo “sóng” đối với các khoản thu - chi tài chính trong các kỳ kế toán chính là lỗ lãi liên quan đến chênh lệch tỷ giá.
Năm 2018, lãi chênh lệch tỷ giá hối đoái của Sợi Thế Kỷ là 3,2 tỷ đồng, tăng 14,3% so với năm 2017 và lỗ chênh lệch tỷ giá của công ty này là gần 24,4 tỷ đồng, tăng 960,9%.
Liên quan đến các nghiệp vụ bằng ngoại tệ của Sợi Thế Kỷ, thuyết minh báo cáo tài chính của Công ty cho biết, các nghiệp vụ phát sinh bằng các đơn vị tiền tệ khác với đơn vị tiền tệ trong kế toán được hạch toán theo tỷ giá xấp xỉ với tỷ giá mua bán chuyển khoản trung bình của ngân hàng thương mại nơi nhóm công ty (công ty mẹ và các công ty con) thường xuyên có giao dịch. Tỷ giá xấp xỉ này không vượt quá 1% so với tỷ giá mua bán chuyển khoản trung bình. Trong khi đó, tỷ giá mua bán chuyển khoản trung bình được xác định hàng ngày trên cơ sở trung bình cộng giữa tỷ giá mua và tỷ giá bán chuyển khoản hàng ngày của ngân hàng thương mại.
Tại ngày kết thúc kỳ kế toán, các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ được đánh giá lại theo tỷ giá chuyển khoản của ngân hàng thương mại nơi nhóm công ty thường xuyên có giao dịch. Tỷ giá chuyển khoản này là tỷ giá mua chuyển khoản của ngân hàng thương mại.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về những biến động trồi sụt của các khoản lỗ - lãi về tỷ giá, đại diện Sợi Thế Kỷ cho biết, lỗ chênh lệch tỷ giá năm 2018 tăng là do tỷ giá tại thời điểm 31/12/2018 là 23.170 VND/USD, tăng 2,2% so với mức tỷ giá 22.670 VND/USD tại thời điểm 31/12/2017.
Tuy nhiên, đại diện Công ty cho rằng, các biến động này vẫn nằm trong phạm vi kế hoạch năm 2018. Cụ thể, nếu tính đến cả các khoản lãi tỷ giá thực hiện và lãi tỷ giá chưa thực hiện thì lỗ tỷ giá ròng của Sợi Thế Kỷ năm 2018 khoảng 21,2 tỷ đồng, trong đó các khoản lỗ tỷ giá ròng chưa thực hiện (liên quan đến các khoản vay ngoại tệ) chiếm khoảng 1/3 trong tổng lỗ tỷ giá năm 2018 là những khoản trích lập dự phòng trên nguyên tắc thận trọng và không ảnh hưởng tới dòng tiền mặt của Công ty.
Về những con số biến động tài chính liên quan đến ngoại tệ của Sợi Thế Kỷ, ông Trương Quang Bình, cựu Phó giám đốc Phòng phân tích, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng cho biết, Sợi Thế Kỷ là doanh nghiệp có nhiều hoạt động kinh tế liên quan cả đến việc thu lẫn chi ngoại tệ.
Trong nhu cầu chi ngoại tệ, Công ty thường có nhu cầu nhập nguyên liệu nhựa làm sợi tổng hợp, trong khi đó, đầu ra của Công ty là hoạt động bán hàng hóa được đối tác thanh toán bằng ngoại tệ.
Sợi Thế Kỷ có 5 nhà máy đã hoạt động và 1 nhà máy sắp đi vào hoạt động năm 2019, với tổng công suất 63.300 tấn/năm. Năm 2019, Sợi Thế Kỷ đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận ròng lần lượt là 2.603 tỷ đồng và 199,5 tỷ đồng, tăng lần lượt là 8% và 11% so với thực hiện năm 2018. Theo đánh giá, nếu thuận buồm xuôi gió, doanh thu và lợi nhuận thực tế năm 2019 của Sợi Thế Kỷ thậm chí có thể đạt cao hơn kế hoạch trên, do sản lượng sợi tái chế tăng, trong khi giá bán bình quân các mặt hàng duy trì ổn định.
Khách hàng chủ yếu của công ty này là các doanh nghiệp dệt may lớn trong và ngoài nước như Nike, Adidas, TCM, Shenzhou, SChori, Puma, Uniqlo… Thị trường xuất khẩu chính của Sợi Thế Kỷ bao gồm Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan, Hàn Quốc. Trong các thị trường chính, các sản phẩm của Sợi Thế Kỷ có giá bán tốt nhất tại thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan.
Bài toán quản trị rủi ro
Với tính chất hoạt động như trên, biến động tỷ giá luôn có những tác động đan xen đến cả thu nhập và chi phí của Sợi Thế Kỷ. Theo đó, trong tất cả các kỳ kế toán, doanh nghiệp này đều có cả các khoản lãi và lỗ do chênh lệch tỷ giá mang đến và các con số trồi sụt rất khác nhau qua từng kỳ.
Mặc dù vậy, nhìn tổng thể trong cả một thời kỳ dài, thì thông thường, lỗ từ chênh lệch tỷ giá của Sợi Thế Kỷ luôn vượt trội hơn so với lãi có được từ chênh lệch tỷ giá. Trong giai đoạn từ năm 2015 đến 2018, chỉ có năm 2017 là Công ty có lãi chênh lệch tỷ giá cao hơn lỗ từ biến động này, còn lại các năm khác, mức lỗ tỷ giá luôn cao gấp nhiều lần lãi tỷ giá và điều này đương nhiên đã ảnh hưởng đáng kể đến kết quả kinh doanh chung của doanh nghiệp. Cụ thể, lỗ chênh lệch tỷ giá năm 2015 cao gấp 3,6 lần lãi tỷ giá, năm 2016 lỗ tỷ giá cao gấp 20,15 lần lãi, năm 2018, lỗ tỷ giá cao gấp 7,6 lần lãi.
Thực chất, việc kiểm soát lỗ lãi tỷ giá luôn là vấn đề đau đầu đối với nhiều doanh nghiệp dệt may - nhóm doanh nghiệp có nhiều nghiệp vụ liên quan đến xuất nhập khẩu. Chẳng hạn, trong năm 2018, Công ty cổ phần Damsan lỗ chênh lệch tỷ giá gấp 3 lần lãi tỷ giá, Tập đoàn Dệt may Việt Nam có lỗ tỷ giá cao gấp gần 2 lần lãi tỷ giá, Công ty cổ phần Đầu tư thương mại TNG có lỗ tỷ giá gấp hơn 1,6 lần lãi tỷ giá… Tuy nhiên, mức lỗ so sánh với lãi tỷ giá của Sợi Thế Kỷ vẫn cao hơn khá nhiều so với các doanh nghiệp trên và điều này cũng đặt ra đối với Sợi Thế Kỷ về yêu cầu nâng cao khả năng quản trị tài chính liên quan đến tỷ giá.
Việc các doanh nghiệp bị lỗ tỷ giá lớn cho thấy, yêu cầu nghiệp vụ liên quan đến quản trị rủi ro tỷ giá chưa thực sự đạt được tối ưu, ảnh hưởng chung đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Đơn cử, trường hợp Sợi Thế Kỷ, hiệu số giữa lỗ/lãi tỷ giá năm 2018 lên tới hơn 21,2 tỷ đồng, chiếm hơn 10,6% lợi nhuận trước thuế.
Theo các chuyên gia tài chính, để giảm rủi ro liên quan đến biến động tỷ giá, các doanh nghiệp có thể sử dụng nghiệp vụ hedging (phòng vệ).
Nghiệp vụ hedging trên thị trường ngoại hối là phương pháp giảm rủi ro khi giao dịch ngoại hối bằng cách bảo hiểm tài sản khỏi sự biến động giá không mong muốn. Thông thường, khi xu hướng trên thị trường thay đổi đột ngột, cần phải mở hai quyền chọn theo xu hướng mới đối lập với một quyền chọn theo xu hướng đã lỗi thời. Điều này có nghĩa, hedging một lệnh bán trong trường hợp thay đổi xu hướng trên thị trường bằng cách mở hai quyền chọn mua và ngược lại.