Tiền huy động đổi hướng
Sợi Thế Kỷ đang thực hiện đợt huy động vốn với quy mô tới 65,9 tỷ đồng. Mục đích huy động vốn ban đầu của đợt phát hành này là đầu tư cho Dự án Trảng Bàng 5 để tăng công suất sợi DTY (Draw Textured Yarn) và Polyester Chip (tái chế sợi phế) để sản xuất sợi tái chế. Tổng giá trị vốn đầu tư dự kiến cho nhà máy này lên tới 125 tỷ đồng, bao gồm máy móc, thiết bị và tiền đất, công trình nhà xưởng.
Trảng Bàng 5 là dự án mở rộng trên cơ sở nhà máy đã có trước đó của Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ. |
Sản lượng dự kiến hàng năm của Nhà máy là 3.300 tấn sợi DTY và 1.500 tấn sợi Polyester Chip. Khi Nhà máy hoàn thành, doanh thu dự kiến đạt 162,5 tỷ đồng, trong đó, doanh thu từ sản phẩm DTY là 123,4 tỷ đồng và từ sản phẩm Polyester Chip là 32,8 tỷ đồng.
Ngoài mục đích nâng cao tỷ trọng trong doanh thu của các sản phẩm có giá trị tăng cao (trong đó có sợi sử dụng nguyên liệu tái chế), đại diện doanh nghiệp này cho biết, Sợi Thế Kỷ cũng sẽ mở rộng và chiếm lĩnh thị phần ở các phân khúc tầm trung và tầm thấp, đồng thời thực hiện kiểm soát chi phí để hạ giá thành sản xuất.
Tuy nhiên, tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 vừa qua, cổ đông cũng đã xem xét và thông qua việc điều chỉnh mục đích sử dụng vốn từ đợt phát hành trên. Lý do là, việc phát hành kéo dài, trong khi vốn huy động cho Dự án Trảng Bàng 5 đã được Công ty giải quyết đúng thời hạn, nên số tiền thu được từ đợt phát hành sẽ dùng để bổ sung vốn kinh doanh.
Duyên nợ Trảng Bàng 5
Với những kỳ vọng đặt ra, Sợi Thế Kỷ tỏ ra tin tưởng vào việc đầu tư cho Trảng Bàng 5. Tuy nhiên, một trong những điều được giới đầu tư quan tâm là liệu Công ty có đặt gáng nặng quá lớn lên dự án này, bởi bức tranh kinh doanh không phải luôn sáng màu, đặc biệt với sự pha loãng sau quá trình đầu tư.
Đại diện Sợi Thế Kỷ cho biết, thực tế, Công ty không tăng công suất quá nhiều, nên doanh nghiệp sẽ không gặp bất kỳ khó khăn nào trong việc tìm kiếm nhu cầu thị trường. Do đó, dự án này sẽ góp phần tăng lợi nhuận của Công ty (dự kiến làm lợi nhuận tăng thêm 6%).
Về vấn đề pha loãng cổ phiếu sau tăng vốn, Sợi Thế Kỷ cho biết, thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) năm 2018 đạt gần 3.000 đồng/cổ phiếu. Do đó, trong năm 2019, Công ty nếu đạt được mức lợi nhuận dự kiến là 200 tỷ đồng, thì EPS sẽ ở mức khoảng 2.800 đồng/cổ phiếu… Con số này cho thấy, ảnh hưởng pha loãng là có, nhưng không nhiều.
Theo doanh nghiệp này, để giải quyết vấn đề pha loãng cổ phiếu, Công ty sẽ bù đắp lợi ích cho cổ đông bằng chính sách cổ tức. Cụ thể, cổ tức năm tài chính 2018 (sẽ được chi trả trong năm 2019) và Hội đồng Quản trị cũng đề xuất với đại hội cổ đông năm 2019 là không phát hành cổ tức bằng cổ phiếu, thay vào đó là trả bằng tiền mặt với tỷ lệ 15%.
Kỳ vọng là vậy, nhưng bên cạnh nỗ lực tìm kiếm khai thác thị trường tiêu thụ khi nâng năng lực sản xuất, đương nhiên, Công ty cũng phải nhọc tâm với nhiều vấn đề tài chính khác.
Theo kế hoạch ban đầu, việc đầu tư cho Trảng Bàng 5 được sử dụng với 50% là vốn huy động từ cổ đông và khoảng 50% là vốn vay. Với số tiền cần phải đi vay thêm để đầu tư cho Dự án, mỗi năm, Sợi Thế Kỷ phải gánh thêm khoảng 5 tỷ đồng tiền trả lãi vay. Trong khi đó, nếu như vốn phát hành được sử dụng vào mục đích khác, thì áp lực vốn vay của Dự án Trảng Bàng 5 có thể còn lớn hơn. Thực tế, việc tăng chi phí tài chính cũng là một trong những vấn đề cần quan tâm đối với Sợi Thế Kỷ từ năm 2018 và nếu không kiểm soát tốt trong năm 2019 thì vấn đề này có thể ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.