Kinh tế Mỹ hạ cánh mềm, chính sách xoay trục của Fed và tăng trưởng vững chắc tại châu Á
Khối Dịch vụ Ngân hàng Tư nhân Toàn cầu HSBC (HSBC GPB) vừa công bố triển vọng đầu tư nửa đầu năm 2024 chỉ ra các cơ hội trong thế giới đầy biến động. Các yếu tố đáng chú ý trong nửa đầu năm 2024 được HSBC GPB chỉ ra gồm kỳ vọng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trong tháng 6/2024, kinh tế Mỹ hạ cánh mềm, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp được phục hồi và tăng trưởng vững chắc tại châu Á. Điều này sẽ cải thiện khẩu vị rủi ro toàn cầu cũng như triển vọng đầu tư tại các thị trường chứng khoán và trái phiếu trong năm 2024.
“Trong 6 tháng tiếp theo, HSBC GPB sẽ áp dụng chiến lược đầu tư chấp nhận rủi ro vừa phải với việc giảm tỷ trọng đầu tư tiền mặt, tăng nhẹ tỷ trọng đầu tư công cụ nợ của Chính phủ Mỹ và trái phiếu cấp đầu tư toàn cầu, và tăng tỷ trọng đầu tư chiến thuật đối với các quỹ phòng hộ”.
Với chiến lược trung lập trên thị trường chứng khoán toàn cầu, HSBC GPB cho biết sẽ tăng tỷ trọng đầu tư với cổ phiếu Mỹ, các thị trường mới nổi Châu Á và Mỹ La tinh. Tại thị trường chứng khoán Châu Á không tính Nhật, các mã cổ phiếu hàng đầu/ đầu ngành (leader) được ưa chuộng và có tỷ trọng đầu tư tương đối tại Ấn Độ, Indonesia và Hàn Quốc. Cổ phiếu Hồng Kông và Trung Quốc đại lục được giữ thái độ trung lập, tập trung vào các cơ hội trong ngành tiêu dùng dịch vụ. Trong khi đó, HSBC GPB giữ quan điểm tích cực đối với đồng Đô la Mỹ nhờ sự hỗ trợ của lợi suất thực cao, chênh lệch tăng trưởng và nhu cầu trú ẩn an toàn do sự bất ổn địa chính trị gây ra.
Theo bà Fan Cheuk Wan, Giám đốc Đầu tư khu vực Châu Á, Khối Dịch vụ Ngân hàng Tư nhân Toàn cầu của HSBC, có 2 động lực tích cực hỗ trợ các thị trường tài chính toàn cầu. Phần lớn các ngân hàng trung ương phương Tây đã hoàn thành chu kỳ tăng lãi suất trong bối cảnh lạm phát tiếp tục giảm và kinh tế Mỹ nhiều khả năng hạ cánh mềm.
Hai chiều hướng tích cực này sẽ giúp khẩu vị rủi ro toàn cầu hồi phục trong năm 2024. Chuẩn bị sẵn sàng cho sự tăng trưởng toàn cầu chậm nhưng tích cực hơn và việc Fed bắt đầu giảm lãi suất từ tháng 6/2024, đầu tư tiền mặt vào trái phiếu chất lượng, cổ phiếu Mỹ và Châu Á cũng như các sản phẩm thay thế sẽ mang lại nguồn lợi nhuận và thu nhập đa dạng để tối ưu hóa hiệu suất danh mục đầu tư và giảm thiểu biến động thị trường.
Xu hướng tích lũy tài sản tư nhân mạnh mẽ tại Châu Á, người tiêu dùng trung lưu gia tăng, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh mang lại những động lực nội tại vững chắc hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế vững mạnh. HSBC GPB dự báo GDP của Châu Á không kể Nhật Bản sẽ tăng 4,5% vào năm 2024, gần gấp đôi mức tăng trưởng trung bình toàn cầu là 2,4%, dẫn đầu bởi Ấn Độ với mức tăng trưởng 6,0%, theo sau là Indonesia với 5,2% và mức tăng trưởng 4,9% của Trung Quốc trong năm nay.
Chúng tôi yêu thích những thị trường Châu Á này với động lực chu kỳ tích cực và những câu chuyện tăng trưởng cấu trúc mạnh mẽ. Trong đó, Ấn Độ và Indonesia được đánh giá là “nổi bật với những câu chuyện tăng trưởng cấu trúc thú vị nhất ở Châu Á nhờ hưởng lợi từ những thuận lợi như đa dạng hóa chuỗi cung ứng, sự gia tăng của tầng lớp tiêu dùng trung lưu, dòng vốn FDI mạnh mẽ và dân số trẻ”.
Bốn ưu tiên đầu tư trong nửa đầu năm 2024
Với các yếu tố trên, HSBC GPB chỉ ra bốn ưu tiên đầu tư trong nửa đầu năm 2024, bao gồm hướng đầu tư kéo dài kỳ hạn trái phiếu trước khi nới lỏng chính sách, tăng nắm giữ cổ phiếu Mỹ, phòng ngừa rủi ro thông qua các sản phẩm thay thế, đầu tư đa tài sản và chiến lược đối phó với biến động và đa dạng hóa nắm giữ cổ phiếu các thị trường mới nổi thông qua các mã cổ phiếu tăng trưởng hàng đầu.
Kéo dài kỳ hạn trái phiếu trước khi nới lỏng chính sách: Theo bà Fan Cheuk Wan, Giám đốc Đầu tư khu vực Châu Á, Khối Dịch vụ Ngân hàng Tư nhân Toàn cầu của HSBC, Fed đã kết thúc chu kỳ tăng lãi suất và thị trường có xu hướng phục hồi tốt trước đợt hạ lãi suất đầu tiên. Cắt giảm lãi suất sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận tiền mặt, nhưng lại thúc đẩy triển vọng đầu tư cho thị trường trái phiếu.
“Chúng tôi vừa mới kéo dài kỳ hạn trái phiếu sang trung đến dài hạn (7-10 năm) đối với các công cụ nơ của Chính phủ Mỹ, đồng thời vẫn giữ ưu tiên trung hạn (5-7 năm) đối với trái phiếu doanh nghiệp cấp đầu tư toàn cầu”, bà Fan cho hay.
Gia tăng nắm giữ cổ phiếu Mỹ để hưởng lợi từ hạ cánh mềm: Bà Fan lưu ý rằng nền kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động tốt hơn so với quan điểm đồng thuận về đà giảm. Định giá cổ phiếu công nghệ cao được đảm bảo bởi sự tăng trưởng cấu trúc mạnh mẽ và lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu cao trong các phân khúc tăng trưởng cao như AI tạo sinh (generative AI) & robot, và vận tải năng lượng mới.
Sự phục hồi của chứng khoán Mỹ do đó được kỳ vọng sẽ không chỉ ở lĩnh vực công nghệ với sự hỗ trợ của việc hạ cánh mềm. Các cổ phiếu giá trị trong các lĩnh vực công nghiệp, chăm sóc sức khỏe và hàng tiêu dùng không thiết yếu được nhắm đến. Đồng thời, HSBC GPB vẫn giữ quan điểm tích cực về đồng USD nhờ có sự hỗ trợ của lợi suất thực cao, chênh lệch tăng trưởng và nhu cầu trú ẩn an toàn do căng thẳng địa chính trị gây ra.
Phòng ngừa rủi ro thông qua các sản phẩm thay thế, đầu tư đa tài sản và chiến lược đối phó với biến động: Đại diện HSBC GPB cho rằng thị trường sẽ tiếp tục lo ngại về các rủi ro mang tính chu kỳ, lãi suất và địa chính trị. Việc phân bổ chính vào thị trường tư nhân và chiến lược đa tài sản có thể mang lại tác dụng đa dạng hóa, trong khi các quỹ phòng hộ linh hoạt có thể tận dụng sự biến động thị trường. Các chiến lược đối phó với biến động có thể giúp đưa ra quan điểm định hướng về diễn biến thị trường hoặc có thể được sử dụng để tạo thu nhập nhằm ổn định tổng lợi nhuận của danh mục đầu tư.
Đa dạng hóa nắm giữ cổ phiếu các thị trường mới nổi thông qua các mã cổ phiếu tăng trưởng hàng đầu: Bà Fan nhấn mạnh tăng trưởng tại Trung Quốc và trên toàn cầu chậm hơn, tỷ giá USD cao và đồng đô la Mỹ mạnh sẽ vẫn là những trở ngại đối với các loại tài sản thị trường mới nổi. Tuy nhiên, sự phân hoá lợi nhuận ngày càng tăng do sự phân kỳ tăng trưởng tại các thị trường mới nổi.
Lạm phát hạ nhiệt giúp các ngân hàng trung ương và người tiêu dùng Châu Á dễ thở hơn, cho phép các nhà hoạch định chính sách ở hầu hết các nền kinh tế Châu Á chấm dứt chu kỳ thắt chặt tiền tệ.
Năm xu hướng hàng đầu đang định hình lại trật tự thế giới mới
Giám đốc Đầu tư khu vực Châu Á, Khối Dịch vụ Ngân hàng Tư nhân Toàn cầu của HSBC tin rằng vẫn có nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn trên khắp thế giới bất chấp môi trường đầu tư phức tạp. HSBC GPB đã xác định năm xu hướng hàng đầu đang định hình lại trật tự thế giới mới. Hiểu rõ hơn về các động lực cấu trúc dài hạn này sẽ giúp các nhà đầu tư có thể tránh bị ảnh hưởng bởi những biến động thị trường ngắn hạn.
Châu Á trong Trật tự Thế giới Mới có thể mang đến cơ hội tăng trưởng hấp dẫn từ việc tái định hướng chuỗi cung ứng, tầng lớp tiêu dùng trung lưu và khối lượng tài sản gia tăng, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Xu hướng công nghệ đột phá tập trung vào những quốc gia tăng trưởng cấu trúc được hưởng lợi từ đổi mới công nghệ mang tính đột phá, bao gồm trí tuệ nhân tạo tạo sinh và robot, nhiên liệu thay thế và lĩnh vực hàng không vũ trụ.
Xu hướng thứ ba là hành động vì môi trường. Nguyên nhân bởi COP28 đã tạo động lực cho sự cải tiến công nghệ xanh mới, cơ sở hạ tầng xanh và đầu tư toàn cầu vào năng lượng bền vững. Xu hướng xã hội phát triển tập trung vào tăng trưởng cấu trúc, được thúc đẩy bởi đô thị hóa, chăm sóc sức khỏe và trao quyền xã hội. Cuối cùng là xu hướng đầu tư trước đợt hạ lãi suất đầu tiên của Fed mang đến cơ hội ngay trong nền kinh tế Mỹ hay việc quay lại đầu tư sản xuất tại Mỹ, thị trường tín dụng chất lượng và trái phiếu ngân hàng cấp cao của Mỹ.