Thời sự
SOM 3 – APEC: Đầu tư cho y tế là đầu tư cho phát triển
Bích Ngọc - 24/08/2017 20:10
Huy động nguồn vốn và sử dụng nguồn lực hiệu quả là hai vấn đề nổi cộm được hơn 200 đại biểu đến từ 20 nền kinh tế thành viên APEC thảo luận trong cuộc họp cao cấp APEC lần thứ 7 về y tế và kinh tế với chủ đề “Cải cách tài chính y tế vì sức khỏe cộng đồng hướng tới phát triển bền vững”, diễn ra trong hai ngày 23 và 24/8/2017 tại thành phố Hồ Chí Minh.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh tầm quan trọng của đầu tư cho y tế đồng thời chia sẻ với hội nghị những nỗ lực của Việt Nam trong việc chăm sóc sức khỏe người dân.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang đối mặt với thách thức về sức khỏe con người, già hóa dân số đang tăng và diễn biến nhanh. Do vậy, việc đầu tư cho y tế là hết sức cần thiết và cấp bách, và mọi người dân có quyền bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế với chất lượng tốt nhất.

.

Việt Nam hiện đã có hơn 82% người dân tham gia bảo hiểm y tế nhà nước và ký kết khoảng 16 triệu hợp đồng bảo hiểm với các công ty, tập đoàn khác. Chính phủ Việt Nam cũng dành một khoản tiền lớn để hỗ trợ người nghèo tham gia bảo hiểm.

Tại hội nghị, bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nêu rõ tầm quan trọng của bảo hiểm y tế toàn cầu. Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu trong phát triển y tế, các nước thành viên cần sử dụng nguồn lực tài chính một cách hiệu quả và chiến lược, thiết lập mô hình dịch vụ phù hợp, đề ra các quy định về chất lượng và an toàn dịch vụ y tế cũng như nâng cao nhận thức của người dân.

Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn khẳng định đầu tư cho sức khỏe là đầu tư cho phát triển, đầu tư đúng lúc đúng chỗ là động lực, đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế.

“Đầu tư chăm sóc sức khỏe cần được xác định là một ưu tiên trọng tâm để tăng năng suất lao động xã hội. Để ý tế được ưu tiên thích đáng, cần đánh giá, đo lường lợi ích xã hội và kinh tế từ đầu tư công cho y tế,” ông Tuấn khẳng định.

Sau 2 ngày làm việc, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận về 5 nội dung lớn và đạt được sự đồng thuận cao. Các nội dung bao gồm việc bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, công cụ đo lường lợi ích kinh tế và năng suất lao động bằng các mô hình kinh tế y tế, nguồn tài chính công từ ngân sách nhà nước và bảo hiểm y tế xã hội, nâng cao sử dụng nguồn lực và tái khẳng định cam kết thực hiện Sáng kiến vì một Châu Á Thái Bình Dương khỏe mạnh năm 2020.

Nội dung của cuộc họp lần này sẽ được đệ trình lên các nguyên thủ tham gia Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, được tổ chức tại Đà Nẵng từ ngày 6-11/11 tới.

Ý kiến chuyên gia

Rocio Casildo, vụ trưởng vụ Hợp tác quốc tế, Cộng hòa Peru

.

Các nước thành viên APEC đã cùng thảo luận rất nhiều sang kiến hợp tác trong hội nghị lần này. Chúng tôi đã cố gắng tập hợp và hệ thống hóa các chủ đề liên quan và các chủ đề này đều hướng tới phát triển bền vững. Chúng ta biết rằng Việt Nam là nước chủ nhà của APEC 2006 và đây là lần thứ 2 Việt Nam đăng cai tổ chức APEC, tôi đánh giá cao nỗ lực này của nước chủ nhà Việt Nam. Chúng ta đều thấy triển vọng cho hợp tác về kinh tế y tế trong khu vực APEC giữa các nước thành viên là vô cùng to lớn và chúng ta phải nỗ lực để biến các cơ hội thành hiện thực.

Maureen Goodenow, giám đốc Viện quốc gia nghiên cứu viện trợ về y tế tại Hoa Kỳ.

.



Tôi xin được chúc mừng Việt Nam đã tổ chức rất thành công hội nghị APEC lần thứ 7 về y tế và kinh tế cũng như tổ chức các đối thoại về chính sách có liên quan. Các chủ đề mà chúng ta đề cấp tới mặc dù đều là các chủ đề kinh điển nhưng nó lại tạo dựng ra các chương trình rất sáng tạo. Chúng ta đang xem xét các vấn đề về tính không hiệu quả trong hệ thống y tế và chúng ta cùng nhau thảo luận xem mỗi một nền kinh tế cần phải giải quyết vấn đề đó như thế nào. Chúng ta cùng nhất trí là đầu tư vào y tế là đầu tư cho sức khỏe và sự thịnh vượng nói chung, nó cũng là sự đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế. Đối với Việt Nam nói riêng, tôi nghĩ, để đầu tư vào y tế hiệu quả, các bạn cần phải làm sao để sử dụng đồng đô la một cách thông thái nhất, chú ý tới cách thức chi tiêu và chủ động trong điều hành ngân sách Nhà nước. Tính hiệu quả của hệ thống y tế, đầu tư vào y tế là đầu tư cho sức khỏe và sự thịnh vượng nói chung và cần thiết cho mỗi nền kinh tế thành viên.

Kathryn Clemans, cố vấn đoàn chủ tịch của Diễn đàn sáng kiến khoa học và đời sống - APEC.

.



Tôi cho rằng đây chính là hội nghị thành công nhất từ trước đến nay vì chúng ta cũng đã thảo luận rất nhiều về việc làm sao để có nội dung thật sáng tạo cho Hội nghị lần này. Từ góc độ các tổ chức quốc tế tôi nghĩ rằng kết quả mà chúng ta nhận được từ hội nghị này là rất cao.

Hội nghị đã có sự tham gia của các chuyên gia đến từ các ngành công nghiệp, các công ty dược phẩm, doanh nghiệp, các tổ chức, đối tác khác. Với chủ đề tập trung chính là Huy động tài chính cho y tế - một chủ đề thật tuyệt vời đối với mọi nền kinh tế. Tôi muốn nhấn mạnh rằng đây là lần đầu đầu tiên trong khuôn khổ APEC chúng ta thảo luận sâu về vấn đề tài chính y tế, vấn đề này ảnh hưởng thế nào đến ngân sách nhà nước, tài chính có ý nghĩa gì đối với sức khỏe của cộng đồng và khía cạnh nào cần phải đo lường để làm sao các chính phủ thấy rằng đầu tư vào y tế là thích đáng. Đồng thời, chúng tôi cũng đã xem xét việc sử dụng hiệu quả nguồn lực trong y tế vì vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến bản thân ngành y tế và người bệnh, mà còn ảnh hưởng đến các thành viên trong gia đình, cộng đồng địa phương và toàn xã hội. Ngoài ra chungs tôi còn thảo luận về các cơ chế tài chính thay thế mà chắc chắn sẽ được xây dựng trong những năm sắp tới, vai trò của các nhà đầu tư tư nhân, các ngân hàng phát triển, thị trường bảo hiểm vv. Có thể, các giải pháp đưa ra thảo luận ngày hôm nay chưa hẳn là đã thích hợp với một nền kinh tế nhất định nào đó, tuy nhiên, chúng ta đều hiểu được rằng các giải pháp đó có ý nghĩa thế nào đối với từng nền kinh tế.

Tin liên quan
Tin khác