Cộng đồng doanh nghiệp mong đợi EVIPA sẽ tạo dựng khung pháp lý đầy đủ, hiệu quả hơn nữa cho việc bảo hộ hoạt động đầu tư của họ tại Việt Nam. |
Cuối phiên họp thứ 44, chiều 28/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc trình Quốc hội phê chuẩn EVFTA và EVIPA tại Kỳ họp thứ 9 khai mạc ngày 20/5.
Theo Tờ trình của Chủ tịch nước gửi Quốc hội, EVIPA sẽ thay thế 21 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương hiện hành giữa Việt Nam và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU). EVIPA gồm các quy định bảo hộ đầu tư và giải quyết tranh chấp đầu tư. Hiệp định này phải được sự phê chuẩn của Nghị viện châu Âu và nghị viện các nước thành viên.
Tương tự EVFTA, EVIPA có một số nội dung chưa được quy định trong pháp luật Việt Nam. Căn cứ Khoản 14, Điều 70, Hiến pháp năm 2013 và Điểm D, Khoản 1, Điều 29 Luật Điều ước quốc tế năm 2016, Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền quyết định phê chuẩn hiệp định này.
Theo đánh giá của Chính phủ, EVFTA và EVIPA sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thông qua tác động tới đầu tư, thương mại, cải thiện năng suất và môi trường thể chế.
Cùng với những cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư theo EVFTA, việc thực thi EVIPA sẽ tạo môi trường thuận lợi để Việt Nam đẩy mạnh thu hút đầu tư trong một số lĩnh vực mà EU có thế mạnh do mức độ tự do hóa đầu tư của EU vào Việt Nam được tăng thêm, đặc biệt trong ngành dịch vụ tài chính, viễn thông, vận tải, phân phối, công nghiệp chế biến, chế tạo sử dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo...
Đầu tư từ EU trong các lĩnh vực này có thể hỗ trợ phát triển kinh tế trong nước. Thông qua liên kết sản xuất với doanh nghiệp có vốn đầu tư của EU, doanh nghiệp trong nước sẽ có cơ hội tham gia chuỗi giá trị, cung ứng của EU và toàn cầu, được chuyển giao công nghệ, kỹ năng, qua đó nhận được tác động lan tỏa về công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, góp phần tăng sức cạnh tranh và hiệu quả của nền kinh tế.
Với cơ chế giải quyết tranh chấp và thi hành pháp luật, các quy định của EVIPA được xây dựng chi tiết, có tiêu chí rõ ràng, ghi nhận quyền ban hành và thực hiện chính sách của mỗi bên. Điều đó góp phần bảo đảm để các quy định của Hiệp định EVIPA được hiểu và áp dụng một cách nhất quán, giúp hạn chế tối đa khả năng tranh chấp xảy ra.
Tuy nhiên, việc thực hiện cơ chế giải quyết tranh chấp theo EVIPA cũng đặt ra những thách thức lớn hơn trong việc xây dựng và thực thi pháp luật, phòng ngừa và giải quyết có hiệu quả tranh chấp, vướng mắc với nhà đầu tư.
Chính phủ đề xuất Quốc hội phê chuẩn EVIPA tại Kỳ họp thứ 9 mà không nhất thiết phải chờ toàn bộ thành viên EU hoàn tất phê chuẩn Hiệp định vì việc này không làm phát sinh trách nhiệm pháp lý của Việt Nam, bởi các quyền, nghĩa vụ của mỗi bên theo quy định của Hiệp định chỉ được thực hiện sau khi cả 2 bên thông báo cho nhau về việc hoàn tất thủ tục phê chuẩn nội bộ để Hiệp định chính thức có hiệu lực.
Lý do tiếp theo là về chính trị, đối ngoại. Hiện nay, Nghị viện châu Âu (với tư cách là một khối thống nhất) đã phê chuẩn cả EVFTA và EVIPA. Do vậy, việc Quốc hội Việt Nam thực hiện thẩm quyền phê chuẩn tương tự là cần thiết, thể hiện sự đối đẳng trong quan hệ Việt Nam - EU. Điều đó góp phần khẳng định Việt Nam là đối tác có thiện chí và trách nhiệm cao trong việc thực hiện các nghĩa vụ của mình theo đúng cam kết, đồng thời thúc đẩy các nước thành viên EU hoàn tất thủ tục phê chuẩn của nước mình.
Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp mong đợi EVIPA sẽ tạo dựng khung pháp lý đầy đủ, hiệu quả hơn nữa cho việc bảo hộ hoạt động đầu tư của họ tại Việt Nam.
Do vậy, việc Quốc hội phê chuẩn đồng thời cả EVFTA và EVIPA sẽ góp phần củng cố niềm tin của các doanh nghiệp vào quyết tâm của Nhà nước Việt Nam trong việc tiếp tục đẩy mạnh tiến trình đổi mới, hội nhập, cải thiện và nâng cao sức cạnh tranh của môi trường đầu tư, kinh doanh.