Chỉ số Shanghai Composite để mất 1,99% còn 3.564,08 điểm trong ngày giao dịch 24/2. Ảnh: AFP |
Mở cửa trở lại sau một ngày nghỉ lễ, chứng khoán Nhật Bản hôm nay bị cổ phiếu công nghệ kéo giảm. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản mất 1,61% còn 29.671,70 điểm, trong khi chỉ số Topix giảm sâu hơn tới 1,82% xuống 1.903,07 điểm.
Chỉ số Hang Seng của Hong Kong hôm nay đóng cửa rớt gần 3%, đánh dấu ngày giao dịch tồi tệ nhất trong 9 tháng qua, bất luận chính quyền Hong Kong tuyên bố sẽ chi hơn 15 tỷ USD để triển khai các biện pháp kích thích hồi phục kinh tế.
Tổn thất của ba nhóm cổ phiếu lớn trên thị trường Hong Kong, gồm: công nghệ, ngành hàng tiêu dùng theo chu kỳ, và năng lượng trở nên nghiêm trọng hơn sau khi truyền thông địa phương đưa tin chính quyền Hong Kong sẽ tăng thuế chuyển nhượng đối với các giao dịch cổ phiếu. Tuy nhiên, bài báo phản ánh nội dung này sau đó đã được gỡ bỏ.
Chứng khoán Trung Quốc đại lục hôm nay cũng kết thúc ngày giao dịch trong sắc đỏ. Chỉ số Shanghai Composite giảm 1,99% xuống 3.564,08 điểm, trong khi Shenzhen Component trượt sâu hơn 2,4% xuống 14.870,66 điểm. Chỉ số CSI 300 - rổ 300 cổ phiếu hàng đầu được giao dịch trên hai sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến - cũng mất 2,6%.
Tại Australia, chỉ số ASX 200 trượt 0,9% xuống 6.777,80 điểm do hầu hết nhóm cổ phiếu đều đi xuống. Riêng chỉ số phụ tài chính giảm 0,45%. Về biến động cổ phiếu bộ tứ "Big Four" ngân hàng hàng đầu Australia, cổ phiếu của ANZ, Commonwealth Bank, và Westpac lần lượt giảm 0,67%, 0,61%, và 0,46%; còn cổ phiếu của Ngân hàng Quốc gia Australia (NAB) ngược dòng thoát lỗ khi kết thúc giao dịch với mức tăng nhẹ 0,2%.
Các nhà phân tích chứng khoán cho rằng chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương bị kéo giảm do làn sóng bán tháo đã tràn sang thị trường này. Trái phiếu kho bạc Mỹ trở nên hấp dẫn khi lợi suất gần đây tăng lên. Dù cập nhật mới nhất ghi nhận lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm 0,03 điểm phần trăm xuống còn dưới 1,34%, nhưng đây vẫn là mức cao nhất kể từ khi Mỹ và các quốc gia phương Tây thực hiện đợt phong tỏa chống dịch Covid-19 kể từ tháng 3/2020.
Làn sóng bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ dâng cao kể từ tháng 1/2020 khi đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát Thượng viện và Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết triển khai gói kích thích kinh tế 1.900 tỷ USD, đã làm dấy lên lo ngại lạm phát của Mỹ sẽ tăng lên.
Lạm phát làm xói mòn giá trị tiền mặt của các khoản thu nhập từ trái phiếu. Giá trái phiếu kho bạc Mỹ sụt giảm đã làm tăng lợi suất của khoản nợ chính phủ có rủi ro thấp, làm giảm sức hấp dẫn của cổ phiếu rủi ro hơn.
Ông Nick Nelson, Trưởng bộ phận chiến lược cổ phiếu châu Âu tại Tập đoàn đầu tư và dịch vụ tài chính đa quốc gia UBS, cho rằng: "Khi lợi tức trái phiếu gần về 0, nhà đầu tư sẽ thoát lỗ bằng cách đầu tư vào những công ty có dòng tiền có thể duy trì nhiều năm tới". Thế nhưng, khi lợi tức trái phiếu bắt đầu tăng, chi phí chờ đợi các công ty đạt tăng trưởng lợi nhuận cũng sẽ tăng lên.
Chuyên gia này nhận định, chứng khoán châu Âu ít bị ảnh hưởng bởi lợi suất trái phiếu tăng cao hơn so với thị trường châu Á và Mỹ, bởi cổ phiếu châu Âu nói chung giao dịch ở mức định giá thấp hơn và số lượng các công ty công nghệ lớn ở châu Âu là ít hơn.
Chỉ số Stoxx 600 của châu Âu đang giao dịch ở mức khoảng 22 lần so với lợi nhuận của các công ty trong danh sách được quan sát, trong khi đó tỷ lệ này là 52 lần đối với chỉ số CSI 300 của Trung Quốc và 30 lần đối với chỉ số S&P 500 của Mỹ.
Chỉ số Stoxx sáng nay 24/2 nhích 0,2% còn chỉ số Xetra Dax của Đức tăng 0,5%. Trái lại, chỉ số FTSE 100 của Anh, bao gồm cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp có lợi nhuận từ thị trường nước ngoài, giảm 0,6% khi đồng bảng Anh tăng giá so với đô la Mỹ.
Đồng bảng Anh đã nhích giá thêm 0,4% lên 1 GBP "ăn" 1,471 USD sau cam kết của Thủ tướng Anh Boris Johnson về xem xét việc chấm dứt các biện pháp hạn chế thời Covid-19 và cải thiện cơ chế xét nghiệm Covid-19. Sự trở lại nhanh hơn dự kiến sẽ thúc đẩy nền kinh tế dựa vào dịch vụ của Vương quốc Anh - một nền kinh tế chịu ảnh hưởng bởi Covid-19 nặng nề hơn so với các quốc gia phát triển khác.
Trong nghiên cứu mới đây, dựa trên đánh giá tiến độ triển khai chương trình tiêm chủng vaccine kháng Covid-19 ở các quốc gia và số ca nhiễm Covid-18 giảm mạnh trong đợt phong tỏa gần đây, các chuyên gia kinh tế tại Goldman Sachs cho rằng: "Vẫn còn dư địa tốt hơn để đồng bảng Anh tăng giá khi đà phục hồi kinh tế nhận thêm động lực".
Trên thị trường chứng khoán Mỹ, chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite đêm qua lần lượt giảm tới 1,8% và 3,9% trước khi cắt lỗ sau tuyên bố của Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ, ông Jerome Powell rằng cơ quan này sẽ duy trì hỗ trợ lớn cho nền kinh tế.
Thị trường tiền tệ hôm nay ghi nhận đồng bạc xanh trượt giá 0,09% so với các đồng tiền mạnh khác. Cụ thể, chỉ số đô la Mỹ so với các đồng tiền mạnh khác chỉ đạt 90,08, sau khi giảm xuống mức 89,982 trước đó. Đô la Australia cũng trượt giá và trao tay 1 AUD đổi 0,7914 USD, so với mức 1 AUD/0,7944 USD thiết lập trước đó, còn đồng yên Nhật giao dịch ở mức 105,55 JPY đổi 1 USD.
Theo Carol Kong, chuyên gia tiền tệ tại Ngân hàng Commonwealth Bank (Australia), đô la Mỹ trượt giá cùng chứng khoán sau phiên điều trần của Chủ tịch Fed tại Quốc hội, nhưng mức suy giảm của đồng bạc xanh vẫn "khiêm tốn". Chuyên gia này cho rằng, triển vọng tăng trưởng tốt hơn của Mỹ và kinh tế thế giới vẫn khớp với xu hướng trượt giá của đô la Mỹ.
Trên thị trường dầu mỏ, dầu thô giao sau của Mỹ trong phiên giao dịch châu Á hôm nay trượt 0,28% xuống 61,50 USD/thùng, trong khi dầu Brent giao kỳ hạn vẫn nhích giá 0,03% lên 65,39 USD/thùng.