Thời sự
Sóng lừng từ FTA thế hệ mới
Bảo Duy - 12/12/2014 07:32
() Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) đã chính thức hoàn tất phần đàm phán. Tại TP. Busan (Hàn Quốc) vào chiều ngày 10/12/2014, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye đã cam kết cùng thúc đẩy công việc của mỗi bên để ký kết VKFTA ngay trong đầu năm 2015.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Sớm ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc
Việt Nam không "hội nhập vị hội nhập"
Việt Nam ký kết FTA với hầu hết nền kinh tế lớn

Như vậy, rất có thể, VKFTA sẽ là hiệp định thương mại tự do (FTA) mở màn cho một năm 2015 vô cùng đặc biệt với nền kinh tế Việt Nam - năm gặt hái kết quả của các cuộc đàm phán FTA song phương và đa phương thế hệ mới.

   
  Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye cam kết cùng thúc đẩy để ký kết VKFTA ngay trong đầu năm 2015  

Có thể thấy trước, việc ký kết hàng loạt FTA thế hệ mới ngay trong đầu năm 2015 sẽ cải thiện rất lớn vị trí của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu thông qua các cơ hội đầu tư - kinh doanh mới.

Cùng với đó là những cú huých mạnh mẽ, dồn dập vào các nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, từng bước hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường của Việt Nam mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết và thể hiện quyết tâm chính trị.        

Song, thách thức đối với cả nền kinh tế, Chính phủ, từng cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp cũng bắt đầu lộ rõ, nhất là khi Việt Nam là đối tác có thu nhập thấp hơn trong các hiệp định này, nhưng sẽ phải thực hiện cam kết của mình trong các FTA với các đối tác khác nhau gần đồng thời, với nguyên tắc cao nhất theo thông lệ quốc tế.

Nếu không có những định hướng rõ ràng, thống nhất cũng như các kế hoạch lồng ghép ngay từ bây giờ, thì áp lực trong thực hiện cam kết rất có thể sẽ lại là rào cản của những cơ hội mới.

Đặc biệt, về phía cộng đồng doanh nghiệp, năng lực cạnh tranh sẽ buộc phải dựa vào năng suất, chất lượng và hiệu quả để kết nối thành công với chuỗi giá trị toàn cầu, bắt đầu từ việc tận dụng tác động lan tỏa từ hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Cần nhấn mạnh, sự khác biệt của các FTA thế hệ mới so với những FTA truyền thống mà Việt Nam đã tham gia là phạm vi rộng. Nội dung các FTA đang đàm phán đều vượt ra ngoài cam kết về thương mại, dịch vụ và một phần đầu tư, đề cập nhiều đến thể chế, pháp lý trong các lĩnh vực môi trường, lao động, doanh nghiệp nhà nước, sở hữu trí tuệ, mua sắm chính phủ… Có nghĩa là, các FTA này khi có hiệu lực sẽ tác động rất mạnh tới thể chế của các bên liên quan.

Bên cạnh VKFTA, các FTA Việt Nam - EU, FTA giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan đều đã được các bên khẳng định sẽ ký kết ngay trong đầu năm 2015.

Trong khi đó, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) dù vẫn còn một vài trở ngại không nhỏ, song lãnh đạo các nước tham gia tại hành lang APEC hồi tháng 11/2014 đều bày tỏ quyết tâm muốn kết thúc đàm phán trong năm 2015.

FTA giữa Việt Nam và Hiệp hội Thương mại tự do châu Âu (EFTA, gồm Thụy Sỹ, Na Uy, Iceland và Liechtenstein) cũng đang trên đà tiến triển.

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa ASEAN và 6 đối tác (Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Australia, Trung Quốc) và FTA giữa ASEAN và EU cũng đang được các bên kỳ vọng đạt được kết quả ngay trong năm 2015.

Đặc biệt, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ chính thức ra mắt vào cuối năm 2015, mở ra một không gian 600 triệu dân, quy mô GDP khoảng 3.000 tỷ USD/năm.

Như vậy, sân chơi mới, luật chơi mới đang buộc người chơi phải thay đổi. Làn sóng FTA thế hệ mới có thể đưa nền kinh tế Việt Nam bước lên nấc thang cao hơn của quá trình tăng trưởng, nhưng cũng có thể đẩy nền kinh tế sa vào bẫy thu nhập trung bình.

Tin liên quan
Tin khác