Sự thay đổi trong cơ cấu cổ đông đã dẫn đến hàng loạt bất ổn trong hoạt động của Bệnh viện Giao thông vận tải thời gian qua. Ảnh: Đ.T |
Chờ kiện toàn
Sự cần thiết của việc nhanh chóng chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) một lần nữa lại được Bộ GTVT khẳng định trong Công văn số 5758/BGTVT-QLDN gửi Thủ tướng Chính phủ vào cuối tuần trước.
Bộ GTVT cho biết, đang khẩn trương xây dựng Đề án trình Thủ tướng chuyển giao các bệnh viện công lập trực thuộc về các địa phương, đồng thời giải thể Cục Y tế GTVT theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Do không còn cơ quan tham mưu, giúp việc về y tế, nên Bộ GTVT sẽ không tiếp tục thực hiện việc quản lý đối với các bệnh viện. Vì vậy, việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp cổ phần hóa từ các bộ, ngành, địa phương sang SCIC, theo Bộ BGTVT, là thực hiện theo đúng chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ nhằm tách bạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
“SCIC với kinh nghiệm quản lý vốn, nhân sự tại các doanh nghiệp cổ phần có vốn nhà nước sẽ giúp xử lý các vấn đề tồn tại tại Bệnh viện GTVT thuận lợi hơn”, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết.
Trước đó, vào cuối tháng 3/2020, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 2098/VPCP-ĐMDN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình liên quan đến việc điều chỉnh tăng vốn nhà nước tại Bệnh viện GTVT.
Cụ thể, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và SCIC để xem xét, thống nhất việc thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại Bệnh viện GTVT sang SCIC, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Tại Công văn số 5758, Bộ GTVT cho biết, các bộ: Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Y tế, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, SCIC đều thống nhất với Bộ GTVT về việc quyết định chuyển giao Bệnh viện GTVT về SCIC thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, vào cuối tháng 11/2019, Bộ GTVT có Văn bản số 11266/BGTVT-QLDN báo cáo Thủ tướng về việc hoàn thành điều chỉnh tăng vốn điều lệ tại Bệnh viện GTVT và đề xuất xử lý kiến nghị Nhà nước mua lại cổ phần của Công ty cổ phần Tập đoàn T&T.
Cụ thể, tại thời điểm này, Bệnh viện GTVT đã hoàn tất mọi thủ tục tăng vốn điều lệ, bao gồm việc tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường lần thứ nhất năm 2019 (ngày 4/9/2019) và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần 2 (ngày 25/9/2019).
Quan trọng hơn, vốn điều lệ của Bệnh viện GTVT cũng đã tăng từ 168 tỷ đồng lên 391,459 tỷ đồng, do việc hạch toán giá trị Dự án ODA tòa nhà Bệnh viện vào phần vốn nhà nước. Điều này dẫn tới việc, cổ đông Nhà nước từ chỗ chỉ nắm 5.498.400 cổ phiếu, chiếm 32,73% vốn điều lệ, nay tăng lên 27.844.370 cổ phiếu, tương đương 71,13% vốn điều lệ. Số lượng cổ phần của các nhà đầu tư khác, bao gồm cả cổ đông chiến lược là Tập đoàn T&T dù vẫn giữ nguyên về số lượng tuyệt đối (11.301.600 cổ phần), nhưng tỷ lệ nắm giữ đã giảm từ 67,27% xuống còn 28,87%.
Sự thay đổi trong cơ cấu cổ đông không mong đợi này đã dẫn đến hàng loạt bất ổn trong hoạt động điều hành tại Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT trong suốt 3 năm trở lại đây.
Bất ổn
Trên thực tế, mối quan hệ giữa cổ đông Nhà nước và cổ đông chiến lược (Tập đoàn T&T) tại Bệnh viện đã đi đến hồi kết từ tháng 5/2018, sau khi Văn phòng Chính phủ có Công văn số 157/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc thực hiện phương án thí điểm cổ phần hóa Bệnh viện GTVT. Tại Công văn số 157, Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT yêu cầu người đại diện vốn nhà nước tại Bệnh viện GTVT thực hiện giữ nguyên tỷ lệ vốn nhà nước tại Công ty này sau khi điều chỉnh tăng vốn điều lệ tương ứng với phần tăng vốn nhà nước được xác định sau khi quyết toán Dự án ODA tòa nhà Bệnh viện.
Trong khi đó, tại Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 21/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Phương án Thí điểm cổ phần hóa Bệnh viện GTVT Trung ương đã nêu rõ: “Vốn điều lệ sẽ được điều chỉnh tăng phần vốn nhà nước tương ứng giá trị quyết toán Dự án ODA tòa nhà Bệnh viện, đồng thời, sẽ tiếp tục bán phần vốn nhà nước để duy trì tỷ lệ vốn điều lệ mà Nhà nước nắm giữ tại Bệnh viện GTVT là 30%”.
Được biết, chưa đầy 2 tháng sau khi có thông báo kết luận của Thủ tướng tại Công văn số 157/TB-VPCP, Tập đoàn T&T đã liên tiếp gửi văn bản đề nghị các cơ quan chức năng và Bộ GTVT kiến nghị Nhà nước mua lại toàn bộ 8.640.000 cổ phần mà Tập đoàn T&T nắm giữ với tổng số tiền 149 tỷ đồng (là số tiền nhà đầu tư đã thanh toán mua cổ phần) cùng với số tiền lãi phát sinh từ khoản tiền trên theo quy định của Hợp đồng Mua bán cổ phần. Bên cạnh đó, Tập đoàn T&T cho biết, sẽ không tham gia vào Hội đồng Quản trị, Ban Kiểm soát, Ban Điều hành của Bệnh viện GTVT ngay khi được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kiến nghị rút vốn đã đầu tư và nhận được số tiền thanh toán hoàn trả nêu trên.
Từ giữa năm 2018, Tập đoàn T&T đã rút khỏi mọi hoạt động điều hành và dừng triển khai các cam kết hỗ trợ tài chính, đầu tư, khiến hoạt động tại Bệnh viện GTVT gặp rất nhiều khó khăn. Không chỉ Tập đoàn T&T, ông Nguyễn Chí Thành (cổ đông nắm giữ 1.352.000 cổ phần của Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT) cũng đưa ra kiến nghị có nội dung tương tự Tập đoàn T&T.
Cái khó của Bộ GTVT là, nếu coi việc hoàn lại tiền mua cổ phần là thực hiện mua lại toàn bộ hoặc một phần số cổ phần của 2 nhà đầu tư nêu trên, phải xem xét, thực hiện thủ tục, trình tự, thẩm quyền theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và Nghị định số 91/2015/NĐ-CP, ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp. Đó là chưa kể, trong quá trình cổ phần hóa Bệnh viện GTVT Trung ương, số tiền thu từ bán cổ phần (136,772 tỷ đồng) đã nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp từ năm 2017.
Đây là lý do mà tại Công văn số 11266, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng cho phép chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại Bệnh viện GTVT sang SCIC. Sau đó, SCIC tiếp tục xử lý kiến nghị mua lại cổ phần của các cổ đông của Bệnh viện GTVT để có thể đẩy nhanh tiến độ giải quyết kiến nghị của các nhà đầu tư và sớm kiện toàn, tổ chức lại hoạt động tại Bệnh viện.
“Với chức năng, nhiệm vụ của mình, nếu thực hiện tiếp nhận quyền đại diện sở hữu vốn nhà nước tại Bệnh viện GTVT, SCIC có thể chủ động sử dụng nguồn vốn kinh doanh để đầu tư mua lại cổ phần của các nhà đầu tư đề nghị hoàn trả, đầu tư bổ sung để nâng cao hiệu quả kinh doanh của Bệnh viện khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận”, Bộ GTVT phân tích.
Tuy nhiên, tại Công văn số 5758, Bộ GTVT lại đồng thuận với ý kiến của các bộ: Tư pháp, Tài chính về việc hoàn trả tiền mua cổ phần của nhà đầu tư chiến lược và các cổ đông lớn là không phù hợp, chưa có căn cứ pháp lý để thực hiện. Với cùng lý do tương tự, Bộ GTVT cũng thừa nhận, việc sử dụng nguồn tiền từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp để mua lại một phần/toàn bộ số cổ phần của các nhà đầu tư tư nhân là không phù hợp
Do không xử lý được các kiến nghị của các cổ đông lớn, Bộ GTVT lo ngại rằng, các cổ đông sẽ tiếp tục có các văn bản gửi các cơ quan liên quan đề nghị giải quyết, thậm chí không loại trừ khả năng các nhà đầu tư tư nhân có thể khởi kiện ra tòa để phân xử.
Hiện hoạt động tại Bệnh viện GTVT rất khó khăn khi chưa thể tiến hành Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2020 để bổ sung các thành viên HĐQT sau khi Nhà nước thực hiện tăng vốn và một số người đại diện phần vốn nhà nước nghỉ chế độ hoặc chuyển công tác.
Trong khi đó, sau khi được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần 2, mọi hoạt động của Bệnh viện vẫn không thay đổi so với trước, vì Hội đồng Quản trị không hoạt động và không có bất kỳ ý kiến gì.
Khó khăn lớn nhất đối với cơ sở khám chữa bệnh hàng đầu Thủ đô là kể từ năm 2019, Bệnh viện GTVT không còn nằm trong danh sách các cơ sở khám chữa bệnh lần đầu của Sở Y tế TP. Hà Nội, nên không được Bảo hiểm Xã hội TP. Hà Nội ký hợp đồng khám chữa bệnh cũng như tiếp tục tạm ứng, thanh toán kinh phí khám chữa bệnh cho Bệnh viện.
Tính đến đầu tháng 4/2020, kinh phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế chưa thanh toán tại Bệnh viện GTVT đã lên tới 84,1 tỷ đồng. Lý do là, quyết định xếp hạng Bệnh viện GTVT là bệnh viện đa khoa loại I đã quá hạn 5 năm, nhưng chưa làm thủ tục xếp hạng lại và tên Bệnh viện trong giấy phép hoạt động là Bệnh viện GTVT Trung ương không phù hợp với tên gọi hiện nay (sau khi cổ phần hóa).
“Bênh viện đang rơi vào tình trạng nợ tất cả các nhà cung cấp thuốc, vật tư y tế, có đơn vị tới hơn 7 tháng. Bệnh viện mới chỉ thanh toán cho nhân viên một phần lương. Các khoản phụ cấp y tế cho y, bác sỹ như trực, độc hại, phẫu thuật thủ thuật đã nợ từ tháng 9/2019 đến nay. Nếu tiếp tục kéo dài, Bệnh viện sẽ rơi vào khủng hoảng, có nguy cơ dừng hoạt động”, lãnh đạo Bệnh viện GTVT cho biết.
Ông Đinh Việt Tùng, Phó tổng giám đốc SCIC