“Cú huých” hạ tầng và khu công nghiệp
Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tỉnh Bình Phước sở hữu hàng loạt dự án hạ tầng trọng điểm đang triển khai như cao tốc TP.HCM - Chơn Thành - Ðắk Nông với tổng mức đầu tư khoảng 24.275 tỷ đồng; tuyến Ðồng Phú - Bình Dương với tổng vốn đầu tư 2.253 tỷ đồng…
Đáng chú ý là mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Giao thông - Vận tải khẩn trương chủ trì làm việc để thống nhất phương án đầu tư nâng cấp tuyến đường kết nối Bình Phước với sân bay Long Thành. Đây sẽ là tuyến đường gần nhất kết nối từ các tỉnh Tây Nguyên và Bình Phước đi Cảng Hàng không quốc tế Long Thành và Cái Mép, Thị Vải (rút ngắn hàng chục km so với đi đường hiện tại).
Hệ thống hạ tầng giao thông tại Bình Phước đang ngày càng được nâng cấp, hoàn thiện. |
Bên cạnh việc phát triển hạ tầng, tỉnh Bình Phước cũng đang tập trung phát triển về công nghiệp với cơ chế chính sách cởi mở để có thể thu hút các nhà đầu tư về nghiên cứu, đầu tư. Đến nay, tỉnh này đã có 13 khu công nghiệp với tổng diện tích 4.686 ha. Trong đó có 11 khu công nghiệp đã được đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng và đi vào hoạt động.
Để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, thu hút đầu tư giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bình Phước đề xuất quy hoạch 61 cụm công nghiệp với tổng diện tích 3.381 ha, tăng thêm 1.780 ha so với quy hoạch đã phê duyệt. Trong đó, riêng Khu công nghiệp Becamex - Bình Phước là 2.449 ha, quy mô vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD.
Dự kiến, quy hoạch phát triển các khu công nghiệp đến năm 2030 của Bình Phước khoảng 18.000 ha. Nếu thực hiện được kế hoạch, Bình Phước sẽ trở thành tỉnh công nghiệp có vị trí quan trọng đối với cả vùng Đông Nam Bộ.
Bất động sản “sáng cửa”
Với nhiều lợi thế và sở hữu quỹ đất rộng, Bình Phước đang thu hút sự quan tâm của nhiều “ông lớn” trong ngành bất động sản như Vingroup, Đất Xanh, Becamex… và các nhà đầu tư uy tín trên thế giới như C.P. Thái Lan; Hayat Thổ Nhĩ Kỳ; Sung Ju - Samsung, Japfa…
Chính sự xuất hiện của các “ông lớn” đã góp phần thay đổi diện mạo cho thị trường bất động sản Bình Phước. Tác động mạnh mẽ đến xu hướng mua nhà của giới đầu tư cũng như đối tượng khách hàng là chuyên gia tại các khu công nghiệp, người mua ở thực.
Nói như ông Phạm Khắc Học, Tổng giám đốc Công ty cổ phần H-Holding, tỉnh Bình Phước là thị trường sôi động bậc nhất phía Nam. Trong 3 năm qua, mức giá đất tại Bình Phước đã tăng mạnh trung bình trên dưới 20%/năm.
Cụ thể, từ đầu năm 2022 đến nay, giá đất có thổ cư tại Bình Phước đã tiếp tục tăng trở lại. Điển hình như ở khu vực TP.Đồng Xoài, nếu trước đây giá đất chỉ dao động từ 7-8 triệu đồng/m2 thì bây giờ mức giá trung bình đã lên đến 15 triệu đồng/m2.
Còn tại huyện Chơn Thành, những năm 2018-2019, mức giá đất chỉ từ 2,5-3 triệu đồng/m2 thì nay đã tăng lên từ 5-6 triệu đồng/m2. Hay ở huyện Đồng Phú, mức giá giao dịch trên thị trường hiện tại ở mức 10 triệu đồng/m2, tùy vị trí. Mức giá này đã tăng gấp đôi so với thời điểm đầu năm 2019.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Hậu, CEO Asian Holding cũng cho rằng, mức giá đất tại tỉnh Bình Phước đã tăng đều ở tất cả các phân khúc. Tuy vậy, nếu so sánh với các địa phương cận kề thì mức giá này vẫn còn thấp, chỉ bằng 30-40% giá của tỉnh Bình Dương, 10-20% của TP.HCM.
“Xét về tiềm năng phát triển công nghiệp và quy hoạch giao thông giai đoạn tới, thị trường bất động sản Bình Phước vẫn còn nhiều cơ hội cho nhà đầu tư”, ông Hậu nói và cho biết thêm, việc nhà đầu tư chuyển về Bình Phước cũng chính là hệ quả tất yếu của sự khan hiếm quỹ đất ở những thành phố lớn như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An…
Mặt khác, tâm lý chung của đại đa số người Việt Nam là phải có một “mảnh đất cắm dùi”, mua đất để dành, chuộng nhà liền thổ hơn là chung cư nên dẫn đến nhu cầu về đất nền luôn ở mức cao.
Trên thực tế, tiềm năng và cơ hội phát triển tại Bình Phước trong thời gian tới là có, nhưng thị trường nơi đây không chỉ toàn màu hồng, nhà đầu tư vẫn nên cẩn trọng. Bởi đã có không ít người đầu tư vì nghe lời “cò” đất hoặc môi giới “dỏm”, ham giá rẻ mà mua phải những mảnh đất không đảm bảo yêu cầu pháp lý khiến “tiền mất tật mang”.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Khối R&B DKRA Vietnam đưa ra lời khuyên, dù đầu tư để ở hay bán với tiêu chí an toàn và hiệu quả, khách hàng cùng nhà đầu tư phải cẩn trọng và xem xét kỹ lưỡng trước khi giao dịch. Trong đó, người mua cần phải đánh giá vị trí của dự án dựa trên tiềm năng phát triển chung về kinh tế - xã hội, hạ tầng giao thông.
Đặc biệt, phải kiểm tra kỹ pháp lý của dự án có đầy đủ hay không, quy trình thủ tục mua bán chuyển nhượng có đúng quy định của Nhà nước hay chưa. Trước khi giao dịch, người mua cần phải kiểm tra uy tín của chủ đầu tư, dựa vào các dự án trước đó đã thực hiện.