Thời sự
Sốt ruột chương trình phục hồi, tiếp tục lo trái phiếu doanh nghiệp
An Nguyên - 04/05/2022 07:36
Các đại biểu Quốc hội và chuyên gia đều đặc biệt quan tâm đến cách ứng xử với thị trường vốn sau nhiều tai tiếng thời gian qua.

Tham gia thẩm tra báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội chuẩn bị kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, cả đại biểu và chuyên gia đều bày tỏ sự sốt ruột về tiến độ triển khai Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội và đặc biệt quan tâm đến cách ứng xử với thị trường vốn sau nhiều tai tiếng thời gian qua.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã họp phiên toàn thể để thẩm tra báo cáo đánh giá tình hình kinh tế - xã hội từ kỳ họp thứ hai 

Không chỉ là lãng phí cơ hội

Chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội thứ ba sẽ khai mạc ngày 23/5 tới, tuần qua, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã họp phiên toàn thể để thẩm tra báo cáo đánh giá tình hình kinh tế - xã hội từ kỳ họp thứ hai (cuối năm 2022) đến nay.

Trình bày nội dung trên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương khái quát, cuối năm 2021, nền kinh tế đã bước vào quỹ đạo phục hồi, dần thích ứng linh hoạt với dịch bệnh. Hầu hết các ngành, lĩnh vực đang trên đà tăng trưởng trở lại, sức cầu của nền kinh tế, dịch vụ, du lịch có thể tạo sức bật mạnh trở lại, đóng góp lớn vào tăng trưởng khi dịch bệnh được kiểm soát.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng cập nhật tiến độ triển khai Nghị quyết số 43/2015/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội (gọi tắt là Chương trình), được thông qua tại kỳ họp bất thường (tháng 1/2022).

Theo đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 để thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội với 11 nhiệm vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn theo trình tự, thủ tục rút gọn để sớm ban hành và triển khai thực hiện ngay từ quý I/2022.

“Hầu hết các bộ, cơ quan đã ban hành chương trình, kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP và khẩn trương, tích cực triển khai công việc được giao”, Thứ trưởng thông tin.

Tuy nhiên, cả đại biểu Quốc hội và chuyên gia kinh tế tham dự phiên họp đều bày tỏ sự sốt ruột khi chưa nhìn thấy kết quả cụ thể.

“Không phải bỗng dưng mà Quốc hội có kỳ họp bất thường, cũng không phải bỗng dưng mà Chính phủ, Quốc hội làm ngày làm đêm để ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15, nhưng đến nay, việc tổ chức triển khai là chậm, lỡ nhịp rất nhiều”, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai nhận xét.

Bà Mai lấy ví dụ, Nghị quyết 43/2022/QH15 yêu cầu việc lựa chọn và phân bổ vốn cho các dự án thuộc Chương trình phải bảo đảm giải ngân vốn trong 2 năm 2022 và 2023, tuy nhiên, đến nay danh mục dự án chưa hoàn chỉnh, thủ tục liên quan chưa có. Nghị quyết cũng nêu rõ, các dự án thuộc Chương trình phải hoàn thành chậm nhất là năm 2025, với sự chậm trễ như hiện nay thì có đảm bảo tiến độ này không.

Tỏ rõ sự sốt ruột, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhấn mạnh, việc đảm bảo tiến độ công việc thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 là nội dung rất cần quan tâm trong bối cảnh hiện nay. “Vì đó không chỉ là lãng phí cơ hội, mà là lãng phí tiền bạc. Về cơ chế, Quốc hội đã tạo thuận lợi tối đa, tiền bạc cũng đã sẵn sàng, nhưng triển khai còn có điểm vướng, cần làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và có giải pháp”, bà Mai đề nghị.

Phát biểu với tư cách chuyên gia của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, kỳ họp bất thường của Quốc hội là kỳ họp đặc biệt chưa có tiền lệ, chính sách tại kỳ họp này được ban hành với thủ tục đặc biệt, nên quá trình thực thi Nghị quyết 43/2022/QH15 cũng phải với tinh thần đặc biệt nhanh.

“Nhưng đọc báo cáo của các bộ, ngành thì chưa thấy có gì đặc biệt, lộ trình ban hành nghị định, thông tư để hướng dẫn thực hiện vẫn rất dài”, ông Tuấn nhận xét.

Hai lần nhắc đến chữ sốt ruột, ông Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV mong rằng, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, Nghị quyết 43/2022/QH15 vô cùng quan trọng, chỉ thực hiện trong 2 năm mà thời gian đã đi qua 1/3 năm đầu tiên rồi.

“Nếu 113.550 tỷ đồng vốn đầu tư từ ngân sách để phát triển kết cấu hạ tầng không nhúc nhích được gì, thì có tác động để tăng thêm GDP như mục tiêu xây dựng Chương trình không?”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng sốt ruột.

Đồng tình với nhận xét là nhiều cơ chế, chính sách trong Chương trình đang chậm, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, sẽ tiếp thu các ý kiến trong phiên họp, báo cáo Chính phủ để có giải pháp đẩy nhanh tiến độ.

Tránh từ tả sang hữu

Một trong những vấn đề được nhiều ý kiến đề cập trong phiên thẩm tra là ứng xử với thị trường bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp sao cho phù hợp sau những tai tiếng vừa qua.

Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cựu Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, phải có biện pháp giảm “sốt” thị trường bất động sản và chấn chỉnh thị trường chứng khoán, trái phiếu. Tuy nhiên, cần thực hiện đúng thông điệp mà Thủ tướng đã nêu, đó là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự.

“Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, làm sao xử lý vi phạm nhưng không được bóp nghẹt thị trường, để chứng khoán, trái phiếu phải trở thành kênh huy động nguồn lực cho nền kinh tế, nếu bóp nghẹt thì rất nguy hiểm. Động thái chính sách không giật cục, không từ tả sang hữu, cái đó rất quan trọng, bởi trong bối cảnh hiện nay, gói hỗ trợ niềm tin là quan trọng nhất”, ông Lộc bày tỏ quan điểm.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Nguyễn Hải Nam nhận xét, trái phiếu riêng lẻ chỉ bán thông qua phòng giao dịch của ngân hàng thương mại hoặc qua các công ty chứng khoán, được môi giới rất nhiệt tình, nhưng tiềm ẩn rủi ro. Vì thế, khi sửa Nghị định 153/2020/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, cần xem xét kỹ hơn về phương án sử dụng vốn, cũng như khả năng trả nợ của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp phát hành lượng trái phiếu lớn, đảm bảo cho thị trường này là kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế.

Theo chuyên gia Đậu Anh Tuấn, Việt Nam mong muốn trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao thì nguồn vốn cho doanh nghiệp là rất quan trọng. Hiện nay, đầu tư của doanh nghiệp phụ thuộc vào ngân hàng nhiều, trong khi ngân hàng đi vay ngắn hạn lại cho vay để đầu tư dài hạn, thì nguồn vốn từ trái phiếu rất quan trọng. Vì thế, xử lý sai phạm là cần thiết, song tránh tạo ra tâm lý e ngại. Ông Tuấn cho rằng, cần đánh giá đúng rào cản và hạn chế từ khung khổ pháp lý để có giải pháp phù hợp.

Trao đổi lại, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, sau vụ việc của FLC, Tân Hoàng Minh, Bộ đã đánh giá cụ thể về thị trường chứng khoán, trái phiếu và đề xuất giải pháp theo hướng siết chặt một cách hợp lý. “Nhiều ý kiến góp ý, ứng xử với thị trường này không nên từ thái cực cực sang thái cực khác, đây cũng là chỉ đạo của Chính phủ”, bà Mai thông tin.

Cần thiết đầu tư đường vành đai cho Hà Nội, TP.HCM

Cũng trong tuần qua, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tiến hành thẩm tra tờ trình của Chính phủ về chủ trương đầu tư Dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án Vành đai 3 TP.HCM. Với tổng mức đầu tư sơ bộ lần lượt là 85.813 tỷ đồng và 75.378 tỷ đồng, đây là hai dự án quan trọng quốc gia, cần được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.

Theo quy hoạch đường Vành đai 4 vùng Thủ đô có chiều dài 103 km, quy mô 6 làn xe, có điểm đầu là cao tốc Nội Bài - Lào Cai và điểm cuối là cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Dự án Vành đai 3 TP.HCM dài 91,64 km, quy mô 8 làn xe, có điểm đầu là Nhơn Trạch (Đồng Nai) và điểm cuối là Bến Lức (Long An).

Tại phiên thẩm tra, các ý kiến phát biểu đều ủng hộ sự cần thiết chủ trương đầu tư hai dự án nói trên và đề nghị cần làm rõ hơn về quy mô, sơ bộ tổng mức đầu tư, cam kết bố trí vốn của các địa phương, cơ chế chính sách đặc thủ.... để tăng tính thuyết phục khi trình Quốc hội.
Tin liên quan
Tin khác