Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu biểu hiện “lợi ích nhóm”, “bảo kê”, bao che cho các hành vi vi phạm pháp luật. |
Đây cũng là tình trạng đã được Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội - cơ quan thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng - liên tục nêu ra tại nhiều kỳ họp.
Kỳ này, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh những hạn chế trong phòng chống tham nhũng như việc thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp và kiểm soát xung đột lợi ích chưa thực sự chuyển biến, vẫn còn nhiều trường hợp vi phạm, lợi dụng sơ hở của cơ chế, chính sách để nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, một số trường hợp có biểu hiện “lợi ích nhóm”, “bảo kê”, bao che cho các hành vi vi phạm pháp luật.
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện kiến nghị của Uỷ ban tại Báo cáo thẩm tra năm 2019 về việc đánh giá, nhận diện tình trạng “tham nhũng vặt”, tham nhũng dưới hình thức “lợi ích nhóm”, “sân sau”, tham nhũng trong các cơ quan có chức năng chống tham nhũng và việc tổng kết, đánh giá hiệu quả của các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng.
Tham gia thảo luận, đai biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nhận định, việc kiên quyết xử lý các vụ án tham nhũng lớn được nhân dân đồng tình nhưng những vụ tham nhũng vặt, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho dân, doanh nghiệp vẫn diễn ra ngày càng phức tạp, tinh vi, chưa ngăn chặn kịp thời, hiệu quả, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta.
"Lợi ích nhóm, sân sau vẫn còn tồn tại, gây bất công trong hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản công" - đại biểu Hoà nhấn mạnh.
Vẫn theo đại biểu Hoà, việc thu hồi tài sản tham nhũng có tiến bộ nhưng còn thấp. Tham nhũng không chỉ diễn ra ở các cơ quan nhà nước mà đã và đang diễn ra ở một số lĩnh vực nhạy cảm, đặc biệt là xảy ra ở một số lĩnh vực kinh tế quan trọng, vẫn còn xảy ra tham nhũng tại các cơ quan bảo vệ pháp luật, bảo vệ tư pháp, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với một bộ phận cơ quan này.
Đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An) cho rằng, tham nhũng đã và đang diễn ra vô cùng tinh vi ở trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực tài chính, thuế, đất đai, tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ và các lĩnh vực nhạy cảm khác. Thực tế này đòi hỏi các cơ quan chức năng và Chính phủ cần kiểm soát chặt chẽ hơn, tránh buông lỏng, tạo kẽ hở cho các đối tượng tham nhũng, trục lợi một cách ngang nhiên.
Nhận định chung, Chính phủ cho rằng trong năm 2020, công tác phòng chống tham nhũng tiếp tục được tăng cường; “tham nhũng được kiềm chế, từng bước được ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm”.
Chính phủ cũng dự báo tình hình tham nhũng “vẫn diễn biến phức tạp, có biểu hiện tinh vi hơn và khó phát hiện".
Tuy nhiên, đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) bày tỏ băn khoăn, khi mà ngay cả trong các báo cáo của các cơ quan tư pháp cũng nhận định, có những loại hình tội phạm, như tội phạm tham nhũng vẫn chưa phản ánh đúng và đầy đủ.
Việc phân tích làm rõ nguyên nhân sẽ làm cơ sở để có những giải pháp quyết liệt, hiệu quả hơn trong phòng chống tham nhũng, đại biểu góp ý.
Đại biểu Nguyễn Thanh Thuỷ (Hậu Giang) băn khoăn khi báo cáo của Chính phủ cho thấy, hiện nay công tác thu hồi tiền do tham nhũng và các tội phạm về kinh tế mới chỉ đạt trên 43%, tức là mới thu hồi được khoảng 15.000 tỷ.
Cử tri kiến nghị cần hoàn thiện chế tài ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật, nhất là tội phạm kinh tế, tham nhũng, lãng phí, kiên quyết thu hồi tài sản do chiếm đoạt tham nhũng mà có. Kịp thời công khai rộng rãi cho cử tri và nhân dân biết những vụ việc nghiêm trọng đã và đang xử lý - đại biểu đề nghị.
Vị đại biểu Hậu Giang cũng phản ánh, cử tri kiến nghị cần xử lý nghiêm minh, trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương và thanh tra chuyên ngành nếu để xảy ra vụ việc nghiêm trọng, kéo dài, có dấu hiệu nhũng nhiễu hay bao che sai phạm. Kể cả sai phạm trong công tác cán bộ thời gian qua.