Sản phẩm một đằng, thị trường một nẻo
Việc mạnh tay cải tổ bộ máy các chi nhánh của lãnh đạo SSC trong năm 2017 đã mang lại nhiều tín hiệu tích cực. Hầu hết chỉ tiêu tài chính năm 2017 đều tăng trưởng so với các năm trước, với doanh thu thuần đạt 550,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 64,6 tỷ đồng, tăng lần lượt 26% và 79%.
SSC đang quay lại ngành nghề kinh doanh cốt lõi là nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh các giống lúa |
“Dù đang cải thiện rất tốt, nhưng vẫn tồn tại sự trì trệ ở một số bộ phận. Do vậy, phải làm sao để có ban điều hành ở các chi nhánh mạnh hơn”, bà Lê Thị Thanh Hằng, Chủ tịch HĐQT SSC chia sẻ.
Ngoài việc “thay máu” một số vị trí trong bộ máy nhân sự, SSC kỳ vọng có thể tập trung hơn trong tái cơ cấu sản phẩm, bởi bà Hằng thừa nhận, “trong những năm vừa qua, doanh thu lớn, nhưng lợi nhuận rất kém”.
Nhìn lại báo cáo thường niên năm 2015, HĐQT SSC cho biết: “Đánh giá sai thị trường, nên một số hàng hóa không ổn định, ảnh hưởng đến kinh doanh. Bên cạnh đó, chất lượng một số sản phẩm chưa đạt yêu cầu đã dẫn đến việc doanh thu hợp nhất cả năm đạt 522,15 tỷ đồng, chỉ bằng 71,96% so kế hoạch và 86% so với năm 2014. Năm 2015, Công ty cũng không đạt tỷ lệ cơ cấu sản phẩm khoa học công nghệ, dẫn đến việc nộp thuế tăng. Thêm vào đó, công tác bảo quản hàng hóa chưa tốt, dẫn đến giảm chất lượng, mất giá trị tương đương 10% lợi nhuận. Do đó, lợi nhuận sau thuế hợp nhất chỉ được 46,4 tỷ đồng, bằng 48,74% kế hoạch và 54% so với năm 2014”.
Còn với năm 2016, hoạt động kinh doanh của SSC cũng không khả quan, khi doanh thu thuần đạt khoảng 444 tỷ đồng, giảm 14,98% so với năm 2015; lợi nhuận sau thuế cũng giảm gần 22,9%, đạt 33,8 tỷ đồng.
Lý do, bà Hằng cho biết, doanh thu trên chủ yếu đến từ việc phân phối các giống của Dekalb, Monsanto như 3 sản phẩm ngô lai C919, DK6919, DK8868... Trong vai trò “người thứ ba”, SSC phải chịu nhiều chi phí bán hàng cao ngất ngưởng, cùng với việc phải vay ngân hàng để trả tiền trước cho các đơn hàng.
Ngoài ra, bà Hằng còn đề cập nguyên nhân thiếu nghiên cứu thị trường. “Cứ đưa sản phẩm tràn lan vào chi nhánh mà không hiểu nhu cầu ở thị trường đó như thế nào. SSC có đội ngũ nghiên cứu và phát triển (R&D) rất giỏi, nhưng trước đây, chưa bao giờ đội phát triển sản phẩm ngồi với những người làm R&D để chia sẻ về nhu cầu thị trường. Kết quả là, Công ty không có bộ giống mà thị trường cần”, bà Hằng nói.
Về cùng “một nhà” với Giống cây trồng Trung ương?
Ban lãnh đạo SSC đang quay lại ngành nghề kinh doanh cốt lõi là nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh các giống lúa. Đây vốn là sở trường của SSC. Bà Hằng không ngần ngại khi cho biết, Công ty cổ phần Giống cây trồng Trung ương (mã: NSC) và SSC đang là đối thủ của Công ty cổ phần - Tập đoàn Lộc Trời. Nhóm 3 doanh nghiệp này đang dẫn dầu thị trường giống lúa tại Việt Nam.
“Mỗi doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh cốt lõi khác nhau, như với Lộc Trời, khoảng 60% doanh thu đến từ thuốc bảo vệ thực vật, nên SSC tự tin là công ty giống hiệu quả”, bà Hằng chia sẻ.
Năm nay, SSC sẽ quay lại ngành kinh doanh cốt lõi. Sự liên kết, bàn thảo giữa các bộ phận nghiên cứu sản phẩm với bộ phận nghiên cứu thị trường trong 2017 đã mang lại hiệu quả bước đầu với các sản phẩm như giống lúa Đài thơm 8, Kim cương 111... Sắp tới, việc này vẫn được tiếp tục để SSC xây dựng thương hiệu lúa độc quyền cũng như chiếm 70% thị phần lúa thuần. Nhóm sản phẩm này tiếp tục đóng góp 70% tổng doanh thu của Công ty trong ít nhất 2 năm tới, trong khi kế hoạch nghiên cứu, kinh doanh giống ngô và giống rau còn đang được xem xét, bởi đây không phải là sở trường của SSC.
“Hầu hết giống rau trên thị trường hiện nay được nhập từ nước ngoài. Cả NSC và SSC đã có định hướng rõ ràng để phát triển các giống rau, nhưng hiện chưa phải là lúc để công bố chiến lược cụ thể”, Chủ tịch SSC cho biết.
Quan trọng hơn, SSC sẽ thay đổi “vị trí” của mình trong chuỗi giá trị này, khi từ năm 2016, họ đã chấm dứt hợp đồng phân phối với đối tác Monsanto. Nghĩa là từ nay, SSC sẽ kết hợp cùng NSC phát triển các giống ngô mà trước đây từng phân phối cho Dekalb.
Thêm vào đó, Ban lãnh đạo SSC vẫn đang trong thời kỳ đánh giá và đóng cửa các chi nhánh nếu cần. Chẳng hạn, SSC không thành lập chi nhánh tại Hà Nội, nhưng nhân sự lại “tạm trú” tại văn phòng của NSC, hay NSC giải thể Chi nhánh Đồng Tháp và đưa nhân sự về làm tại SSC.
Đầu tháng 3/2018, NSC đã nộp đơn lên Ủy ban Chứng khoán và đang chờ phê duyệt Nghị quyết chào mua 3,3 triệu cổ phiếu, tương đương 25,1% tổng số cổ phiếu đang lưu hành của SSC. Hiện NSC nắm 74,9% vốn SSC. Nếu giao dịch thành công, NSC sẽ trở thành chủ sở hữu duy nhất của SSC, chi phối 100% vốn. Thực tế, PAN Farm (Công ty con Tập đoàn PAN) đang nắm 75% vốn của NSC.
Chủ tịch SSC chia sẻ, NSC và SSC như “người nhà” và sẽ giúp Công ty tăng khả năng cạnh tranh, với các giống lúa và sau này là ngô, rau độc quyền.