Tăng kết nối nhằm tạo ra một cộng đồng mạnh
Việt Nam đang có hơn 1.500 start-up hoạt động trong nhiều lĩnh vực. Xét theo mật độ các công ty khởi nghiệp trên đầu người, thì tỷ lệ ở Việt Nam thậm chí cao hơn nhiều quốc gia khác như Trung Quốc, Ấn Độ hay Indonesia.
Tuy nhiên, trong số các start-up nói trên, chỉ có 3% thực sự thành công, thỏa mãn được một trong các tiêu chí: được định giá từ 10 triệu USD trở lên, doanh thu từ 2 triệu USD trở lên, có từ 100 nhân viên trở lên, đã gọi vốn vòng 2 hoặc đã bán được công ty với giá tốt.
Đặc biệt, trong quá trình hội nhập, khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào thị trường trong nước, doanh nghiệp nội sẽ khó cạnh tranh với các đối thủ ngoại có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm, mạng lưới đối tác rộng khắp...
TS. Vũ Duy Thức, Giám đốc đầu tư Quỹ Do Ventures đánh giá, một trong những điểm yếu của hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam chính là thiếu kết nối. Dù đã có không ít start-up Việt thành công, nhưng các start-up lại chưa biết liên kết cùng nhau nhằm tạo ra một cộng đồng mạnh.
Ông Thức kỳ vọng tạo thêm nhiều cơ hội kết nối các tài năng Việt, các chuyên gia hàng đầu trên thế giới để xây dựng đội ngũ, đẩy nhanh phát triển sản phẩm, hỗ trợ tài chính, kết nối với các start-up Việt với nhau để cộng hưởng sức mạnh.
Điểm đến của dòng vốn đầu tư cho khởi nghiệp
Ông Richard Triều Phạm, Phó tổng giám đốc tài chính Tiki đánh giá, start-up Việt Nam còn thiếu kỹ năng, chuyên môn sâu về kỹ thuật, kinh doanh, khả năng tiếp cận nguồn vốn hạn chế, chưa có nhiều ý tưởng và sáng kiến để bứt phá.
Dù vậy, vị chuyên gia này lạc quan rằng, các start-up Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển nhanh hơn so với khu vực, vì Việt Nam là một trong những nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất khu vực và thế giới. Còn rất nhiều cơ hội để start-up tiếp tục khám phá, tận dụng; đồng thời, sẽ có nhiều nguồn vốn tiếp tục được đầu tư vào các công ty khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực trong vài năm tới.
Đồng qua điểm, ông Phạm Anh Cường, Chủ tịch Quỹ đầu tư BestB Capital phân tích, năm 2020 là một năm khó khăn với cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam, song với việc kiểm soát Covid-19 hiệu quả và những kết quả phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam vẫn được xem là điểm đến của dòng vốn đầu tư cho khởi nghiệp.
Minh chứng là, tại Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam tổ chức cuối tháng 11/2020, 33 quỹ đầu tư đã cam kết rót 815 triệu USD vào lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam trong giai đoạn 2021 - 2025.
Theo Báo cáo Thương hiệu quốc gia năm 2020 của Hãng Định giá thương hiệu Brand Finance (Anh), giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam đã tăng 29% so với năm 2019, lên tới 319 tỷ USD. Nhờ đó, Việt Nam đã tăng hạng 9 bậc lên vị trí thứ 33 trong Top 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới, trở thành giá trị thương hiệu quốc gia tăng mạnh nhất thế giới trong năm 2020.
Ông Phạm Anh Cường cho rằng, đây là yếu tố thu hút sự quan tâm của các nguồn vốn mới từ quỹ ngoại và các nhà đầu tư thiên thần. Trong đó, các start-up liên quan tới công nghệ do chính start-up đó phát triển hoặc có sự chuyển giao từ nước ngoài và nắm được “công nghệ lõi”, hoặc nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa sẵn sàng chuyển đổi số, ứng dụng vào các lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam được dự báo sẽ có tiềm năng lớn để thu hút vốn.