Khởi nghiệp từ đồ bỏ đi
Ý tưởng xây dựng ứng dụng khớp lệnh trao đổi hàng hóa, dịch vụ trên Internet mang tên Dobody của anh Phan Bá Mạnh xuất hiện trong chuyến đi thiện nguyện.
Tham gia hỗ trợ đồng bào ở Quảng Bình vừa qua, chứng kiến cảnh bà con nơi đây thiếu đồ dùng, trong khi ở thành phố lại thừa, anh Phan Bá Mạnh muốn làm ra sản phẩm gì đó để giải quyết nhu cầu "thừa bù thiếu".
Anh cùng cộng sự bắt tay xây dựng một phần mềm có chức năng kết nối những nhu cầu đổi đồ vật dành cho người thừa và người cần, sau 4 tháng, ứng dụng Dobody được vận hành thử.
CEO Phan Bá Mạnh |
Không đơn giản là làm đồ bỏ đi, sản phẩm thực chất là nền tảng khớp lệnh giữa cung cầu dựa trên nền tảng công nghệ của Google. Thông qua định vị và nhu cầu thừa thiếu của mỗi người dùng, phần mềm cung cấp cho người dùng những gợi ý tiện dùng và hiệu quả trong khớp lệnh. Phần mềm chạy trên cả trình duyệt web lẫn apps điện thoại thông minh.
Xuất phát từ việc đứng ra quyên góp hàng chục tỷ đồng của một cá nhân nổi tiếng trong đợt lũ miền Trung vừa qua, anh Mạnh còn chạy thử ứng dụng "Cứu trợ từ thiện" trên nền tảng công nghệ của Dobody. Ứng dụng này sẽ chỉ ra các vùng khó khăn trên cả nước đang thiếu những gì để nhà hảo tâm đáp ứng đúng nhu cầu của người dân địa phương đó.
Anh Mạnh đã giúp Dobody thu hút thành công dòng vốn của 3 nhà đầu tư trong và ngoài nước. Mới đây, đơn vị này hoàn tất thủ tục đăng ký mở văn phòng chi nhánh tại Singapore.
Ứng dụng lưu trữ dữ liệu y khoa của CEO 7x
Anh Trương Thanh Hoài nhận thấy trên thị trường có nhiều ứng dụng cho phép người dùng lưu trữ thông tin nhưng chưa có ứng dụng chuyên lưu trữ dữ liệu y khoa. Nhiều phần mềm hồ sơ y khoa cũng đã được triển khai tại các bệnh viện nhưng việc tham khảo chỉ dừng lại trong hệ thống bệnh viện đó. Ngoài ra, tài khoản y khoa của thành viên hoàn toàn do bệnh viện nắm giữ và quản lý.
Tháng 7/2015, anh tập hợp một vài cộng sự và bắt đầu thực hiện dự án. Đến tháng 8/2016, sau quá trình chỉnh sửa, cải thiện, hai phiên bản website mediThank cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt chạy ổn định.
Với trang web mediThank, bất kỳ ai cũng có thể khởi tạo một hồ sơ y khoa. Mọi thông tin được bảo mật ở nhiều cấp độ.
Sau 3 tháng chính thức đi vào hoạt động, mediThank đã có hơn 300 tài khoản đăng ký sử dụng dịch vụ.
Ngoài hoạt động tại Việt Nam, anh Hoài kỳ vọng thu hút người dùng tại các quốc gia không sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ chính. Và tất cả trẻ em khi sinh ra đều sẽ có một mã số y khoa online cho đến suốt cuộc đời.
Ứng dụng gắn kết nhân viên để giảm tình trạng nghỉ việc
Làm việc ở nhiều công ty, chàng trai 9x Nguyễn Văn Toản nhận thấy sau một thời gian cống hiến, nhiều nhân viên công sở bắt đầu cảm thấy chán và mong muốn chuyển công ty vì cho rằng nhà quản lý và đồng nghiệp không ghi nhận nỗ lực của mình.
Từng được biết đến hệ thống nội bộ “gThanks” của Google, Toản không khỏi ấn tượng khi nhân viên có thể ghi nhận, cảm ơn lẫn nhau, giúp mọi người lựa chọn cống hiến và ở lại với Google lâu hơn. Chàng trai mong muốn thương mại hóa công cụ này để mọi công ty đều có thể sử dụng.
Nguyễn Văn Toản trong một buổi thuyết trình |
Có ý tưởng, Toản và một người bạn Singapore bắt đầu lên kế hoạch nghiên cứu, xây dựng dự án Perkfec - nền tảng giúp doanh nghiệp xây dựng văn hoá ghi nhận, cảm ơn nơi công sở và thử thách nhân viên đạt mục tiêu trong công việc.
Perkfec gồm 3 chức năng chính là ghi nhận, thử thách và tặng thưởng. Theo đó, mỗi khi đồng nghiệp hoàn thành xuất sắc công việc, bạn có thể gửi lời ghi nhận kèm theo điểm để khích lệ hoặc gửi lời cảm ơn kèm điểm khi nhận được sự giúp đỡ từ đồng nghiệp. Các nhân viên có thể thử thách lẫn nhau và tặng điểm khi hoàn thành mục tiêu, giúp xây dựng môi trường làm việc thi đua, gắn kết giữa các nhân viên. Ngoài ra, điểm nhân viên nhận được có thể tích lũy để đổi quà như vé xem phim, ăn uống, du lịch, áo thun, ngày nghỉ...
Chàng trai 8x lập công ty chế tạo robot
Rất vất vả để "săn" được suất học bổng thạc sĩ tại Hàn Quốc nhưng chỉ một năm sau đó, anh Trương Trọng Toại khiến không ít người bất ngờ khi quyết định nghỉ học để lập nghiệp.
Chia sẻ về quyết định này, anh cho biết, theo học lĩnh vực ứng dụng công nghệ tự động hóa nhưng chương trình thạc sĩ của anh định hướng phát triển trong 50 năm tới và khó có thể áp dụng ở hiện tại. Với mong muốn phát triển hệ thống robot công nghiệp đạt hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu tự động hóa sản xuất hiện tại ở Việt Nam, anh về nước sáng lập công ty Robotics 3T.
Hiện Robotics 3T vẫn trong giai đoạn nghiên cứu nhưng đã cho ra mắt, phân phối trong và ngoài nước khoảng 20 sản phẩm công nghệ chất lượng cao như: card thu thập dữ liệu, máy điều khiển nhiều trục, bộ điều khiển độ cao đầu cắt plasma… với tổng doanh thu 2016 đạt khoảng 6 tỷ đồng.
Chàng trai sinh năm 1985 làm việc trong phòng nghiên cứu robot |
Trong tương lai, anh Toại mong muốn Robotics 3T có thể cạnh tranh trực tiếp với robot công nghiệp của những thương hiệu lớn thế giới, giá thành sản phẩm rẻ hơn 40-60%.
Ngoài ra, chàng trai trẻ cũng kỳ vọng nâng tỷ lệ nội địa hóa sản xuất robot lên khoảng 85% để hạn chế nhập khẩu linh kiện từ nước ngoài, giúp doanh nghiệp tiết kiệm các khoản chi phí như vận chuyển, lắp đặt, thuê chuyên gia bảo trì…