Mark Zuckerberg, CEO Facebook |
Ấn Độ dạy gì cho những nhà lãnh đạo
Trong một cuộc trò chuyện cùng Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi tại Town Hall, Mark Zuckerberg - CEO của Facebook - bật mí rằng khi đang gặp khó khăn trong những ngày đầu khởi nghiệp, mình đã dành một tháng để chu du đến Ấn Độ theo lời khuyên của Steve Jobs.
“Những ngày đầu phát triển công ty, khi đối mặt với nhiều khó khăn cũng như những lời chào mua rất hấp dẫn, tôi đã tìm đến Steve Jobs", Mark kể lại, "Ông khuyên tôi nên viếng thăm một ngôi đền ở Ấn Độ để tìm lại sự tin tưởng và sứ mệnh của công ty. Vì ông cũng đã đến đây khi còn trẻ và hành trình này đã giúp Steve Jobs biết được ông cần làm gì ở Apple”, Business Insider trích lời Zuckerberg trong cuộc thảo luận với Thủ tướng Ấn Độ.
Nhận lời khuyên từ Jobs, Zuckerberg đã đáp chuyến bay tới Ấn Độ, đến viếng thăm đền thờ Kainchi Dham Ashram và dành gần một tháng để du ngoạn khắp Ấn Độ. Tại đây, Zuckerberg quan sát mọi người dân, quan sát cách mọi người kết nối với vạn vật và nhận ra thế giới sẽ tốt đẹp hơn nếu tất cả chúng ta có khả năng kết nối mạnh mẽ hơn.
“Việc này tạo cho tôi cơ hội nhận thấy tính cốt lõi về tầm quan trọng trong mọi việc chúng tôi đang làm, và đó sẽ là điều mà tôi luôn luôn ghi nhớ”, Zuckerberg cho biết trên Business Insider.
Steve Jobs đã đưa ra lời khuyên ấy cho Zuckerberg sau những trải nghiệm của mình.
“Những người dân sống ở các vùng nông thôn Ấn Độ không sử dụng nhiều lý trí như người phương Tây, thay vào đó, họ sử dụng trực giác… Với tôi, trực giác là một thứ gì đó đầy quyền uy, có sức mạnh lớn hơn cả trí tuệ. Nó là yếu tố có tác động lớn tới công việc của tôi”, trích tiểu sử của Steve Jobs, tác giả Walter Isaacson.
Zuckerberg, tất nhiên, đã lựa chọn gắn bó với đứa con tinh thần của mình đến tận hôm nay, đưa một công ty startup thành một đế chế công nghệ hùng mạnh, giá trị thị trường trên 254 tỷ đô la.
Tầm quan trọng của các cố vấn
Giờ đây, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đã không thể có những tư vấn quý giá từ Steve Jobs. Tuy nhiên, lời khuyên là khi gặp bế tắc, bạn hãy nhấc điện thoại lên, gọi cho những cố vấn của mình. Một bữa ăn trưa, gặp gỡ, cà phê sẽ giúp mối quan hệ của nhà lãnh đạo với các nhà cố vấn gắn kết hơn, từ đó, bạn nhận được lời khuyên hữu ích, đúng cách, đúng thời điểm.
Bill George, một chuyên gia lãnh đạo và tác giả cuốn sách quản trị Discover Your True Noth (tạm dịch Hãy đi về phương Bắc) cho rằng CEO trẻ có thể tìm một đội ngũ hỗ trợ lý tưởng hay không phụ thuộc rất nhiều vào cách họ lắng nghe và tiếp thu các lời khuyên của cố vấn.
Quan điểm trên của ông đến từ kinh nghiệm làm CEO của Medtronic (một công ty sản xuất thiết bị y tế nổi tiếng thế giới) giai đoạn từ năm 1991-2001. Và George dẫn chứng Mark Zuckerberg như là ví dụ tiêu biểu cho thế hệ CEO trẻ biết lắng nghe, ham học hỏi.
Vào năm 2005, Zuckerberg đã gặp Don Graham - CEO Công ty truyền thông Washington Post để bàn luận về vụ đầu tư 6 triệu đô la vào Facebook. Zuckerberg trả lời sẽ chấp nhận nếu đối tác đồng ý đầu tư vào mạng xã hội non trẻ này một khoản giá trị lớn hơn.
Graham đã rất ấn tượng trước sự cứng cỏi của vị CEO trẻ Zuckerberg. Cuối năm đó, Zuckerberg đã theo Graham trong nhiều ngày để có thể học hỏi kinh nghiệm làm một CEO. Chính Graham đã khuyên Zuckerberg thuê COO của Washington Post, Sheryl Sandberg và khuyến khích Sheryl đảm nhận vị trí trong ban quản trị của Facebook. Hiện tại, Graham là một thành viên quan trọng trong Hội đồng quản trị của Facebook và cũng đã học được từ Zuckerberg về cách tăng số lượng độc giả trực tuyến cho Washington Post.
Hơn thế nữa, từ kinh nghiệm có được từ các cố vấn, Zuckerberg có thể tìm ra những chuyên gia cố vấn nổi bật cho Facebook, đáng kể nhất là Bill Gates và Marc Andreessen.
“Mọi người sẽ thắc mắc rằng làm thế nào Zuckerberg có được sự khôn ngoan từ khi còn là một thanh niên 20 tuổi? Câu trả lời là, Zuckerberg đã tìm tòi và biết học hỏi từ những người thầy thực sự tốt", George nói.
Một trong số đó, người thầy ảnh hưởng mạnh mẽ nhất lên Zuckerberg chính là Steve Jobs, vì chính chuyến đi đến Ấn Độ đã trở thành chiếc chìa khóa khai mở thành công của Facebook.
Vì vậy, nếu bạn là doanh nhân và đang gặp một hoàn cảnh tương tự của Zuckerberg, Ấn Độ có thể là một giải pháp cho bạn. Tất nhiên, nếu bạn có đủ chi phí trang trải cho chuyến đi, bạn có thể học hỏi và khai mở được tầm nhìn thông qua trải nghiệm một nền văn hóa hoàn toàn mới.
Nếu bạn không có đủ kinh phí cho chuyến đi thì vẫn có một giải pháp khác cũng mang lại hiệu quả. Chỉ mất chi phí cho vài buổi cà phê, bạn đã có thể nuôi dưỡng mối quan hệ với các cố vấn hoặc xây dựng một đội ngũ chuyên gia hỗ trợ công việc.
Tóm lại, nếu không thể vượt vạn dặm để đạt được tầm nhìn sâu sắc, bạn hãy kết nối với những người mà bạn thật sự tôn trọng và muốn lắng nghe những gì họ nói.