Viễn thông - Công nghệ
Sự cố cáp quang biển IA và AGG: Internet trông chờ tuyến cáp mới
Hữu Tuấn - 16/01/2017 08:08
Sự cố cáp quang biển IA và AGG đang khiến Internet Việt Nam ngừng trệ, kết nối khó khăn…
TIN LIÊN QUAN

Cùng lúc “đổ bệnh”

Sự cố bắt đầu từ chiều 11/1 đến nay trên diện rộng khắp cả nước, khiến người dùng internet của nhà mạng Viettel không thể truy cập inernet cả theo hướng trong nước lẫn ngoài nước.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một nhà cung cấp dịch vụ internet tại Việt Nam cho biết, tuyến cáp quang biển IA (Intra - Asia) đã gặp sự cố tại vị trí gần Hồng Kông, gây mất liên lạc hướng kết nối internet từ Việt Nam đi Hông Kông cũng như ra quốc tế trên tuyến cáp này. Tuyến cáp quang biển Liên Á - IA vừa đứt ngày 10/1 tại vị trí gần Hong Kong. Tiếp đó, ngày 12/1, một ISP có sử dụng tuyến cáp quang biển IA cho biết, nhà mạng này đã nhận được thông báo của đối tác Tata - đơn vị chủ quản tuyến cáp quang biển Liên Á phân đoạn Singapore.

.

Theo đó, Tata cho biết tuyến cáp IA bị lỗi sụt nguồn tại vị trí gần Singapore vào lúc 6h15 ngày 11/1/2017, gây gián đoạn thông tin trên các hướng kết nối từ Việt Nam đi Hong Kong, Singapore và Mỹ. Tuy nhiên, đơn vị chủ quản tuyến cáp quang biển Liên Á vẫn chưa thông tin về kế hoạch khắc phục sự cố.Trước đó, từ 9h30 sáng 8/1, tuyến cáp AAG cũng đồng thời gặp sự cố. Theo thông tin chính thức của VNPT VinaPhone, sự cố xảy ra với tuyến cáp AAG vào sáng ngày 8/1 vừa qua là do rò nguồn điện ở khu vực thuộc vùng biển Vũng Tàu (Việt Nam), gây mất liên lạc Internet đi quốc tế trên tuyến. Sự cố đứt cáp IA càng khiến cho kết nối internet từ Việt Nam đi quốc tế gặp rất nhiều khó khăn vì đến thời điểm hiện tại tuyến cáp quang biển AAG (Asia - America Gateway) chiếm 60% dung lượng băng thông kết nối từ Việt Nam đi quốc tế vẫn đang bị sự cố.

Nhà mạng “gồng mình” khắc phục

Ngay sau khi tuyến cáp AAG gặp sự cố, các nhà mạng cho biết, đã chủ động định tuyến lưu lượng internet sang các tuyến cáp biển và đất liền khác như IA, CSC (cáp đất liền qua Trung Quốc) và SMW3 (tuyến cáp châu Á sang Ấn Độ vào châu Âu)… để đảm bảo thông suốt mạng lưới. Đồng thời, họ cũng phối hợp với các đối tác quốc tế để bố trí dung lượng ứng cứu, khắc phục sự cố gián đoạn đường truyền tới khách hàng.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, VNPT cho biết, có thể đến ngày 23/1, sự cố xảy ra với tuyến cáp quang AAG mới có thể khắc phục xong, khôi phục hoàn toàn 100% kênh truyền internet từ Việt Nam đi quốc tế trên tuyến cáp.

Tuyến cáp APG vào hoạt động hứa hẹn chấm dứt hiện tượng gián đoạn dịch vụ khi AAG gặp sự cố và giúp tăng tốc độ kết nối internet quốc tế cho người dùng trong nước.

Thông tin mới nhất từ Viettel cho hay, ngay sau khi nhận được thông tin về sự cố xảy ra với tuyến cáp IA vào chiều ngày 11/1/2017, Viettel đã nhanh chóng định tuyến, san tải dung lượng kết nối qua hướng cáp biển APG và 2 hướng đất liền để đảm bảo tối đa chất lượng dịch vụ cho các khách hàng. Đến hết ngày 11/1/2017, Viettel đã hoàn thiện bổ sung khoảng 300Gbps trên các hướng kết nối hiện có để duy trì dịch vụ.

Viettel cũng cho biết sẽ lắp đặt thêm các bộ cache dung lượng (lưu trữ dữ liệu) cho hệ thống máy chủ của Google, Facebook tại Việt Nam để đảm bảo dịch vụ của Google, Facebook do không cần kết nối ra quốc tế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của sự cố này, việc truy cập internet của khách hàng sẽ khó tránh khỏi hiện tượng chập chờn vào các khung giờ cao điểm.

Trông chờ APG

Trong 2 năm trở lại đây, tuyến cáp quang biển AAG - tuyến cáp chính truyền dẫn lưu lượng internet quốc tế của các ISP trong nước liên tục gặp sự cố.

Đầu năm 2017, tuyến cáp quang quốc tế mới Asia Pacific Gateway (APG), với vốn đầu tư của VNPT, Viettel, FPT, CMC và các đối tác quốc tế, bắt đầu đi vào hoạt động.

Đại diện VNPT cho biết, APG đi vào hoạt động không chỉ hứa hẹn chấm dứt hiện tượng gián đoạn dịch vụ khi AAG gặp sự cố, mà còn giúp tăng tốc độ kết nối internet quốc tế cho người dùng trong nước.

Asia - Pacific Gateway (APG) chạy qua các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam. Mạng cáp quang biển mới này được kỳ vọng giúp mạng Internet Việt Nam giảm bớt sự phụ thuộc vào tuyến cáp Asia America Gateway (AAG) hiện nay.

Tuyến cáp quang APG có khả năng cung cấp băng thông tới 54 Tbps. Nếu so sánh với cáp quang AAG có băng thông 2,88 Tbps, thì cáp quang APG có tốc độ đường truyền Internet nhanh hơn gần 20 lần.

Theo đại diện Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA), do tuyến cáp quang biển APG chưa được chính thức hoạt động thương mại, các nhà mạng vẫn đang trong giai đoạn chạy thử nên việc cáp AAG bị đứt vẫn sẽ ảnh hưởng đến tốc độ truy cập internet của người dùng tại Việt Nam, trong đó đặc biệt là các hộ gia đình, dịch vụ ADSL và FTTH. Bởi lẽ, mức độ ưu tiên của các ISP cho các dịch vụ này sẽ thấp hơn các dịch vụ cao cấp khác.

Hiệp hội Internet Việt Nam cũng cho biết, các nhà cung cấp dịch vụ internet Việt Nam cũng đã quen đối phó với việc đứt cáp AAG. Do đó, tình trạng tốc độ chậm sẽ chỉ kéo dài trong thời gian ngắn, có thể là vài ngày đến một tuần, cho đến khi các nhà mạng bổ sung đủ băng thông qua các hướng ứng cứu, phần lớn là qua đất liền.

Tin liên quan
Tin khác