Sáng nay, tại Đà Nẵng, 1.000 doanh nhân, đại diện cộng đồng kinh doanh Việt Nam cùng hướng ra biển với khát vọng hòa bình, hội nhập và thịnh vượng cho đất nước (Ảnh: Tuyết Ảnh) |
Tổ quốc gọi tên
1.000 doanh nghiệp chỉ là một con số mang tính đại diện, có thể chưa đầy đủ cho cộng đồng doanh nhân Việt Nam. Nhưng họ có chung khát vọng và trách nhiệm với đất nước.
Sau hơn một thập kỷ được định danh và tôn vinh, thêm một lần nữa, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam nhận trách nhiệm trước vận mệnh quốc gia, trước cơ hội của nền kinh tế trong kỷ nguyên số và hội nhập sâu rộng.
Thưa ông, chọn chủ đề “Việt Nam 2045 - Khát vọng hùng cường và sứ mệnh doanh nhân: Tổ quốc gọi tên mình” để các doanh nhân đối thoại nhân kỷ niệm 15 năm ngày Doanh nhân Việt Nam, VCCI muốn gửi thông điệp gì?
Chỉ còn một phần tư thế kỷ nữa là đất nước kỷ niệm 100 năm ngày độc lập. Đây cũng là dấu mốc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi gắm thế hệ trẻ hoài bão về ngày dân tộc Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu.
Vào thời điểm này, Việt Nam đang đứng trước những cơ hội chưa từng có để đưa đất nước lên một vị thế xứng đáng trong cộng đồng quốc tế, để hiện thực khát vọng cháy bỏng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cũng là ước mơ ngàn đời của dân tộc.
Đây cũng là khát vọng, là trách nhiệm của cộng đồng doanh nhân Việt Nam với đất nước, với nền kinh tế, với tầm nhìn Việt Nam 2045.
Nhưng, đây cũng là thách thức vô cùng lớn, đòi hỏi bản lĩnh, sự dũng cảm và cả sự sẵn sàng thay đổi lớn trong tư duy kinh doanh, trong hành động với cộng đồng, với xã hội… của từng doanh nhân.
Sau 15 năm được định danh, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã có những đóng góp rất lớn cho nền kinh tế...
Đóng góp của khu vực tư nhân vào nền kinh tế trong 15 năm qua, hay nói đầy đủ là trong ba thập kỷ đổi mới không có gì phải bàn. Khu vực này đang sử dụng phần lớn lao động, đóng góp lớn vào GDP, tham gia mạnh mẽ vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập… của nền kinh tế.
Việt Nam cần một thế hệ doanh nhân hùng hậu, có năng lực cạnh tranh, đạo đức kinh doanh đạt chuẩn mực toàn cầu. Trong ảnh: Đoàn doanh nhân Việt Nam trong Lễ diễu hành mừng Quốc khánh. |
Ngay trong kỳ tích ghi tên Việt Nam trên bản đồ thế giới như một mẫu hình chuyển đổi thành công từ kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang kinh tế thị trường và cũng là mẫu hình thành công đưa một đất nước đói nghèo, bị chiến tranh tàn phá, trở thành một nước có thu nhập trung bình (dù còn ở trình độ thấp) hay việc duy trì được tốc độ tăng trưởng đều đặn trong giai đoạn kinh tế khó khăn, doanh nghiệp, doanh nhân có công rất lớn.
Có thể nói, việc hình thành và phát triển ngày càng đông đảo của đội ngũ doanh nhân tư nhân là thành quả quan trọng nhất của quá trình đổi mới của Việt Nam. Thậm chí, có quan điểm cho rằng, những đóng góp của khu vực này vào nền kinh tế chưa được tính đầy đủ.
Nhưng, những bước tiến lớn vừa qua không đủ để đưa Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, bước vào hàng ngũ quốc gia phát triển hùng cường, trong tầm nhìn 2045.
Đây là thách thức lớn mà cộng đồng doanh nhân Việt Nam phải cùng nhận diện, để khuyến nghị, đề xuất giải pháp phát triển phù hợp...
Ông Vũ Tiến Lộc. |
Tại Lễ phát động “Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế” do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức đầu tháng 9/2019, ông đã nói, đất nước sẽ không thể thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình nếu không vượt khỏi tình trạng chất lượng thể chế ở mức trung bình và nhắc đến đòi hỏi về làn sóng cải cách lần thứ 2?
Hơn 30 năm cải cách đã qua là một hành trình chúng ta tập trung vào phát triển nền kinh tế theo chiều rộng, đưa nền kinh tế tiệm cận với các chuẩn mực, thông lệ của kinh tế thị trường. Cùng với đó là quá trình “cởi trói” cho doanh nghiệp, doanh nhân. Nhờ vậy, một cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đã xuất hiện từ nhu cầu sinh tồn.
Còn bây giờ, tầm nhìn 20 - 30 năm tới, sẽ là một hành trình kiến tạo, tạo thuận lợi, yểm trợ và thúc đẩy cho sự phát triển với chất lượng cao hơn của nền kinh tế và các doanh nghiệp dựa trên động lực và mô hình kinh doanh mới, dựa trên nền tảng đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển bền vững…
Thực tế, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực theo hướng này, để cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh và năng suất lao động ở Việt Nam. Năm 2018, riêng về thủ tục hành chính, đã cắt giảm và đơn giản hoá được 50% - 60% điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành, nỗ lực xây dựng Chính phủ điện tử cũng đã bước đầu phát huy tác dụng…
Nhưng, trong tương quan so sánh khu vực và quốc tế, thủ tục hành chính ở Việt Nam còn phiền hà, thời gian và chi phí cho thủ tục hành chính còn cao, chi phí không chính thức còn lớn; hệ thống pháp luật kinh doanh thiếu minh bạch, thiếu nhất quán, chưa bình đẳng…
Những rào cản trên đã trói buộc nỗ lực phát triển của cả nền kinh tế và doanh nghiệp, thậm chí níu kéo tư duy kinh doanh dựa dẫm vào quan hệ, tận dụng sơ hở của thể chế trong thời kỳ chuyển đổi.
Đây là thời điểm để nói đến làn sóng cải cách lần 2, với mục tiêu xây dựng một nền kinh tế thị trường hiện đại và đưa Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, để bước vào hàng ngũ các quốc gia phát triển hùng cường, trong tầm nhìn 2045.
Việt Nam chỉ có thể vượt bẫy thu nhập trung bình nếu có thể chế vượt trội.
Nhiệm vụ của làn sóng cải cách này chắc chắn sẽ khó khăn hơn, bởi trên thế giới này, nhiều quốc gia có thể thoát nghèo, nhưng rất ít quốc gia có thể trở nên giàu mạnh.
Sứ mệnh doanh nhân
Trong cuộc trò chuyện dài về sứ mệnh của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam trong bối cảnh mới của nền kinh tế, ông Lộc nhiều lần nhắc tới sự khác biệt rất lớn giữa họ với cộng đồng doanh nhân thế giới.
Trong bối cảnh mới của nền kinh tế, hay như ông nói là trong làn sóng cải cách lần 2, doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam sẽ đứng ở đâu?
Tôi muốn nhắc lại câu nói thể chế nào, doanh nhân ấy.
Cộng đồng kinh doanh Việt Nam đã trải qua một hành trình thực sự gian nan và giờ vẫn chưa hết gian nan do môi trường kinh doanh vẫn trong giai đoạn hoàn thiện, thế chế kinh tế thị trường vẫn nhiều ngập ngừng, bất định. Nên thành công của doanh nhân Việt không chỉ đo bằng thành quả kinh tế… mà bằng cả sự dũng cảm.
Tất nhiên, có những người chọn đầu cơ, chọn quan hệ làm đường đi, nhưng với đông đảo cộng đồng kinh doanh, thì mỗi con số doanh thu, lợi nhuận là mồ hôi, nước mắt.
Tôi luôn muốn nói rằng, các doanh nhân làm ăn được, trụ vững được trong môi trường này là những dũng sỹ; còn làm ăn có hiệu quả cao, đóng góp lớn cho sự phát triển có thể gọi là anh hùng. Rất nhiều doanh nhân đã dám làm, dám đánh cược cả sự nghiêp của mình để góp phần tạo nên sự phát triển của nền kinh tế, của đất nước.
Trong bối cảnh mới, trong đòi hỏi của xu thế phát triển của công nghệ, của kinh tế số, của khát vọng hùng cường, doanh nghiệp đã xác định phải thay đổi, phải nâng cấp chính mình để tham gia cuộc chơi đẳng cấp hơn, chuẩn mực cao hơn.
Đây là lý do mà cộng đồng doanh nghiệp phải định vị lại, tái cấu trúc, tăng cường liên kết, nâng cấp quản trị và công nghệ, thực hiện chuyển đổi số và quốc tế hoá, nâng cao đạo đức và văn hoá kinh doanh, hướng tới các chuẩn mực phát triển bền vững và đề cao trách nhiệm xã hội.
Nhưng, doanh nghiệp sẽ không thể thay đổi, không thể nâng cấp nếu không có sự hậu thuẫn của thể chế, của môi trường kinh doanh.
Đây là lý do mà các doanh nhân rất hào hứng với việc đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế, thưa ông?
Đây không phải là việc làm mới. Suốt hành trình cải cách hơn 3 thập kỷ qua, cộng đồng doanh nghiệp đã chung tay với Đảng, Nhà nước trong những nỗ lực cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh. Các cuộc gặp gỡ của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp hàng năm, các hội nghị, hội thảo, diễn đàn doanh nghiệp, các hội đồng tư vấn chính sách, các tổ công tác… của Chính phủ đều có sự tham gia đầy trách nhiệm của doanh nhân.
Nhưng, đây là lần đầu tiên Đảng và Nhà nước ta tổ chức cuộc vận động quy mô lớn và rộng khắp.
Chúng tôi hy vọng những góp ý kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp sẽ được các cơ quan Đảng, Nhà nước nghiên cứu, tham khảo trong quá trình xây dựng thể chế chính sách. Các doanh nghiệp đang rất cần Nhà nước tạo ra hệ sinh thái đóng vai trò bà đỡ và bệ phóng cho sự phát triển bứt phá của doanh nghiệp, doanh nhân và nền kinh tế nước nhà, để chúng ta lại một lần nữa, có thể ghi danh trên bản đồ thế giới câu chuyện hoá rồng của Việt Nam khi nền cộng hoà dân chủ của chúng ta tròn tuổi 100.
Đây là quá trình sẽ tạo ra nền tảng quan trọng để Việt Nam có được một thế hệ doanh nghiệp, doanh nhân có năng lực cạnh tranh, đạt chuẩn mực thế giới theo hướng phát triển bền vững.
Nhưng, hành trình này thực sự còn dài và không dễ dàng.