Những người cầm bút không ngần ngại có mặt ở những "điểm nóng", "ổ dịch bệnh nguy hiểm", tham gia cuộc chiến chống tham nhũng, lãng phí, tháo gỡ nút thắt của tư duy phát triển... |
Khi cả thế giới bối rối và hoang mang về Covid-19, câu hỏi sự thật ở đâu, như thế nào, nên làm gì... đứng đầu công cụ tìm kiếm.
Thông tin tràn ngập, được thu thập và cung cấp rất nhanh trên báo chí, trên các kênh truyền thông, trên mạng xã hội và cả tin đồn. “Cuộc chiến” giành người đọc diễn ra từng phút, thậm chí từng giây, bám theo các diễn biến dịch bệnh ở các điểm nóng trên toàn cầu, các điểm nóng ở Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, 90% người Việt Nam đã chọn tin vào những phương tiện truyền thông nước nhà đăng tải về dịch bệnh. Công ty phân tích dữ liệu và nghiên cứu thị trường uy tín YouGov (có trụ sở tại Anh) đã tổng kết, ở bảng thống kê về nơi tin tưởng nhiều nhất và ít nhất vào truyền thông liên quan đến tình hình Covid-19 trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 5/2020, Việt Nam cũng đứng đầu.
Sẽ không có ai thắng, ai thua trong cuộc chiến này, bởi cung cấp và tìm kiếm thông tin đang trở thành nhu cầu của nhiều người, thậm chí là một thị trường kinh doanh đầy hấp dẫn, không phải là phần việc dành riêng cho báo chí.
Hơn thế, nhà báo với công việc của mình có lợi thế hơn rất nhiều nếu muốn trở thành điểm hút tin đơn thuần.
Nhưng, báo chí đã một lần nữa khẳng định sức mạnh của mình.
Đó là sức mạnh của thông tin chính xác, thông tin có trách nhiệm, thông tin không che giấu, không thổi phồng, thông tin vì cuộc sống tốt đẹp hơn của từng người dân, của doanh nghiệp và của cả đất nước, dân tộc
Đó là sức mạnh của những bài viết, những câu chuyện về tình người, gương người tốt, việc tốt, mô hình tốt, những thông tin lan tỏa năng lượng tích cực trong xã hội.
Đó là sức mạnh của thông tin liên tục về nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị để Việt Nam là điểm đến an toàn, hấp dẫn, năng động, giàu tiềm năng trong mắt các nhà đầu tư và bạn bè quốc tế...
Đó là sức mạnh của những thông tin phản biện chính sách, những kiến nghị, đòi hỏi thay đổi để cùng tiến lên...
Tại Hội nghị sơ kết công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19 do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ghi nhận sự xông pha, đồng thanh hiệp lực của báo chí chống dịch Covid-19 có ý nghĩa lớn, đóng góp quan trọng vào phòng, chống dịch bệnh, tạo đồng thuận xã hội, nâng cao nhận thức của nhân dân, khơi dậy tinh thần yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc để chiến thắng đại dịch.
Đây là điều mà Báo chí Cách mạng Việt Nam đã kiên trì, nỗ lực thực hiện suốt 95 năm qua, kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập báo Thanh Niên, tờ báo cách mạng đầu tiên vào ngày 21/6/1925.
Từ đó, nhiều thế hệ nhà báo, phóng viên đã sẵn sàng quên mình, vào sinh, ra tử trong mưa bom, bão đạn của chiến tranh, góp phần không nhỏ vào những chiến thắng lịch sử, vào những thành tựu to lớn của dân tộc Việt Nam trong công cuộc giành độc lập, thống nhất đất nước. Hiện giờ, những người cầm bút cũng không ngần ngại có mặt ở những "điểm nóng", "ổ dịch bệnh nguy hiểm", không ngần ngại tham gia cuộc chiến chống tham nhũng, lãng phí, tháo gỡ nút thắt của tư duy phát triển...
Và sẽ còn những thế hệ nhà báo, phóng viên tiếp tục chọn dấn thân, cống hiến để hoàn thành trách nhiệm, sứ mệnh của những nhà báo - công dân đối với sự phát triển của từng người dân, của đất nước.