Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII mới đây đã thảo luận sôi nổi, tâm huyết và thống nhất cao về việc nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng của đội ngũ cán bộ, đảng viên, theo đúng quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN |
Chỉ trên cơ sở đó, mới có thể đi sâu nghiên cứu, hiểu đầy đủ, chính xác về các quan điểm của Hồ Chí Minh và khi đó mới nói tới việc vận dụng đúng, vận dụng sáng tạo và phát triển quan điểm, tư tưởng của Người một cách đúng đắn. Với quan niệm như vậy, bài viết này không đi sâu nghiên cứu nội dung cuốn sách, mà chỉ cố gắng góp phần làm sáng tỏ khái niệm “sửa đổi lối làm việc” theo quan niệm của Hồ Chí Minh trong sách “Sửa đổi lối làm việc” của Người.
“Cách làm việc”, “lối làm việc” và “lề lối làm việc”
Nghiên cứu di sản tư tưởng Hồ Chí Minh công bố trong bộ sách Hồ Chí Minh toàn tập, thấy rõ Người thường dùng 3 cụm từ: cách làm việc, lối làm việc và lề lối làm việc. Khái niệm cách làm việc và lối làm việc thường được Người dùng chung nội dung hơn và sử dụng trong cách làm việc, lối làm việc của cá nhân hoặc tập thể.
Khái niệm lề lối làm việc được Hồ Chí Minh sử dụng thiên về những quy định thủ tục làm việc. Vào những năm đầu của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, trong các sắc lệnh do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký quy định về cách làm việc của hội đồng nhân dân hoặc ủy ban hành chính, khái niệm cách làm việc được sử dụng trong các văn bản này là những quy định về thủ tục làm việc của các cơ quan và công chức trong bộ máy nhà nước.
Trong sách Sửa đổi lối làm việc, Hồ Chí Minh chỉ 2 lần sử dụng cụm từ lối làm việc, một lần ở tên bìa cuốn sách và một lần trong nội dung, nhưng Người lại dùng tới 10 lần cụm từ cách làm việc. Đặc biệt hơn, trong khi chỉ ra nhiệm vụ Đảng phải sửa đổi lối làm việc, Hồ Chí Minh đã sử dụng rất nhiều nhóm cách làm việc. Như vậy, trong lối làm việc có nhiều nhóm cách làm việc và trong mỗi nhóm cách làm việc đó lại chia ra nhiều cách làm việc khác nhau.
Ví dụ, Hồ Chí Minh viết: “Cách đối với cán bộ là một điều trọng yếu trong sự tổ chức công việc. Cách đối với cán bộ có khéo, có đúng thì mới thực hiện được nguyên tắc “Vấn đề cán bộ quyết định mọi việc”. Trong nhóm Cách đối với cán bộ này, Người đã chỉ ra nhiều cách khác nhau và Người tổng kết: “Tóm lại, đối với cán bộ có năm cách: chỉ đạo, nâng cao, kiểm tra, cải tạo, giúp đỡ”.
Đối với nhóm Cách lãnh đạo, Người tổng quát lại gồm:
- Cách quyết định công việc,
- Cách tổ chức thi hành,
- Cách tổ chức kiểm tra,
- Cách chọn người và thay người,
- Cách làm việc với quần chúng,
- Cách hỏi ý kiến dân chúng,
- Cách chỉ đạo nhân dân...
Trong mỗi cách làm việc trên đây lại chứa đựng các cách nhỏ khác.
Trên đại thể, có thể nói rằng, trong quan niệm của Hồ Chí Minh, khái niệm lối làm việc gồm nhiều nhóm cách làm việc và lề lối làm việc thường được xem là những lối làm việc đã được luật hóa thành các quy chế, quy định làm việc. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, cách làm việc được Hồ Chí Minh dùng cùng nghĩa như lối làm việc. Ví dụ, lối làm việc bàn giấy, cách làm việc bàn giấy...
Huấn luyện cách làm việc, lối làm việc cho cán bộ
Theo cách hiểu như trên, thì Hồ Chí Minh đã sớm quan tâm tới việc huấn luyện cách làm việc, lối làm việc cho cán bộ, bởi theo Người, “công việc thành hay bại phần lớn là do nơi tư tưởng đạo đức, thái độ và lề lối làm việc của các đồng chí”.
Ngày 25/6/1927, trong Thư gửi Chi bộ cộng sản Trường đại học Phương Đông, Người đề nghị Chi bộ nhà trường chỉ định 1 - 2 người chăm lo giáo dục cộng sản cho nhóm những người cộng sản An Nam đã được thành lập ở đây “để cho họ có thể học cách làm việc”. Sau này, trong Tập 5 của Tập sách cán bộ mang tên Phép dùng binh của ông Tôn tử, xuất bản tháng 2/1945, Người cũng đã nói tới phép dùng binh là phải “phải thường xuyên thay đổi cách làm việc”.
Sau khi nước nhà được độc lập, sớm phát hiện thấy những khuyết tật về cách làm việc của cán bộ nhà nước, ngày 4/10/1945, Hồ Chí Minh đã viết bài “Thiếu óc tổ chức, một khuyết điểm lớn trong các ủy ban nhân dân”, đăng trên Báo Cứu quốc. Người chỉ rõ: “Chính quyền nhân dân đã thành lập được hơn một tháng. Nhưng nhiều nơi, cách làm việc vẫn chưa đâu vào đâu cả”, “phần lớn các ủy ban nhân dân lộn xộn thiếu tổ chức” và chỉ ra rằng, “Cán bộ chăm chỉ làm việc chưa đủ, cần phải biết làm việc có phương pháp”.
Ngày 22/11/1945, để khắc phục tình trạng trên, Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 63, quy định về tổ chức, quyền hạn, cách làm việc của hội đồng nhân dân và ủy ban hành chính các cấp, trong đó dành cả Chương 3 của Sắc lệnh này quy định về cách làm việc của hội đồng nhân dân và ủy ban hành chính các cấp.
Ngày 1/3/1947, sau hơn 3 tháng lãnh đạo cả nước bước vào cuộc kháng chiến, trong Thư gửi các đồng chí Bắc Bộ, Hồ Chí Minh lại phê bình “làm việc lối bàn giấy” và chỉ ra rằng, “cái lối làm việc như vậy rất có hại. Nó làm cho chúng ta không đi sát phong trào, không hiểu được tình hình bên dưới, cho nên phần nhiều chủ trương của chúng ta không thi hành được đến nơi đến chốn”.
Đây cũng là lần đầu tiên Hồ Chí Minh sử dụng tới cụm từ lối làm việc.
Trong tác phẩm Đời sống mới, viết xong ngày 23/3/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt câu hỏi: Đời sống mới, việc đầu hết là gì?
Để giải thích, Người viết rằng, con người muốn sống phải ăn, mặc, ở, đi lại và làm việc. “Muốn có cơm ăn, áo mặc, nhà ở, đường đi thì phải làm. Từ trước đến giờ, ta vẫn làm, vẫn có cơm, áo, nhà cửa, đường xá. Nhưng làm chưa hợp lý, nên số đông dân ta ăn đói, mặc rách, nhà cửa chật hẹp, đường xá gập ghềnh. Người nghèo khổ thì nhiều, người no ấm thì ít. Đời sống mới không phải cao xa gì, cũng không phải khó khăn gì. Nó cũng không bảo ai phải hy sinh chút gì. Nó chỉ sửa đổi những việc rất cần thiết, rất phổ thông trong đời sống của mọi người, tức là sửa đổi cách ăn, cách mặc, cách ở, cách đi lại, cách làm việc”.
Tháng 10/1947, tiếp theo sự ra đời của tác phẩm Đời sống mới, sách Sửa đổi lối làm việc ra đời.
Logic lịch sử trên và nội dung của vấn đề cho thấy, Hồ Chí Minh coi sửa đổi cách làm việc là một nội dung của Đời sống mới, là tiếp tục cụ thể hóa một nội dung của Đời sống mới.
Những vấn đề căn bản
Đúng như tên gọi của nó, sự ra đời của tác phẩm Sửa đổi lối làm việc nhằm sửa chữa những sai sót, lệch lạc, chấn chỉnh công tác cán bộ, đảng viên, công tác đảng theo những chuẩn mực đạo đức của người đảng viên, theo những nguyên tắc làm việc của một đảng cầm quyền. Vì vậy, nội dung đầu tiên đề cập trong cuốn sách mà Hồ Chí Minh chỉ ra cần thực hiện là “phải sửa đổi lối làm việc của Đảng”.
Sau khi sách Sửa đổi lối làm việc ra đời, Báo Sự thật đã mở Chuyên mục Sửa đổi lối làm việc và Hồ Chí Minh cũng chú ý viết những bài cụ thể hóa một số nội dung phải sửa đổi cho chuyên mục này của Báo Sự thật. Điển hình là, Người đã viết bài “Cách làm việc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”, đăng trên Báo Sự thật ngày 23/9/1948.
Nhân dịp 19/5/1949, trả lời phỏng vấn của Báo Cứu quốc về những món quà mà Người nhận được trong dịp này, Hồ Chí Minh nói tới một món quà đặc biệt, đó là “Các nhân viên chính quyền và đoàn thể thi đua sửa đổi lối làm việc”.
Tháng 2/1950, trong Thư gửi Hội nghị Kháng chiến hành chính, Hồ Chí Minh đòi hỏi hội nghị phải “thảo luận kỹ lưỡng những vấn đề rất quan trọng như chỉnh đốn và kiện toàn bộ máy chính quyền; sửa đổi và thống nhất cách làm việc...”.
Có thể thấy, Sửa đổi lối làm việc thể hiện những quan điểm của Hồ Chí Minh trong điều kiện lịch sử mới khi Đảng ta đã giành được chính quyền, đang lãnh đạo toàn dân tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ. Trong điều kiện lịch sử như vậy và với nội dung của nó, sự ra đời của cuốn sách Sửa đổi lối làm việc đã nói lên những vấn đề căn bản sau:
Một là, sửa đổi lối làm việc là sự đổi mới về các cách làm việc trước những yêu cầu mới của cách mạng và nhiệm vụ này không chỉ là sửa đổi lối làm việc cụ thể, mà trước hết là sự sửa đổi, đổi mới trong tư tưởng, trong tổ chức làm việc, trong đó bao gồm cả lối làm việc, cách làm việc cụ thể của cán bộ, đảng viên và của toàn Đảng.
Hai là, sửa đổi lối làm việc yêu cầu trước hết phải có thái độ nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng và nói rõ sự thật về hiện trạng lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ nhà nước, đảng viên của Đảng để tìm ra nguyên nhân, phương thức sửa đổi, làm cho cán bộ, đảng viên có tư tưởng, đạo đức và lề lối làm việc đúng đắn, giúp cho Đảng vững mạnh, đủ sức lãnh đạo, hoàn thành nhiệm vụ cách mạng trong hoàn cảnh lịch sử mới.
Ba là, nội dung sửa đổi lối làm việc là trong toàn bộ hoạt động của đảng viên và tổ chức của Đảng, từ tư duy đến chỉ đạo, tổ chức thực hiện và trong các hoạt động thực tiễn của đảng viên và các tổ chức của Đảng về lối làm việc. Hồ Chí Minh viết: “Cần phải gắn chặt công việc với tư tưởng và lề lối làm việc, vì mỗi công việc thành hay bại là đều do tư tưởng và lề lối làm việc đúng hay sai...”.
Người còn chỉ rõ mục đích: “Bao nhiêu cách tổ chức, cách làm việc đều vì lợi ích của quần chúng, vì cần cho quần chúng. Vì vậy cách tổ chức, cách làm việc nào không hợp với quần chúng thì ta phải có gan đề nghị lên cấp trên bỏ đi hoặc sửa lại. Cách nào hợp với quần chúng, quần chúng cần, thì dù chưa có sẵn ta phải đề nghị lên cấp trên mà đặt ra. Nếu cần làm thì cứ đặt ra, rồi báo cáo sau miễn là được việc. Và “phải sửa đổi lề lối làm việc cho thiết thực, để giải quyết công việc cho nhanh cho tốt”.
Bốn là, về tổ chức sửa đổi lối làm việc, Hồ Chí Minh cho rằng, bên cạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, phải luật hoá về mặt nhà nước, điều lệ hoá hoặc đưa ra các quy định về lề lối làm việc của Đảng một cách cụ thể và phải tổ chức sửa đổi lề lối làm việc trước hết và bắt đầu từ trong Đảng, nhưng phải thiết thực. Người viết: “Cải tiến lề lối làm việc của đơn vị mình là để cho sản xuất và công tác mau tiến bộ”.
Năm là, trên cơ sở sửa đổi lối làm việc từ trong Đảng, tiến tới phát động việc sửa đổi lối làm việc trong các cơ quan nhà nước, ra toàn xã hội và biến nhiệm vụ này thành một phong trào thi đua, phong trào văn hoá thực hiện đời sống mới, văn hoá mới.
Sửa đổi lối làm việc một khi đã trở thành một phong trào văn hoá của nhân dân và lối làm việc khi đã trở thành một nội dung văn hóa, thì việc sửa đổi hay đổi mới lối làm việc sẽ trở thành một nhu cầu văn hoá thường xuyên và khi đó nó thực sự đáp ứng được mọi đòi hỏi trước sự phát triển của cuộc sống.
Hồ Chí Minh viết: “Tóm lại, cách làm việc, cách tổ chức, nói chuyện, tuyên truyền, khẩu hiệu, viết báo... chúng ta đều phải lấy câu này làm khuôn phép: Từ trong quần chúng mà ra. Về sâu trong quần chúng... Nếu không như vậy, nếu cứ làm theo ý muốn, theo tư tưởng, theo chủ quan của mình, rồi đem cột vào cho quần chúng, thì khác nào “khoét chân cho vừa giầy”. Chân là quần chúng. Giầy là cách tổ chức và làm việc của ta. Ai cũng đóng giầy theo chân. Không ai đóng chân theo giầy”.
* * *
Từ việc nghiên cứu khái niệm sửa đổi lối làm việc theo quan điểm của Hồ Chí Minh, chúng ta thấy rõ, sửa đổi lối làm việc - là yêu cầu thường xuyên của sự nghiệp cách mạng và nó đòi hỏi việc sửa đổi, đổi mới từ tư duy đến tổ chức thực hiện. Thay đổi cả quan niệm, nhận thức và hành động của con người, của tổ chức Đảng, của Nhà nước, của toàn xã hội vì lợi ích của nhân dân, đó thực sự là một cuộc cách mạng. Điều đó cho thấy, không phải ngẫu nhiên, ngay sau khi giành độc lập dân tộc và ngay trong những ngày, tháng “nước sôi, lửa bỏng”, với trăm ngàn công việc chỉ đạo, tổ chức cho toàn Đảng, toàn quân và dân ta bước vào cuộc kháng chiến không cân sức chống xâm lược Pháp, Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian viết tác phẩm Sửa đổi lối làm việc nhằm xây dựng đời sống mới với lối làm việc mới.
Nghiên cứu khái niệm sửa đổi lối làm việc theo quan điểm Hồ Chí Minh, chúng ta càng thấy rõ hơn sức sống và giá trị thực tiễn trong những quan điểm của Hồ Chí Minh mặc dù tác phẩm này được Người viết cách đây đã 75 năm. Đối chiếu với thực tế hiện nay, trên ý nghĩa khoa học và đòi hỏi của thực tiễn khi nhà nước ta đang thúc đẩy mạnh mẽ nhiệm vụ cải cách hành chính, chúng ta càng thấy quan điểm sửa đổi lối làm việc của Hồ Chí Minh là hết sức đúng đắn cho thành công của công cuộc đổi mới hiện nay ở nước ta.
(*) Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng